Thời điểm này, tỉnh Tuyên Quang mới tái lập 4 năm (12/8/1991). Thị xã Tuyên Quang giăng giăng những nếp nhà mái ngói ẩn dưới tán cây. Đường phố nhỏ. Thi thoảng, mấy chiếc xe máy chạy xăng nhớt xả khói phía sau…
Cầu Nông Tiến bắc qua sông Lô mới khánh thành (2/1995). Chiếc xe U-oát lợp vải bạt của Báo Quảng Ninh chúng tôi đi sau xe U-oát phủ vải bạt của Báo Tuyên Quang, xuất phát từ thị xã Tuyên Quang xe chạy bồn chồn qua cầu Nông Tiến, sang huyện Sơn Dương. Bên phải con đường thấp thoáng dòng sông Phó Đáy rầm rì đưa nước nguồn ra biển.
Nắng vàng phủ màu mật ong lên rừng tre khu căn cứ Nà Nưa. Bất chợt, chúng tôi gặp ba ông già người nước ngoài đang chọn tư thế chụp ảnh lưu niệm bên tấm bia lán Đồng Minh. Nét mặt ba người dâng trào cảm xúc. Bước chân bối rối như vấp vào những mối kỷ niệm xưa. Qua chào hỏi, chúng tôi được biết, ba người ngoại quốc chính là Allison K. Thomas nguyên chỉ huy Nhóm tình báo Con Nai (Deer Team), Henry Prunnier nguyên thành viên Nhóm tình báo Con Nai và Mac Shin thuộc lượng OSS (tiền thân cơ quan tình báo Mỹ CIA). Lực lượng này đã trực tiếp giúp cách mạng Việt Nam tại căn cứ địa Tân Trào năm 1945. Khi ấy, Thomas 31 tuổi, Henry 24 tuổi.
Ba người lính Đồng Minh Mỹ già chắp tay kính cẩn trước lán lãnh tụ Hồ Chí Minh. Nước mắt chan hòa trên ba khuôn mặt chồng nếp nhăn. Mọi người đang tưởng nhớ Lãnh tụ Hồ Chí Minh, tưởng nhớ các chiến sĩ Việt Minh, tưởng nhớ đồng bào các dân tộc Tân Trào, tưởng nhớ các thành viên Nhóm Tình báo Con Nai cùng chung lưng, sát cánh làm nhiệm vụ cách mạng Việt Nam trong những ngày gian khổ và vinh quang tại căn cứ địa Tân Trào tháng 8/1945. Sau 50 năm, nay nhiều người đã về thế giới khác. Thomas đau buồn, tưởng nhớ 5 thành viên Nhóm Tình báo Con Nai là Rene, Ưilliam, Paul, Aarons, Vogt đã về nước Chúa. Henry bày tỏ đau buồn khi biết người bạn của mình trải qua những ngày luyện tập quân sự tại Khuổi Kịch, sát vai nhau đánh thắng quân Nhật tại tỉnh lỵ Thái Nguyên, tiến về Hà Nội năm 1945. Người bạn lớn, thân thiết ấy cùng sinh năm 1921, nguyên là đại đội trưởng Đàm Quang Trung vừa mất mấy tháng trước (ngày 3/3/1995).
Sau 50 năm, lại đứng dưới gốc cây đa Tân Trào, Thomas, Henry nở nụ cười, nhớ như in cuộc nhảy dù từ trên máy bay C-47 Dakota xuống làng Tân Lập. Bầu trời ngày 16/7/1945 mù sương. Ba thành viên Nhóm tình báo Con Nai gồm Thomas, Henry, William rơi xuống phía mặt đất và được “Thần cây Đa Tân Trào” đỡ ba chiếc dù cùng ba thân người treo trên đỉnh ngọn cây. Henry nhớ lại: Từ trên đỉnh ngọn cây đa nhìn xuống, thấy vài chục người lớn cùng thiếu nhi mặc áo chàm hối hả, lo lắng vây quanh gốc cây đa. Trong số đó, một người mặc bộ vải lanh màu trắng, đi giầy đen, đội mũ phớt bồn chồn, lo lắng tính mạng ba nhân viên Nhóm tình báo Con Nai. Mọi người gọi “Anh Văn”. Sau này, Henry được biết “Anh Văn” là Võ Nguyên Giáp chỉ huy lực lượng vũ trang của Việt Minh.
Từ bên gốc đa Tân Trào, Thomas, Henry, Shin nhìn về ngọn núi Hồng cao ngất. Những đôi mắt nheo nheo, bỗng thấy mây ngàn theo gió lành, bay qua khu rừng Nà Nưa, sà xuống dòng sông Phó Đáy. Dòng sông Phó Đáy rì rầm chở mây ngàn ra biển lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Sau cuộc gặp duyên kỳ ngộ với ba thành viên Nhóm tình báo Con Nai, OSS, chúng tôi có dịp gặp gỡ những người dân thôn Tân Lập, xã Tân Trào cùng các địa phương Thanh La, Trung Yên, Tú Trạc, Minh Thanh. Trong đó, một số người trực tiếp tham gia xây dựng sân bay Lũng Cò. Mọi người vẫn nhớ hình ảnh 50 năm trước: Đồng bào các dân tộc Sơn Dương cùng lực lượng Việt Minh hăng hái bạt đất, bẩy đá, gấp rút xây dựng sân bay Lũng Cò theo lệnh của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Đây là sân bay cách mạng đầu tiên của Việt Nam. Sân bay đón nhiều chuyến máy bay vận tải của Mỹ trong lực lượng Đồng Minh tiếp tế cho lực lượng Việt Minh thuốc tây, vũ khí tối tân, thực phẩm… Trong những ngày đón máy bay Đồng Minh, đồng bào Sơn Dương mong ước: Sau này, khi đất nước Độc lập, sân bay Lũng Cò của quê hương Tuyên Quang phát triển thành sân bay quốc tế của Việt Nam!
Mới đây, vào tiết trời mát năm 2024, tôi cùng nhà thơ Nguyễn Châu, nhà văn Dương Hướng (tác giả tiểu thuyết Bến không chồng) trở về căn cứ địa Tân Trào theo lời mời của tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn công tác tại Văn phòng Trung ương Đảng. Đây cũng là dịp để tôi được trao tặng cuốn tiểu thuyết RỪNG VIỆT BẮC tới tay Người Tân Trào. Cuốn tiểu thuyết được Ban chỉ đạo Trung ương Đảng trao giải thưởng văn học về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2023”. Nội dung cuốn tiểu thuyết tái hiện sinh động lịch sử cách mạng khu Việt Bắc giai đoạn từ cuối năm 1944 đến cách mạng tháng Tám năm 1945. Bối cảnh văn học tập trung tại căn cứ địa Tân Trào.
Du khách nghe hát Then trên hồ Nà Nưa. Ảnh: Cảnh Trực
Thăm di tích lịch sử khu rừng Nà Nưa, di tích lịch sử cây đa Tân Trào, di tích lịch sử đình Tân Trào… chúng tôi như được trở về ngọn nguồn cách mạng của vùng đất thiêng Tân Trào, không khí sục sôi thời kỳ từ tháng 5 đến tháng 8 năm 1945. Trong thời gian về Tân Trào, chúng tôi gặp những du khách Hà Nội, Nam Định, Đồng Nai hành hương về cội nguồn cách mạng. Mọi người xúc động và trang nghiêm qua cổng chào của khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào. Người nào cũng bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ các chiến sĩ Việt Minh, đồng bào các dân tộc kiên cường đấu tranh, quyết giành Độc lập, tự do cho dân tộc. Người người tưởng nhớ và rất đỗi tự hào lãnh tụ Hồ Chí Minh, chỉ huy lực lượng vũ trang Việt Minh Võ Nguyên Giáp, các chiến sĩ đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân hoạt động tại Sơn Dương. Hoài nhớ các thành viên Nhóm tình báo Con Nai, OSS của thời kỳ Mỹ và Việt Nam từng là bạn trong lực lượng Đồng Minh năm 1945.
Các đoàn du khách của nhiều miền đất nước kính cẩn thắp hương, chắp tay trước anh linh đồng bào, chiến sĩ. Mọi người đứng trong khu rừng Nà Nưa, nói với tôi:
- Không gian khu rừng Nà Nưa tĩnh lặng quá! Tĩnh lặng quá!
Rừng tre khu Nà Nưa bây giờ vắng những bụi tre rừng? Tuy nhiên, chúng tôi vẫn hồi tưởng khẩu hiệu căng trên ngọn tre rừng Nà Nưa tháng 8 năm 1945. Khẩu hiệu mang dòng chữ Anh ngữ: “Chào mừng những người bạn Mỹ của chúng ta”. Đó là lời chào của lực lượng cách mạng với Nhóm Tình báo Con nai đến Tân Trào giúp lực lượng Việt Minh sử dụng vũ khí hiện đại do Mỹ cung cấp. Đến nay, gần 80 năm trôi qua nhưng khẩu hiệu ấy vẫn bất diệt trong lịch sử văn hóa hai nước Việt - Mỹ.
Du khách các vùng miền của Việt Nam kính cẩn trước các điểm di tích Tân Trào, cùng bày tỏ ý nguyện:
- Mùa thu năm 2025, kỷ niệm 80 năm lịch sử căn cứ địa Tân Trào, bây giờ, chúng tôi là con cháu Cụ Hồ khắp đất nước Việt Nam: Mong Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch và các Ban, Ngành Trung ương sớm tăng cường hơn nữa các nguồn lực đầu tư cho các di tích gốc tại Tân Trào. Làm sao các Di tích lịch sử gốc được tái hiện không khí cách mạng sống động như thời kỳ mùa thu năm 1945.
- Cần tái hiện những nhân vật lịch sử hoạt động thường nhật, sinh động trong các Lán tại khu rừng Nà Nưa!
- Cần tái hiện hình ảnh dưới gốc đa Tân Trào, nhiều đồng bào, chiến sỹ cách mạng tập trung cứu nạn cho các thành viên Nhóm Tình báo Con Nai nhảy dù xuống ngày 16/7/1945.
- Chúng tôi vô cùng mong muốn tái hiện hình ảnh các chiến sĩ, cán bộ Việt Minh, đồng bào các dân tộc hoạt động tại Đình Tân Trào, sân bay Lũng Cò, khu huấn luyện quân sự khuổi Kịch…
- Mong muốn các nhà chuyên môn sử dụng các nguyên liệu và kỹ thuật hiện nay để tái hiện mô hình các hiện vật điện đài, súng kíp, lao gỗ rừng, súng badoka, máy bay vận tải… Tái hiện hình ảnh các chiến sĩ Việt Minh, đồng bào các dân tộc, các thành viên Nhóm tình báo Con Nai thật sống động, bền chắc tại nhiều di tích lịch sử cách mạng của Việt Nam! Những người Việt Nam, nước ngoài hôm nay và sau này về Tân Trào được sống lại trong không khí cách mạng của thời gian từ tháng 5 đến tháng 8 năm 1945 - Thời gian mà lãnh tụ Hồ Chí Minh hoạt động lãnh đạo cách mạng Việt Nam tại Tân Trào.
Chúng tôi cùng các đoàn khách về nguồn cách mạng đi bên dòng sông Phó Đáy. Dòng sông Phó Đáy ngàn năm vẫn đang dào dạt chở lịch sử cách mạng Việt Bắc ra biển lịch sử dân tộc!
Gửi phản hồi
In bài viết