Nghị định 117/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP để bảo đảm phù hợp với quy định tại điểm d khoản 1 Điều 3 và khoản 1 Điều 4 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Theo đó, bổ sung Điều 4a quy định về hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện và xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp vi phạm hành chính nhiều lần.
Cụ thể, việc xác định hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định của Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Sửa đổi, bổ sung quy định về việc xử lý đối với giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hoạt động bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung
Nghị định 117/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các quy định tại Nghị định số 82/2020/NĐ-CP liên quan đến việc áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: "Tịch thu tang vật là giấy phép, chứng chỉ hành nghề... bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung" đối với hành vi cố ý tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung các loại giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hoạt động thành biện pháp khắc phục hậu quả "buộc nộp lại giấy chứng nhận, xác nhận, giấy phép, văn bản cho phép, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp các loại giấy chứng nhận, xác nhận, giấy phép, văn bản cho phép, chứng chỉ đó".
Đồng thời, Nghị định 117/2024/NĐ-CP cũng bổ sung quy định về thủ tục thi hành biện pháp khắc phục hậu quả này. Cụ thể, đối với các hành vi vi phạm hành chính bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hoạt động bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hoạt động đó thì thực hiện như sau:
a) Nếu tại thời điểm ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính có áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hoạt động bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung mà giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hoạt động này vẫn đang bị người có thẩm quyền tạm giữ theo quy định tại các điểm a và b khoản 1 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính, thì trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người có thẩm quyền đã ra quyết định xử phạt phải gửi văn bản đề nghị kèm theo quyết định xử phạt, giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hoạt động bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hoạt động đó;
b) Nếu vụ việc không thuộc trường hợp quy định tại điểm a nêu trên thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp lại giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hoạt động bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hoạt động trong thời hạn được ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính và chịu mọi chi phí cho việc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.
Nghị định 117/2027/NĐ-CP cũng nêu rõ: Các biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hoạt động bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hoạt động đó; buộc nộp lại bản chính giấy tờ, văn bản bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp giấy tờ, văn bản đó và hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật là giấy tờ, văn bản bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung không áp dụng trong trường hợp các loại giấy tờ nêu trên được cấp và lưu trữ bằng bản điện tử. Trong trường hợp này, người có thẩm quyền đã ra quyết định xử phạt phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp giấy tờ, văn bản đó để xử lý theo quy định.
Nghị định 117/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2024.
Gửi phản hồi
In bài viết