Tăng cường giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán

Nhằm giảm rủi ro gian lận, bảo đảm an ninh, an toàn trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, các tổ chức tín dụng đang tích cực triển khai thu thập, kiểm tra, làm sạch dữ liệu thông tin sinh trắc học khách hàng.

Khách hàng Techcombank trải nghiệm công nghệ sinh trắc học.

Đây cũng là một trong những yêu cầu mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đặt ra cho các ngân hàng và tổ chức trung gian thanh toán, được quy định tại Quyết định số 2345/2023/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.

Tập trung làm sạch dữ liệu khách hàng

Theo Phó Tổng Giám đốc VietinBank Trần Công Quỳnh Lân, quy định tại Quyết định số 2345 yêu cầu các ngân hàng thương mại sinh trắc học khách hàng và dữ liệu này sẽ được đối chiếu với hệ thống dữ liệu của Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an.

Do đó, trong những tháng gần đây, nhằm bảo đảm đúng tiến độ thực hiện sinh trắc học theo yêu cầu vào ngày 1/7, VietinBank đã và đang làm sạch dữ liệu, tích hợp hệ thống qua đó làm giàu dữ liệu sinh trắc học. Việc cập nhật dữ liệu khách hàng (trực tuyến) của VietinBank mất khoảng 2-3 giây/người ở những thời điểm thuận tiện trong ngày, khách hàng trả lời video một số câu hỏi, không mất nhiều thời gian.

Giám đốc Khối bán lẻ của Vietcombank - bà Đoàn Hồng Nhung cũng cho biết, việc triển khai dữ liệu quốc gia về dân cư tạo điều kiện cho các ngân hàng chuyển đổi số không chỉ ở kênh trực tuyến mà còn giảm thủ tục, giấy tờ ở kênh quầy. Thời gian qua, Vietcombank đã rà soát làm sạch dữ liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Hiện ngân hàng đã và đang áp dụng 3 nội dung nguồn dữ liệu, bao gồm: ứng dụng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip, ứng dụng tài khoản định danh điện tử (VNeID) và ứng dụng chấm điểm khả tín công dân.

“Năm 2024, Vietcombank mở rộng nâng cấp phạm vi ứng dụng CCCD gắn chip trên kênh quầy và tiếp tục mở rộng trên kênh điện tử để đáp ứng kịp thời yêu cầu theo Quyết định số 2345. Đồng thời, về lâu dài ngân hàng sẽ khai thác ứng dụng tài khoản VNeID cấp độ II tại giao dịch ở quầy và kênh số để tăng trải nghiệm khách hàng”, bà Đoàn Hồng Nhung nêu rõ.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến thời điểm này có 51/59 tổ chức tín dụng đã phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an) để triển khai xác thực khách hàng thông qua CCCD gắn chip tại quầy, 41/59 tổ chức tín dụng thực hiện xác thực CCCD gắn chip qua ứng dụng trên thiết bị di động và 14 đơn vị tham gia triển khai ứng dụng định danh điện tử công dân (VNeID). “Có thể nói, các tổ chức tín dụng đã và đang bắt tay tích cực triển khai thu thập, kiểm tra, làm sạch dữ liệu thông tin sinh trắc học”, Vụ trưởng Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) Phạm Anh Tuấn nhìn nhận.

Tăng bảo mật qua xác thực sinh trắc học

Một trong những nội dung quan trọng được nêu tại Quyết định số 2345/QĐ-NHNN là: Từ ngày 1/7/2024, giao dịch chuyển tiền qua tài khoản trực tuyến hoặc nạp tiền vào ví điện tử hơn 10 triệu đồng phải được xác thực sinh trắc học qua khuôn mặt hoặc vân tay. Nếu chuyển tiền dưới 10 triệu đồng và tổng số tiền chuyển các lần trong ngày không quá 20 triệu đồng thì xác thực bằng mã OTP, không cần xác thực bằng khuôn mặt, vân tay.

Tại quyết định này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng quy định: Tổng số tiền các giao dịch hơn 20 triệu đồng/ngày phải xác thực bằng sinh trắc học (có thể dùng căn cước công dân gắn chip, tài khoản VNeID hoặc dữ liệu sinh trắc học lưu trong cơ sở dữ liệu của ngân hàng).

Nếu chuyển tiền dưới 10 triệu đồng/lần nhưng tổng các giao dịch trong ngày đã chạm mốc 20 triệu đồng, thì đến lần chuyển tiếp theo trong ngày đó phải xác thực bằng khuôn mặt, vân tay, dù lần tiếp theo đó chỉ chuyển vài nghìn đồng. Trường hợp khách hàng cá nhân trước khi giao dịch lần đầu bằng ứng dụng ngân hàng (mobile banking) hoặc trước khi giao dịch trên thiết bị khác với thiết bị đang giao dịch lần gần nhất, cũng phải được nhận dạng sinh trắc học...

Với những nội dung yêu cầu nêu trên, ông Phạm Anh Tuấn chia sẻ, để triển khai Quyết định số 2345 đạt hiệu quả cao, đòi hỏi các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán phải cần rất nhiều nguồn lực, vật lực và nhân lực. Nhưng với trách nhiệm cộng đồng xã hội, đây là con đường bắt buộc phải làm để giảm rủi ro gian lận cũng như bảo đảm an ninh, an toàn trong thanh toán.

Phó Tổng Giám đốc Techcombank Phạm Quang Thắng cho biết, nhằm bảo đảm tính tuân thủ với quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để bảo vệ cao nhất cho khách hàng trước mọi rủi ro trong bối cảnh tình hình an ninh mạng ngày càng phức tạp do thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, Techcombank đã xây dựng lộ trình áp dụng giải pháp theo quy định tại Quyết định số 2345.

Cụ thể: từ đầu tháng 4/2024, Techcombank tiến hành thu thập dữ liệu sinh trắc học của khách hàng thông qua CCCD gắn chip trên ứng dụng Techcombank Mobile và tại quầy giao dịch của Techcombank. Các dữ liệu sinh trắc học của khách hàng cần khớp đúng với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong CCCD gắn chip của khách hàng do cơ quan công an cấp. Dự kiến đến ngày 1/7 tới, Techcombank sẽ áp dụng giải pháp xác thực bằng sinh trắc học trên ngân hàng số cho thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng.

“Giải pháp xác thực giao dịch số hóa bằng sinh trắc học là một trong những cam kết mạnh mẽ của Techcombank nhằm tuân thủ cao nhất các yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đồng thời, hướng đến mục tiêu cao nhất là bảo đảm giao dịch an toàn, bảo mật cho khách hàng trên không gian ngân hàng số”, ông Phạm Quang Thắng chia sẻ.

Theo đánh giá của các chuyên gia, công nghệ sinh trắc học được xem là giải pháp hạn chế tối đa khả năng làm giả và có tính bảo mật cao nhất hiện nay. Biện pháp này sẽ vô hiệu hóa “nạn” mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng đã tồn tại suốt thời gian qua.

Trong khi đó các ngân hàng nhìn nhận, việc xác thực định danh VNeID sẽ giúp giảm toàn bộ khâu hậu kiểm của các ngân hàng thương mại. Hiện nay, để tiết giảm chi phí, các ngân hàng thương mại đang thực hiện theo hướng xác thực một lần với Bộ Công an và lưu kết quả xác thực về hệ thống dữ liệu nội bộ của ngân hàng thương mại. Từ lần giao dịch sau sẽ không xác thực với dữ liệu của Bộ Công an mà xác thực với dữ liệu nội bộ để giảm chi phí và tốc độ xử lý nhanh hơn.

Tuy nhiên, một số ngân hàng cũng kiến nghị, việc khai thác ứng dụng xác thực định danh điện tử giai đoạn đầu triển khai nên có một mức phí chung hợp lý cho các tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, Bộ Công an cần có quy định hướng dẫn về ngưỡng xác thực, tỷ lệ trùng khớp mà tổ chức tín dụng nhận được để xác định sinh trắc học.

Ngoài ra, để có thể khai thác hiệu quả nguồn dữ liệu một cách tốt nhất, các ngân hàng cho rằng cần có sự hỗ trợ về cơ chế từ Chính phủ, các bộ, ngành liên quan. Cụ thể, cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế cho phép các ngân hàng tận dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về công dân để làm sạch, làm phong phú dữ liệu khách hàng theo thời gian thực để ngân hàng có thể kiểm soát rủi ro tốt hơn, cấp tín dụng đúng cho đúng đối tượng khách hàng; cung cấp miễn phí chữ ký số/chữ ký điện tử cho mỗi người dân nhằm thúc đẩy việc sử dụng phổ biến chữ ký số/chữ ký điện tử trong giao dịch điện tử, nhất là trong bối cảnh Luật Giao dịch điện tử sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7 tới.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục