Người dân tập trung ngắm siêu trăng ở London, Anh. (Ảnh minh họa: Reuters)
Theo thông tin từ NASA và các cơ quan thiên văn học quốc tế, vào đêm 17/9, người yêu thích thiên văn tại Việt Nam và khắp nơi trên thế giới sẽ được chiêm ngưỡng một sự kiện thiên nhiên đặc biệt: Siêu trăng, kết hợp với nguyệt thực một phần.
Đáng chú ý, hiện tượng này diễn ra đúng vào dịp Tết Trung thu, tạo nên khung cảnh ấn tượng và mang ý nghĩa văn hóa sâu sắc.
Siêu trăng xảy ra khi mặt trăng ở gần trái đất nhất trên quỹ đạo, khiến nó trông lớn hơn và sáng hơn bình thường. Đêm siêu trăng này rơi vào đúng dịp Trung thu, mang đến một cảnh tượng tuyệt đẹp và rất được mong chờ.
Vào ngày 18/9, siêu trăng sẽ đạt độ sáng và độ tròn cực đại vào lúc 9 giờ 35 phút sáng theo giờ Việt Nam, nhưng người dân có thể bắt đầu thưởng thức vẻ đẹp của siêu trăng đêm Trung thu từ đêm nay, 17/9.
Đây là lần thứ 2 trong chuỗi 4 siêu trăng liên tiếp trong năm 2024, khi mặt trăng ở điểm cận nhật, tức gần trái đất nhất trong quỹ đạo của nó.
Hiện tượng này được gọi là "trăng mùa gặt" vì nó thường xuất hiện vào thời điểm các nông dân thu hoạch mùa màng, khi ánh trăng sáng kéo dài thêm thời gian làm việc, gặt hái vào ban đêm.
Bên cạnh đó, hiện tượng nguyệt thực một phần cũng sẽ xảy ra. Nguyệt thực bắt đầu lúc 7 giờ 41 phút sáng và đạt cực đại vào lúc 9 giờ 44 phút sáng (giờ Việt Nam), khi khoảng 8% bề mặt mặt trăng bị bóng tối của trái đất che khuất. Hiện tượng này sẽ kéo dài đến 11 giờ 47 phút sáng trước khi mặt trăng hoàn toàn ra khỏi bóng trái đất.
Sự kiện siêu trăng và nguyệt thực năm nay trùng vào dịp Tết Trung thu, không chỉ đặc biệt về mặt thiên văn mà còn mang ý nghĩa văn hóa sâu sắc, nhất là tại Việt Nam và các quốc gia châu Á khác như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, nơi lễ hội Trung thu được tổ chức để tôn vinh mùa thu hoạch và sự đoàn tụ gia đình.
Trong văn hóa Việt Nam, Tết Trung thu là thời điểm để gia đình đoàn tụ, trẻ em vui chơi dưới ánh trăng, thưởng thức bánh nướng, bánh dẻo, và ngắm trăng tròn.
Ở Trung Quốc, ngày này còn được gọi là Tết Đoàn viên, khi ánh trăng tròn tượng trưng cho sự sum họp, hòa thuận của gia đình. Tại Hàn Quốc, dịp này được gọi là Chuseok, lễ hội thu hoạch truyền thống và đoàn tụ gia đình. Tại Nhật Bản, đây là dịp tổ chức lễ hội Tsukimi, hay còn gọi là lễ ngắm trăng.
Để chiêm ngưỡng hiện tượng kỳ thú này, người dân được khuyến nghị theo dõi từ các khu vực có tầm nhìn thoáng đãng, tránh các khu vực có ánh đèn nhân tạo mạnh. Đặc biệt, vào thời điểm đỉnh điểm của nguyệt thực, mặt trăng sẽ có một phần bị che khuất bởi bóng của trái đất, tạo ra hình ảnh vừa huyền bí vừa tuyệt đẹp.
Sự kiện siêu trăng kết hợp nguyệt thực vào đúng dịp Trung thu năm nay hứa hẹn sẽ mang đến một trải nghiệm đặc biệt cho người dân khắp nơi, vừa thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên kỳ vĩ, vừa giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.
Gửi phản hồi
In bài viết