Phương châm “Cải cách hát ca theo tiến bộ/ Lương truyền tuồng tích sánh văn minh” được các nghệ sĩ tiếp tục phát huy với mong muốn nghệ thuật cải lương ngày càng hấp dẫn, thu hút đông đảo khán giả.
Một cảnh trong vở diễn “Đời cô Lựu”.
“Ăn theo thuở, ở theo thời”
Những năm gần đây, nhiều vở cải lương kinh điển như: “Tiếng trống Mê Linh” (tác giả Việt Dung - Vĩnh Điền), “Bên cầu dệt lụa” (Thế Châu), “Lan và Điệp” (Loan Thảo), “Đời cô Lựu” (Trần Hữu Trang)... đã được dàn dựng lại, có nhiều chi tiết mới so với kịch bản cũ. Đó là chưa kể nhiều vở diễn mới hấp dẫn, điển hình là “Con ngựa trắng và củ cải khổng lồ” (Bạch Long).
Chia sẻ nét đổi mới trong kịch bản, NSƯT Bạch Long (người sáng lập đoàn cải lương Đồng Ấu Bạch Long) nói: “Nhiều người cho rằng phải giữ như cũ để cải lương không biến chất. Tôi nói, không lẽ tự nhiên mình tụt hậu hay sao. Đổi mới, tiến bộ là nguyên tắc phát triển của cải lương. Chính vì vậy phải “nghinh tân” chứ không thể “bài tân”. Một kịch bản cách đây mấy chục năm từng gieo ấn tượng vào lòng khán giả, bây giờ diễn y nguyên thì rất nhàm chán. Nên kịch bản không thể cũ kỹ mãi được. Những cái gì hay ở tuồng gốc, mình giữ. Còn chi tiết nào cảm thấy chưa hay, chưa phù hợp với thời đại thì mình phải thay đổi. Cứ men theo lối mòn rồi sẽ có ngày đi vào ngõ cụt”.
Phân tích rõ hơn về vấn đề này, NSƯT Bạch Long cho biết, việc thay đổi kịch bản cho hấp dẫn hơn phụ thuộc vào sự nhạy bén của đạo diễn. Đặc biệt là đạo diễn trẻ phải biết rằng, có nhiều điều phù hợp ở thập niên trước nhưng đến thời điểm này thì không phù hợp. Chưa kể làm sao thêm thắt cho vở cải lương có hơi hướm của thời đại nữa. “Chẳng hạn, cái đặc trưng của cải lương hay dài dòng lê thê, khóc lóc ỉ ôi... Bây giờ còn làm như vậy, khán giả họ lắc đầu ngay. Chính vì vậy mà kịch bản phải có những vay mượn từ tất cả các thể loại khác, từ tân nhạc cho đến Hồ Quảng (một nhánh của cải lương), rồi kịch nói... Ví dụ, ngày xưa cảnh chia tay nhau họ đàn “Văn thiên tường”, “Lý con sáo”... Bây giờ, cũng cảnh đó, mình mượn những bài tân nhạc có nội dung chia tay để lồng vào kịch bản. Cải lương cũng phải ăn theo thuở, ở theo thời” - ông chia sẻ thêm.
Việc thay đổi kịch bản đã được cụ thể hóa trong những vở tuồng kinh điển. Chẳng hạn, những nghệ sĩ trong đoàn Thanh Minh - Thanh Nga đã thêm nét chấm phá khi dàn dựng lại những vở diễn kinh điển. Đó là những chi tiết gây cười mà trong kịch bản cũ không có. Hay câu thoại Chương Hầu nói với Tô Định (vở “Tiếng trống Mê Linh”): “Mày là con bò lẽo lự, trời đất sẽ cắt cái lưỡi bò mày”. Câu nói ấy rất thời sự khi tình hình biển Đông có nhiều biến động.
“Người giữ tàng kinh các của nghệ thuật cải lương”, nghệ sĩ Lê Xuân Hiểu (nguyên giảng viên Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Ai cũng khuyến khích cái mới, đừng làm mất chất cải lương là được. Và, quan trọng nhất là diễn xuất. Thể hiện một đoạn thoại làm sao cho hấp dẫn cũng đòi hỏi sự sáng tạo. Không phải người xưa là hay hơn hết. Mình cứ việc bứt phá, làm sao cho hay hơn, mới hơn, phù hợp hơn”.
Thế nhưng đối với kịch bản, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều từ khán giả, nghệ sĩ và các soạn giả xung quanh việc có nên làm mới và làm mới như thế nào. Hơn nữa, làm thế nào để cái cũ và cái mới dung hòa?... Đó là những vấn đề không đơn giản.
Đến khâu dàn dựng
Không những nghiên cứu để đổi mới kịch bản cải lương, các đạo diễn còn dày công nghiên cứu phương án dàn dựng cảnh trí cho hấp dẫn bởi khâu dàn dựng cũng đóng vai trò rất quan trọng đối với sự thành công của vở diễn. Đối với việc dàn dựng, NSƯT Bạch Long cho rằng, cần phải áp dụng kỹ thuật hiện đại vào từng vở diễn để tạo nên sự mới mẻ, gây ấn tượng với khán giả.
Soạn giả Hoàng Song Việt, Trưởng đoàn Sân khấu cải lương mới Đại Việt cho rằng: “Nếu vở diễn không cần phục dựng nguyên mẫu thì đạo diễn có quyền sáng tạo để tác phẩm trở nên mới mẻ, hấp dẫn. Không đạo diễn nào muốn lặp lại những điều đã làm trước đó, và chính vì vậy, việc sáng tạo trong khâu dàn dựng là cực kỳ cần thiết”.
Có nhiều kinh nghiệm trong việc dàn dựng sân khấu, đạo diễn - nhà báo Thanh Hiệp chia sẻ: “Tôi đã từng dàn dựng nhiều vở cải lương cho sân khấu truyền hình. Với vai trò của một đạo diễn, tôi thấy rằng cần phải đổi mới hình thức dàn dựng. Ngày xưa tôi đã thực hiện một chương trình mang tên “Những huyền thoại kép độc trên sân khấu cải lương”. Lúc đó tôi đưa dàn đồng ca vào và làm mới cách vận dụng dàn đồng ca để chuyển cảnh. Sau này, tôi có dựng vở “Trung hiếu, tiết nghĩa”, “Tấm Cám”, “Thị Mầu lên chùa”, “Một ngày làm vua”, “Trần Quốc Toản ra quân”...; với mỗi vở diễn tôi đều hướng đến việc làm mới tác phẩm bằng cách dàn dựng, đưa những thông điệp, giá trị, ứng dụng công nghệ hiện nay vào”.
Chú trọng đổi mới, song việc lạm dụng công nghệ sẽ khiến cho vở diễn mất đi sự tự nhiên. Đó là điều đạo diễn Thanh Hiệp băn khoăn: “Hiện nay, việc người ta sử dụng màn hình LED quá nhiều đã phá đi không gian của sân khấu. Trước đây, thường thì phông nền, cảnh trí được vẽ tay nên yếu tố mỹ thuật rất cao. Nên tôi nghĩ không nên quá lạm dụng. Nếu đổi mới khâu dàn dựng thì nên khai thác các yếu tố về âm thanh, ánh sáng, hình thức dàn dựng. Làm sao để tạo sự tương tác với khán giả”.
Chủ trương đổi mới nhưng đạo diễn Thanh Hiệp vẫn luôn nghiên cứu để làm sao vở diễn vừa có tính hiện đại nhưng vẫn không làm mất đi vẻ đẹp vốn có của các vở diễn nói riêng, và bộ môn nghệ thuật cải lương nói chung.
Đưa cải lương "lên" gameshow
Một trong những người táo bạo làm việc này là nữ soạn giả Tô Thiên Kiều. Tác giả vở “Bão rừng” chia sẻ: “Dù nhiều nghệ sĩ theo nghệ thuật truyền thống không thích kết hợp cải lương với gameshow nhưng tôi nghĩ rằng gameshow cũng là một hình thức rất tốt để mình truyền bá bộ môn cải lương”. Và, bà đã mạnh dạn đưa cải lương vào kịch bản của nhiều chương trình giải trí trên truyền hình, đặc biệt là chương trình hài. Thú vị là, hầu hết các chương trình có sự tham gia của nữ soạn giả đều được khán giả đón nhận nồng nhiệt, và tất cả những vấn đề về kịch bản, kỹ thuật, vũ đạo... đều tạo ấn tượng tốt với người xem, không tạo cảm giác “chênh phô” giữa nghệ thuật cải lương với các loại hình giải trí hiện đại.
Đó là một bước ngoặt lớn đối với sự nghiệp của nữ soạn giả hiếm hoi trong làng cải lương. “Khi tôi thực hiện điều này, có nhiều ý kiến trái chiều. Nhưng tôi nghĩ, sân khấu cải lương hiện nay không còn mạnh như xưa nữa. Nên tôi quyết định tiếp cận khán giả, đặc biệt là những người trẻ thông qua con đường gameshow. Đó là một cách để các bạn làm quen với cải lương và có thể tiếp nhận những vở cải lương “nặng đô” hơn. Mình cũng nên thay đổi cách hoạt động, đừng nên cứng nhắc. Mình phải tiếp cận khán giả qua nhiều kênh khác nhau, phải len lỏi như vậy thì mới mong bảo tồn được nghệ thuật cải lương” - nữ soạn giả Tô Thiên Kiều chia sẻ.
Hiện nay, cải lương không nằm ngoài khó khăn chung của nghệ thuật truyền thống. Song, với tư duy luôn đổi mới, nhiều nghệ sĩ cải lương đã miệt mài sáng tạo để bộ môn nghệ thuật truyền thống này ngày càng phát triển hơn nữa. Hy vọng, với những sáng kiến và thể nghiệm từ những người trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực này, cải lương sẽ tìm lại được ánh hào quang đã có.
Gửi phản hồi
In bài viết