Tuyên truyền sâu rộng
Về thôn Cầu Kỳ những ngày này, không khí làm đường giao thông nông thôn thật nhộn nhịp. Nhà thì xây dựng lại tường rào mới sau khi đã hiến đất, nhà xây dựng lại cổng, nhà dỡ bỏ công trình trên đất, nhà lại chung tay đào rãnh nước để tuyến đường sớm được hoàn thành. Đồng chí Trần Văn Nhã, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn phấn khởi nói, thôn là 1 trong 3 thôn của xã tự nguyện giải phóng mặt bằng để làm đường.
Đội vận động giải phóng mặt bằng thôn Cầu Kỳ, xã Tam Đa (Sơn Dương) vận động tuyên truyền các hộ dân hiến đất làm đường.
Anh Nguyễn Đức Tùng, thôn Cầu Kỳ đang nhanh tay cùng 20 hộ dân trong thôn dỡ bỏ tường rào, cây lâu năm của gia đình để giải phóng mặt bằng. Anh phấn khởi chia sẻ, gia đình chỉ làm nông nghiệp quanh năm chân lấm tay bùn, nhưng anh hiểu rõ được giá trị của “tấc đất tấc vàng” thời đại này. Thế nhưng, được cán bộ xã, thôn xuống tận gia đình tuyên truyền vận động, thông qua các kênh thông tin đại chúng, buổi họp thôn, anh đã nhận thấy được ý nghĩa của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Để thực hiện thành công phải cần sự chung tay của chính người dân, hiểu được điều đó, anh và gia đình luôn tích cực chủ động, tình nguyện tham gia các phong trào của thôn. Đối với phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn, khi mọi người vẫn còn e dè, chưa nhìn ra được lợi ích chung của việc hiến đất làm đường thì gia đình anh đã tiên phong hiến đất, bởi anh hiểu được, hiến đất không có nghĩa là mất đất, mà ngược lại, nó còn tạo ra nhiều thuận lợi và lâu dài. Gia đình anh tình nguyện hiến hơn 100 m2 đất để làm đường. Anh Tùng bảo, người nông dân như anh khi hiểu được chuyện là tự nguyện vì có đường giao thông nông thôn sẽ góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Anh Phạm Văn Quý gắn bó với mảnh đất An Lạc đã hơn 34 năm. Anh thấy những khó khăn, nhọc nhằn của bà con khi đi lại trên con đường nhỏ hẹp, mùa nắng thì bụi, mùa mưa thì trơn. Mặc dù cuộc sống gia đình cũng không khá giả, nhưng khi được chính quyền địa phương tuyên truyền xây dựng nông thôn mới, vận động hiến đất làm đường giao thông liên xã thì anh đã không ngần ngại quyết định tự nguyện phá bỏ một số cây ăn quả lâu năm và hiến 135 m2 đất vườn. Anh Quý bày tỏ, khi hiểu được ý nghĩa của làm đường là để phục vụ cho chính việc đi lại của gia đình, cũng như của bà con trong thôn được thuận tiện hơn, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, gia đình anh đã tình nguyện hiến đất để Nhà nước làm đường giao thông nông thôn.
Đoàn kết từ dân
Thực hiện dự án tuyến đường ĐH04 (tuyến đường nhánh) từ xã Tam Đa đến Trường Sinh được khởi công từ tháng 8-2021, đi qua 3 thôn của xã gồm: thôn An Lạc, Phú Xuân, Cầu Kỳ, có chiều dài 11km, với tổng kinh phí trên 17 tỷ đồng, do nguồn ngân sách tỉnh, tuyến đường xây dựng được mở rộng hơn tuyến đường cũ. Nhờ cả hệ thống chính trị của xã cùng “ra trận” nên người dân hiểu và hưởng ứng nhiệt tình, không chỉ tự nguyện hiến đất mà từ tường rào, cây cối, thậm chí là công trình phụ, chuồng trại chăn nuôi, đến một góc ngôi nhà, bà con đều sẵn sàng tháo dỡ để làm đường.
Một đoạn đường liên xã từ Tam Đa về Trường Sinh (Sơn Dương) đang được thi công.
Đưa chúng tôi đi thăm tuyến đường liên xã đang được thi công, đồng chí Nguyễn Tiến Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã phấn khởi chia sẻ, từ khi có chủ trương làm tuyến đường liên xã ĐH04, Đảng ủy và UBND xã đã thành lập một tổ giải phóng mặt bằng với 17 thành viên và 3 đội ở 3 thôn để làm công tác tuyên truyền vận động nhân dân hiến đất. Để công trình triển khai được thuận lợi, không phát sinh điểm “nóng”, Tổ vận động đã triển khai mô hình dân vận khéo “Vận động nhân dân tự nguyện hiến đất, hoa màu theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”, Tổ đã tuyên truyền vận động, đoàn thể, chính trị và các tổ chức xã hội đã tuyên truyền để người dân nắm, hiểu được chính sách, thông tin về chủ trương thực hiện công trình làm đường kịp thời, đầy đủ chính xác để người dân yên tâm. Chỉ trong gần 2 tuần, 28 hộ dân của 3 thôn trên địa bàn xã sinh sống tại hai bên đường và tuyến nhánh đã đồng thuận, tình nguyện hiến trên 3.000 m2 đất thổ cư, tháo dỡ tường rào; gần 60 cây ăn quả, cây gỗ có giá trị kinh tế cao để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Đến nay, người dân trong xã đã bàn giao giải phóng mặt bằng xong. Đơn vị thi công đã tiến hành đẩy nhanh tiến độ làm đường đúng thời hạn.
Đồng chí Trần Văn Nhã, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Cầu Kỳ nói, cán bộ thôn, đoàn thể nói đúng, làm trước nên người dân hưởng ứng tham gia. Với phương châm “đoạn đường đi qua nhà nào thì nhà đó thống nhất tập trung làm trước; đoạn đường nào vướng đất, công trình và cây xanh của cán bộ thì cán bộ hiến trước”, đã tạo được sự đồng tình, thi đua thực hiện của cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương. Điển hình có đảng viên Vũ Thị Kim Ngân, hiến hơn 10 m2 đất vườn. Bà Ngân hồ hởi chia sẻ: “Gia đình tôi chỉ có ít đất để hiến làm đường cho đẹp thêm. Trong thời gian thi công, tôi đã cùng nhân dân của tổ tham gia giám sát công trình. Tuyến đường đang được thi công, ai ai cũng phấn khởi bởi ngõ rộng, sạch, đẹp hơn rất nhiều”.
Đảng viên Phạm Văn Hiển, thôn An Lạc cho biết, gia đình anh là một trong 4 hộ của thôn tham gia hiến trên 300 m2 đất ở và đất vườn. Khi chưa có chủ trương làm tuyến đường liên xã, các hộ dân cũng như gia đình anh phải đi lại trên con đường nắng bụi, mưa thì lầy và muốn đi ra đường quốc lộ phải đi vòng rất xa. Vì vậy, khi được tuyên truyền, vận động gia đình anh đã phá bỏ một phần hàng rào và vườn rau hiến đất mở con đường rộng đẹp, làm cho việc đi lại sản xuất được thuận tiện hơn.
Chia tay xã Tam Đa (Sơn Dương) vùng hạ huyện khi mặt trời vừa xuống bóng, chúng tôi tin tưởng rằng với sự đoàn kết, nhất trí cao, chú trọng phát huy nội lực, huy động sức dân tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn. Tuyến đường giao thông liên xã nối Tam Đa đến Trường Sinh được đưa vào dịp Tết Nhâm Dần sẽ thuận tiện, trao đổi buôn bán, hàng hóa nông sản, phát triển kinh tế cho bà con nơi đây, tạo điều kiện giúp xã đẩy nhanh tiến độ về đích xây dựng nông thôn mới năm 2024 theo kế hoạch đề ra, góp phần làm cho quê hương ngày càng đổi mới, ấm no.
Gửi phản hồi
In bài viết