Siết chặt quản lý giống, vật tư nông nghiệp

- Giống là yếu tố quan trọng hàng đầu trong sản xuất nông nghiệp, bảo đảm phát triển nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực. Tuy nhiên, trong vụ xuân vừa qua, tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, còn tình trạng người dân tự ý mua giống, vật tư thả nổi trên thị trường, nhất là trên mạng không theo khuyến cáo, phải chịu hậu quả nặng nề.

Mắc “bẫy” mua giống lúa giả

Theo nguồn tin của chúng tôi, hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh đều có tình trạng người dân mua giống, vật tư nông nghiệp không có nguồn gốc xuất xứ, chỉ khi gánh chịu hậu quả thì mới thông tin, khai báo với cơ quan chức năng. Trong vụ xuân vừa qua cũng vậy, nhiều người dân vì nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là hám lợi, thiếu hiểu biết nên đã “mắc bẫy” mua giống lúa giả.

Bà Hà Thị Luân, thôn Bảo Ninh, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) chua chát bảo, không thể ngờ được rằng, bao công sức của cả nhà trong 4 tháng trời lại nhận về cái kết đắng. Cả vụ xuân với 6 sào lúa đến khi thu hoạch không nổi 2 tạ thóc. Theo bà Luân, tháng 1-2024, bà có nhờ người thân mua giống lúa VST 899 của Nhật Bản về gieo trồng. Người bán quảng cáo giống lúa VST 899 có ưu điểm vượt trội như sinh trưởng trong mọi điều kiện thời tiết, kháng được bệnh đạo ôn, rày, sâu cuốn lá, năng suất lúa cao gấp 5 lần so với các giống lúa thường.

Điều làm cho bà Luân thấy thích thú là mua 5 kg giống, bên cung ứng tặng 1 kg, miễn phí vận chuyển đến tận nhà. Kỳ vọng bao nhiêu thì quá trình chăm sóc đến lúc thu hoạch bà Luân lại nhận về cái kết đắng bấy nhiêu. Bà Luân buồn ràu bảo, càng phát triển giống lúa VST 899 càng có những biểu hiện lạ thường, cây cao như cỏ voi, lá lúa yếu ớt, sau mỗi cơn gió lại đổ gục xuống, rồi chẳng chịu trổ bông. Thời điểm tháng 5 các giống khác cùng trà bông trĩu hạt, ngả màu vàng óng thì lúa VST 899 mới lác đác có vài bông ngắn và hầu như không có hạt.

Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra đột xuất cửa hàng kinh doanh giống, vật tư nông nghiệp trên địa bàn thị trấn Yên Sơn (Yên Sơn).

Cùng trên địa bàn huyện Chiêm Hóa, gia đình ông Hà Phúc Nhất, thôn Quang Minh, xã Tân Thịnh còn thiệt hại hơn rất nhiều. Trong 9 sào ruộng của gia đình như mọi năm cấy lúa thuần cho thu về từ khoảng 2 tấn thóc nhưng vụ này ông gieo cấy giống lúa VST 899 được quảng cáo là chất lượng vượt trội thì không được hạt thóc nào. Ông Nhất bảo, kỳ vọng vào giống lúa chất lượng cao nên ông đầu tư phân bón, bỏ công chăm sóc theo đúng hướng dẫn trên mạng. Vậy mà cây lúa cứ phát triển chiều cao thay vì ra bông kết hạt, ông Nhất đành phải cho người dân trong thôn cắt về làm thức ăn cho đàn vật nuôi, nhanh chóng giải phóng đất chuẩn bị cho vụ mùa.

Tại phường Ỷ La (TP Tuyên Quang) khi tất cả diện tích lúa trà muộn nhất đều đã được thu hoạch, thậm chí có diện tích bà con tiến hành làm đất chuẩn bị gieo cấy vụ mùa thì những thửa ruộng gieo cấy bằng giống lúa VST 899 được quảng cáo là năng suất, chất lượng, sinh trưởng ngắn ngày vẫn xanh rờn như cỏ dại, chưa phân hóa đòng và cũng chưa biết lúc nào trỗ bông. Ông Trần Văn Trung, Phó Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Ỷ La cho biết, qua kiểm tra đồng ruộng, những diện tích lúa cấy bằng giống VST 899 gần như không phân kỳ phát triển, những lóng lúa cứ liên tục lên mà không phân hóa đòng, lá lúa xanh mướt. 

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt khẳng định, giống lúa VST-899 là giống giả, giống cấm sử dụng tại Việt Nam và Quyết định số 766/QĐ-BNN-TT, ngày 7/3/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép lưu hành giống lúa VST 899 đăng tải kèm theo hình ảnh bao bì lúa giống hoàn toàn là giả mạo. Cục Trồng trọt không ban hành quyết định đó. Cục Trồng trọt đang đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ.

Những bao bì lúa giống VST 899 người dân xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) giữ lại để nhớ không bao giờ bị mua nhầm.

Khó quản lý thị trường giống, vật tư

Hiện nay có một nghịch lý đang tồn tại, đó là cơ quan chức năng đang nỗ lực tuân thủ chặt chẽ các quy trình canh tác VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ để nông sản đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe nhất trong nước và quốc tế, thì vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp lại đang có vấn đề. Tình trạng người dân mua phải phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng kém chất lượng vẫn xảy ra tại các chợ phiên, người bán rong và bán trên mạng xã hội, khiến cơ quan chức năng khó có thể kiểm soát. Còn nhớ năm 2021, hàng chục hộ dân tại xã Tân Thành (Hàm Yên), Kim Quan (Yên Sơn) đã mua phải giống ngô kém chất lượng tại các chợ phiên, mỗi cây ngô cho 5 - 7 bắp nhưng không có bắp nào có hạt.

Hay mới đây nhất, tại phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) hàng chục hộ tại thuộc tổ 7 và 8 đã mua phải giống gà kém chất lượng. Bà Phạm Thị Tính, tổ 8 chia sẻ, thời điểm tháng 9-2023, trên địa bàn xuất hiện nhiều thương lái đến bán gà giống phục vụ Tết. Theo lời thương lái 100% là gà ri trống mã mật, tin lời thương lái bà mua 150 con với giá 5.000 đồng/con. Bà Tính buồn ràu chia sẻ, nuôi mãi gà chả lớn, màu lông trắng, điều lạ lùng là gà bay như cò. Tìm hiểu ra bà Tính mới biết đây là giống gà Ai Cập trắng, con trống được thải loại từ các trang trại sau khi đã chọn gà mái để nuôi đẻ lấy trứng. Để giảm thiểu thua lỗ, bà Tính đã phải bán rẻ 50.000/đồng/con cho các quán hàng.

Giải pháp nào hiệu quả?

 Quản lý giống, vật tư nông nghiệp trôi nổi trên thị trường là rất khó khăn nhưng yêu cầu đặt ra đối với sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững thì buộc phải thực hiện và có giải pháp hiệu quả nhất. 

Trước thực trạng trên, ngày 7-6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản yêu cầu các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về sản xuất, buôn bán và sử dụng giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; yêu cầu cơ sở kinh doanh ký cam kết không sản xuất, buôn bán, sử dụng giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật là hàng cấm, hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng không có tên trong danh mục được phép sử dụng, lưu hành tại Việt Nam....

Sở cũng đề nghị các huyện, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tình trạng kinh doanh giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không có cơ sở, địa chỉ rõ ràng tại các chợ phiên ở vùng sâu, vùng xa; tuyên truyền, vận động nhân dân tuyệt đối không mua và sử dụng giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng bán trôi nổi trên mạng xã hội.

Đồng chí Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, Sở chỉ đạo Thanh tra chuyên ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn. Qua đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, đặc biệt là các hành vi vi phạm về kinh doanh không đúng địa điểm ghi trong giấy phép kinh doanh; không đảm bảo các điều kiện; kinh doanh, hàng hóa không có tên trong danh mục được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam; hàng cấm, hàng lậu, hàng giả và các hành vi gian lận thương mại…

Cán bộ phường Ỷ La (Thành phố Tuyên Quang) rà soát kiểm tra những diện tích lúa VST 899 không cho thu hoạch.

Đồng chí Dương Văn Vinh, Phó Chánh Thanh Tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Thanh tra Sở đang tập trung lực lượng kiểm tra, thanh tra đột xuất các cơ sở kinh doanh giống, vật tư trên địa bàn. Nếu phát hiện trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh giống, vật tư nông nghiệp sẽ xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật. Sở cũng cung cấp số điện thoại đường dây nóng: 0207 3824232 để tiếp nhận thông tin của người dân về tình trạng giống, vật tư không đảm bảo.

Trong 6 tháng đầu năm, Thanh tra Sở đã thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất 90 cơ sở kinh doanh, giống vật tư nông nghiệp, lấy 65 mẫu phân tích chất lượng hàng hóa. Qua kiểm tra phát hiện và xử lý 9 trường hợp vi phạm các quy định trong sản xuất, kinh doanh giống, vật tư nông nghiệp. Ông Vinh khẳng định, việc quản lý giống, vật tư nông nghiệp tại các cơ sở đăng ký không khó, cái khó hiện nay là tình trạng kinh doanh mặt hàng này trên mạng xã hội.

Ông Vinh dẫn chứng, chỉ cần đánh từ khóa “giống, vật tư nông nghiệp” thì có nhiều kết quả loại giống, vật tư hiện ra nhưng gần như các trang đều không có địa chỉ rõ ràng và phương thức giao dịch cũng rất bí ẩn. Người mua đặt hàng, cung cấp địa chỉ, người bán không lộ diện mà sẽ cho Shiper giao đến tận nhà giao hàng. Do đó việc lần theo địa chỉ là vô cùng khó khăn.

Vậy làm thế nào để người dân không mua phải giống, vật tư kém chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ, trôi nổi trên thị trường, ảnh hưởng đến xản suất và đời sống,  Phó Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp Dương Văn Vinh cho rằng: Ngoài sự vào cuộc của lực lượng chức năng, người dân cần bảo vệ chính mình, thực hiện theo đúng khuyến cáo của ngành: Mua giống, vật tư tại các cơ sở kinh doanh giống đã được cấp phép hoạt động, có địa chỉ rõ ràng; tuyệt đối không mua hàng hóa bán trôi nổi trên thị trường, trên các nền tảng mạng xã hội, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ

Khi mua hàng hóa phải xem kỹ nhãn mác, công dụng, hạn sử dụng; sử dụng, bảo quản vật tư nông nghiệp theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất và cơ quan chuyên môn. Có như vậy mới ngăn chặn tình trạng giống, vật tư kém chất lượng ảnh hưởng đến sản xuất, gây thiệt hại về kinh tế.


Ông Nguyễn Việt Phương
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Hàm Yên

Quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh

Phòng đã tham mưu cho UBND huyện các văn bản chỉ đạo quản lý giống, vật tư ngay từ đầu năm. Đồng thời chủ động phối hợp các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan, các địa phương thực hiện kiểm tra, đánh giá, phân loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng chính, qua đó công bố danh sách và cập nhật thông tin các đơn vị sản xuất, kinh doanh giống, vật tư tại địa bàn trên các phương tiện thông tin đại chúng để các tổ chức, cá nhân biết, lựa chọn sử dụng giống cây trồng tốt. Phòng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về danh mục các loại giống mới, giống tốt, lợi ích của việc sử dụng giống tốt. Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, trong đó đặc biệt quan tâm đến nguồn gốc giống đưa vào sản xuất, vật tư nông nghiệp, kiên quyết xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, vật tư nông nghiệp không rõ nguồn gốc theo quy định. 


Ông Seo Văn Sử
Chủ tịch UBND xã Trung Hà (Chiêm hóa)

Sử dụng giống cây trồng có nguồn gốc rõ ràng

Vụ lúa xuân vừa qua, xã Trung Hà đã ghi nhận 5 người dân mua giống lúa VST 899 trên mạng xã hội để gieo trồng dẫn đến mất mùa, không được thu hoạch. Để người dân gieo cấy đúng khung thời vụ, cũng như tránh việc mua phải giống giả, giống kém chất lượng, ảnh hưởng đến năng suất, xã Trung Hà sẽ tăng cường công tác tuyên truyền đến bà con nông dân trong xã về khung thời vụ gieo cấy, cơ cấu giống, kỹ thuật canh tác, công tác bảo vệ thực vật… Đặc biệt, về cơ cấu giống, khuyến khích bà con đưa các loại giống đã cho năng suất và chất lượng cao từ những vụ trước vào gieo trồng cũng như các giống được ngành Nông nghiệp khuyến khích; chỉ mua các loại giống ở các đơn vị sản xuất, kinh doanh đã được cấp phép hoạt động, có uy tín; không mua giống hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ...


Ông La Văn San
Phó Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Minh Thanh, xã Năng Khả (Na Hang)

Cung ứng giống, vật tư chất lượng

Cách đây gần 1 tháng, HTX đã nhập lúa giống, phân bón để phục vụ bà con sản xuất vụ mùa 2024. Trung bình 1 vụ, HTX cung ứng, bán cho bà con khoảng 3 - 5 tấn phân bón và gần 1 tấn lúa giống các loại. Để đảm bảo chất lượng cũng như đúng khung thời vụ cung cấp giống cho bà con, HTX đã ký hợp đồng mua giống với các đơn vị cung cấp giống uy tín và đảm bảo trên thị trường. Đồng thời, HTX cũng khuyến cáo tới các hộ nông dân lựa chọn giống lúa, phân bón từ những doanh nghiệp, cơ sở có uy tín chất lượng; chú ý hàng hóa có tem, nhãn bảo đảm, còn hạn sử dụng và thực hiện theo đúng quy trình hướng dẫn; không mua giống, vật tư trên mạng, mua của người bán rong và ở các chợ khi không có kiểm định của cơ quan chức năng.

 


Bà Chẩu Thị Hiến
Thôn Tống Pu, xã Bình An (Lâm Bình)

Cẩn trọng khi mua cây giống trên mạng Từng nghe lời quảng cáo trên mạng xã hội là giống lúa 

VST 899 có năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt nên tôi và một số bà con nông dân trên địa bàn xã đã mua về gieo cấy. Tuy nhiên, sau thời gian chăm sóc, giống lúa VST 899 sinh trưởng, phát triển như cỏ dại, bông lép, tỷ lệ đẻ nhánh thấp, dảnh hữu hiệu ít, thời gian đẻ nhánh dài, không đẻ nhánh tập trung. Tôi đã tìm hiểu được biết đây là giống lúa không rõ nguồn gốc xuất xứ, bán trôi nổi trên mạng xã hội. Đây là bài học quý đối với tôi và tôi mong người dân phải hết sức chú ý khi mua các loại cây, con giống qua mạng, chỉ nên mua các loại giống ở các đơn vị sản xuất, kinh doanh đã được cấp phép hoạt động, có uy tín; thận trọng với các sản phẩm được rao bán trên các trang mạng xã hội khi thông tin về nhà cung cấp, chất lượng giống còn mập mờ, không rõ nguồn gốc xuất xứ...

Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục