Chặng đường đầu tiên
Di tích Sân bay Soi Đúng là nơi ghi dấu những hoạt động của đội huấn luyện không quân từ năm 1947 đến năm 1951. Tuy chỉ tồn tại trong 4 năm nhưng những sự kiện diễn ra tại đây có ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng, đánh dấu chặng đường hoạt động và phát triển đầu tiên của lực lượng Không quân nhân dân Việt Nam. Tháng 4 năm 1947, đội huấn luyện không quân được lệnh chuyển 2 máy bay De Tiger Moth và Morane Saunier của Vua Bảo Đại từ Sân bay Bình Ca, xã An Khang (TP Tuyên Quang) lên Soi Đúng xã Vinh Quang.
Tại Soi Đúng, một sân bay dã chiến được xây dựng để phục vụ cho những chuyến bay trong tương lai. Sân bay Soi Đúng đã trở thành sân bay đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đồng thời thôn Soi Đúng xã Vinh Quang cũng là nơi cất giấu, bảo quản hai chiếc máy bay đầu tiên của Không quân nhân dân Việt Nam.
Để đáp ứng tình hình mới của cuộc kháng chiến chống Pháp, ngày 9-3-1949 Ban nghiên cứu không quân được thành lập, đóng tại Ngòi Liễm, xóm Hữu Lộc, xã Đông Thọ (Sơn Dương). Ban có khoảng 200 người, với nhiệm vụ xây dựng cơ sở nghiên cứu ban đầu của Không quân; tìm hiểu về tính năng, chiến thuật, kỹ thuật của không quân địch và nghiên cứu, đề xuất cách phòng chống không quân địch đồng thời huấn luyện các cán bộ kỹ thuật về hàng không, không quân, phòng không.
Sân bay Soi Đúng, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) nay đã phủ kín màu xanh của lúa ngô.
Sau khi được thành lập, Ban nghiên cứu không quân tiến hành kiểm tra thực trạng kỹ thuật của hai chiếc máy bay để chuẩn bị mọi mặt cho chuyến bay thử nghiệm đầu tiên. Đúng 17h00 ngày 14-9-1949, chiếc Tiger Moth đã bay lên bầu trời tự do của Tổ quốc trước sự hân hoan và xúc động vô bờ của quân và dân trong vùng.
Như vậy, sân bay Soi Đúng đã ghi dấu sự kiện quan trọng và vô cùng ý nghĩa. Tại sân bay dã chiến đầu tiên, và cũng là lần đầu tiên, chiếc máy bay mang lá cờ đỏ sao vàng, cất cánh bay lên bầu trời, khẳng định chủ quyền tự do trên bầu trời của Tổ quốc Việt Nam. Sự xuất hiện của không quân Việt Nam là mốc lịch sử đánh dấu sự kiện quan trọng trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, khẳng định sự lớn mạnh của quân đội ta, khiến tinh thần quân Pháp hết sức hoang mang.
Sân bay Soi Đúng còn là địa danh ghi dấu những bài học thực hành đầu tiên của học viên Ban nghiên cứu Không quân, các học viên đã sử dụng máy bay Tiger Moth và Morane Saunier để thực hành cho phần lý thuyết học tại Ngòi Liễm. Sân bay Soi Đúng đã góp phần đào tạo học viên Không quân khóa I và khóa II theo phương châm vừa học vừa nghiên cứu, vừa phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Năm 1951, để đáp ứng tình hình mới của cuộc kháng chiến chống Pháp, Ban nghiên cứu không quân đã mở lớp tập huấn về dùng súng bộ binh bắn máy bay địch. Sau đó, cán bộ và học viên Ban nghiên cứu không quân đã chuyển sang Đại đội 612, đơn vị pháo Cao xạ đầu tiên và Đại đoàn công pháo 351. Các đơn vị này đều có vinh dự được tham gia và lập công xuất sắc trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954.
Di tích Sân bay Soi Đúng cùng với hệ thống các di tích khác trên cả nước có ý nghĩa rất to lớn đối với công tác nghiên cứu khoa học về lịch sử kháng chiến của dân tộc, phản ánh chặng đường đầu tiên xây dựng lực lượng Không quân của quân chủng Phòng không - không quân và càng có ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Với ý nghĩa lịch sử đó, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã công nhận sân bay Soi Đúng là di tích lưu niệm sự kiện thuộc loại hình lịch sử cách mạng.
Bia di tích sân bay Soi Đúng, tiền thân của Quân chủng Phòng không Không quân ngày nay.
Vinh Quang cất cánh
Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, chính quyền và nhân dân xã Vinh Quang hôm nay đã đoàn kết, đồng lòng trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Năm 2021, xã Vinh Quang được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, hiện xã đang bắt tay hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu.
Ông Ma Văn Cường, Trưởng thôn Soi Đúng, xã Vinh Quang bộc bạch: Tự hào được sống trên quê hương có di tích của Quân chủng Phòng không Không quân, nhân dân trong thôn luôn đoàn kết, phát huy tinh thần cách mạng, bảo ban nhau phát triển làm ăn kinh tế. Hiện nay toàn thôn có 122 hộ với 547 nhân khẩu, thu nhập bình quân đầu người trong thôn đạt 62 triệu đồng/người/năm.
Thực hiện phong trào xây dựng NTM, Nhà nước đã đầu tư làm đường giao thông nông thôn khang trang, giúp người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi hơn, đời sống ở đây phát triển rõ rệt.
Để Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, NTM nâng cao thật sự hiệu quả, những năm qua, xã Vinh Quang đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực phát triển kinh tế, xem đây là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy tiến trình xây dựng NTM nhằm nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo bền vững, ổn định đời sống cho người dân.
Với các chủ trương phù hợp tình hình thực tế, xã đã tích cực vận động, khuyến khích người dân áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; phát triển các ngành nghề dịch vụ. Nhiều hộ dân đã chủ động đổi mới tư duy, năng động hơn trong phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo. Qua đó, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình mang lại hiệu quả, tăng thu nhập cho người dân, như: trồng nhãn, bưởi, rau, nuôi ốc…
Vinh Quang hoàn thành các tiêu chí xã NTM nâng cao là điều rất đáng mừng đối với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong xã. Đồng chí Phạm Văn Cầu, Chủ tịch UBND xã Vinh Quang cho biết: Hiện các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao của xã đã đạt. Tới đây, xã tập trung vào nâng cao các tiêu chí môi trường nông thôn, xây dựng kinh tế tập thể, vận động Nhân dân tham gia vào HTX, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Đồng thời tiếp tục nâng các tiêu chí và phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu trong thời gian tới
Gửi phản hồi
In bài viết