“Sống xanh” được hiểu là một lối sống thân thiện, giảm thiểu những tác động có hại đến môi trường, luôn hài hòa với thiên nhiên. “Sống xanh” không phải là một chiến dịch rầm rộ, nó được thể hiện qua cách sinh hoạt hàng ngày của mỗi người. Đó là việc lựa chọn phương tiện di chuyển, phương thức mua sắm, cách sử dụng tiện ích hàng ngày, cách xử lý rác thải… Chị Lương Thị Diễm, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) tâm sự, với chị “sống xanh” chính là việc sử dụng đủ nước, dùng đủ điện, tránh lãng phí. Gần đây, chị còn lựa chọn đạp xe để đi làm mỗi ngày. Với tổng quãng đường cả đi và về trên 20 km, chị không chỉ tiết kiệm được năng lượng, giảm thiểu khói bụi thải ra môi trường hàng ngày mà còn cảm thấy bản thân khỏe mạnh, tràn đầy sức sống hơn.
Học sinh trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Yên Sơn trồng rau hữu cơ tại trường.
Hiện nay việc sử dụng túi nilon, hộp nhựa, hộp xốp, chai nhựa tại các quán ăn, nhà hàng, dịch vụ giải khát trở nên quen thuộc và phổ biến. Sau mỗi ngày, lượng rác thải ấy đổ ra môi trường không thể kiểm soát được. Tuy nhiên, vẫn có những cửa hàng, hệ thống siêu thị lựa chọn những sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường. Có thể kể đến như hệ thống siêu thị VinMart với việc khích lệ người mua sắm trở thành “khách hàng xanh” qua việc sử dụng túi phân hủy sinh học, giới thiệu các sản phẩm tự nhiên từ “nhà cung cấp xanh”. Chuỗi cửa hàng Tokyo Life sử dụng túi vải gấp gọn, nói không với túi nilon sử dụng một lần; cửa hàng Green Life, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) sử dụng chai thủy tinh và ống hút cỏ thân thiện với môi trường… Chị Nguyễn Thị Ngọc, tổ 9, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) chia sẻ, ban đầu chị cảm thấy việc mua hàng không sử dụng túi có bất tiện, nhưng giờ đã thành thói quen. Hiện tại, chị chủ động mang túi vải đi để đựng đồ, không còn lấy túi nilon sử dụng 1 lần tại các cửa hàng nữa.
Tại các trường học, nhiều phong trào nhằm lan tỏa hành vi “sống xanh” đã được triển khai thực hiện. Có thể kể đến như các hoạt động đổi rác thải nhựa lấy đồ dùng học tập; xây dựng tiểu phẩm bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng; phát triển mô hình trồng rau xanh hữu cơ; học cách phân loại rác… Thầy giáo Quan Văn Thịnh, Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Yên Sơn cho biết, hiện nhà trường duy trì thường xuyên mô hình trồng rau xanh hữu cơ. Mỗi lớp học sẽ phụ trách chăm sóc 4 luống rau. Trung bình hàng năm cho thu hoạch 2,5 tấn rau xanh các loại cung cấp cho bếp ăn nhà trường. Nhiều hoạt động trải nghiệm ý nghĩa cho các em học sinh đã được diễn ra ở vườn rau xanh như học cách gieo hạt, cách chăm sóc cây, thực hành ủ phân hữu cơ từ thức ăn thừa, thu hoạch rau hữu cơ…
Cùng với những nỗ lực thay đổi từ mỗi cá nhân, các cấp hội, đoàn thể đã phát động thực hiện phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa”. Đến nay, MTTQ các cấp đã xây dựng được 1.203 mô hình tự quản thu gom, xử lý rác thải và chống rác thải nhựa; Hội LHPN các cấp phát động phong trào “đổi rác thải nhựa lấy cây xanh”, xây dựng mô hình “phân loại rác thải tại nhà”; Đoàn thanh niên các cấp tổ chức ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, tổ chức phong trào “đổi rác thải nhựa lấy đồ dùng học tập”… Thông qua các hoạt động ý thức của mỗi người dân được nâng cao, góp phần giữ gìn môi trường sống xanh - sạch - đẹp.
“Sống xanh” bắt nguồn từ những hành động nhỏ mỗi ngày. Đó đơn giản là tiết kiệm nguồn nước, tắt thiết bị điện không cần thiết khi ra khỏi nhà, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường… Mỗi người đều có thể biểu hiện nếp sống văn minh qua những hành động nhỏ nhất.
Gửi phản hồi
In bài viết