“Ký mộng” mang đề tài giấc mộng, với nhà thơ, mộng và thực tuy hai mà một. Đi qua thực và mộng, nhà thơ đã ghi lại những chân dung con người và tinh thần thời đại, đồng thời gửi gắm thông điệp xuyên thời đại về kiếp nhân sinh, thể hiện tình yêu thương cao đẹp dành cho con người, vẫn còn nguyên giá trị nhân văn cho đến hôm nay.
Cái hùng tâm tráng chí, khát khao vẫy vùng của Nguyễn Du sớm bị cơn lốc lịch sử vùi dập. Bi kịch mồ côi, không gốc rễ, tình thân lại thêm vào phần tủi phận cho tâm hồn thi sĩ vốn dĩ mong manh. Nhưng chính nhờ thế, Nguyễn Du có sự đồng cảm sâu sắc với các thân phận đáng thương trong xã hội cũng như nhận thức về sự phai tàn sâu sắc vượt thời đại. Cái “tôi” trong những bài thơ trữ tình chính là cái “tôi” của nhà thơ. Song, nó không đơn thuần chỉ là tác giả, mà trở thành hình tượng văn học. Những cảm xúc được biểu đạt trong thơ là chuỗi cảm xúc nội tâm của bản thân Nguyễn Du, song nhà thơ đã lựa chọn những cảm xúc mang ý nghĩa khái quát, vừa phản ánh tâm hồn và những nỗi đau riêng ông, vừa phản ánh những vấn đề và nỗi khắc khoải của thời đại, thậm chí xuyên thời đại. Từ nỗi đau cá nhân, Nguyễn Du nhìn rộng ra được nỗi đau của con người giữa thời đại, của thập loại chúng sinh.
Mỗi truyện thơ, mỗi bài thơ hay đều có điểm cô đọng hay điểm ngời sáng, là nơi tập trung ý tưởng, hội tụ cảm xúc của toàn bài. Vượt lên các thao tác minh họa để có thể đạt tới tính độc lập cho tác phẩm, họa sĩ sẽ phải cảm thụ, nắm bắt và dày công đi sâu vào điểm sáng này, chuyển đổi dữ kiện, hình ảnh từ chất liệu ngôn ngữ từ sang chất liệu màu sắc và đường nét. Từng nét màu từng nét cọ vừa truyền tải tinh tế chất thơ lẫn hồn thơ, vừa thể hiện góc nhìn và sáng tạo của riêng họa sĩ.
Đây chính là cách họa sĩ thế hệ 9X Niayu thể hiện tác phẩm “Ký mộng” qua những nét vẽ của mình. Niayu tên thật là Trần Mỹ Ngọc, sinh năm 1997 tại An Giang. Cô tốt nghiệp khoa Thiết kế đồ họa, trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh.
Họa sĩ chia sẻ: “Tôi là họa sĩ thuộc gen Z. Tôi không tự nhận mình hiểu trọn con người Tố Như hay hiểu thơ ông một cách sâu sắc. Mà thực ra, ngay cả những người thế hệ tôi và trước tôi, nào ai dám tự nhận mình hiểu một tác giả lớn như Tố Như một cách cặn kẽ tường tận. Thế nhưng trong dòng chảy bền bỉ của tiếng Việt cũng như tự tình dân tộc là điều được ươm mầm và lớn lên một cách tự nhiên, thơ Tố Như vượt qua những rào cản của thời gian để chinh phục mọi thế hệ. Đọc thơ của ông tôi luôn rung động từ trong sâu thẳm, bất kể khi tôi chú tâm nghiền ngẫm hay chỉ tình cờ đọc được câu thơ đơn lẻ ở một nơi nào. Và như thế là tôi vẽ. Không hẳn vẽ các nhân vật của Tố Như, mà là vẽ tâm hồn Tố Như. Vẽ Tố Như trong tôi, qua những bài thơ, đoạn thơ mà tôi đọc, tìm và cảm nhận được. Đấy là Tố Như của tôi. Là những rung động và tình cảm của riêng tôi dành cho người - thơ ấy.”
Trong chuỗi sự kiện hướng đến kỷ niệm 65 năm thành lập Nhà xuất bản Kim Đồng, buổi ra mắt artbook Ký mộng và giao lưu cùng họa sĩ Niayu và nhà thơ Lê Minh Quốc với chủ đề “Cùng Nguyễn Du qua giấc mộng dài” sẽ diễn ra tại sân khấu A, Đường Sách Thành phố Hồ Chí Minh vào lúc 9 giờ ngày 12/6.
Gửi phản hồi
In bài viết