Trong bối cảnh hiện nay, việc tập trung phát triển các thị trường mục tiêu, xây dựng sản phẩm đặc thù và phát triển kinh tế đêm là lựa chọn trọng tâm của du lịch, tất cả chuyển tải một thông điệp giản dị, bền vững: "Hà Nội - Đến để yêu!".
Du khách quốc tế đến tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Mỹ An
Hồi phục sau cơn “đại địa chấn”
Sau hơn 2 năm gần như tê liệt hoạt động do cơn “đại địa chấn” dịch Covid-19, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á chính thức mở cửa, dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế nhập cảnh liên quan đến Covid-19 và khôi phục hoạt động du lịch từ ngày 15-3-2023. Đây là dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự khởi đầu cho quá trình phục hồi và phát triển của ngành Du lịch Việt Nam. Nếu như năm 2022, Việt Nam đón gần 3,7 triệu lượt khách du lịch quốc tế và phục vụ hơn 101 triệu lượt khách du lịch nội địa, thì 8 tháng năm 2023 đã đón 7,8 triệu lượt khách du lịch quốc tế và phục vụ 86 triệu lượt khách du lịch nội địa, đạt 98% kế hoạch cả năm 2023; tổng thu từ khách du lịch 8 tháng năm 2023 ước đạt 482 nghìn tỷ đồng.
Riêng tại Hà Nội, phát huy vai trò là trung tâm du lịch lớn của cả nước, ngành Du lịch Thủ đô đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để thu hút khách đến. Trong 8 tháng năm 2023, Hà Nội đã đón 16,9 triệu lượt khách (tăng 36,2% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có 2,79 triệu lượt khách quốc tế (tăng 4,6 lần so với cùng kỳ năm 2022); tổng thu từ khách du lịch ước đạt 61.600 tỷ đồng (tăng 63,1% với cùng kỳ năm 2022). Con số đạt được dự báo sẽ vượt chỉ tiêu Kế hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội năm 2023 do UBND thành phố Hà Nội ban hành ngày 10-3-2023. Theo đó, năm 2023, Hà Nội phấn đấu đón trên 22 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 3 triệu lượt, khách nội địa đạt 19 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt 77 nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, Hà Nội còn liên tục được các tổ chức, tạp chí du lịch quốc tế uy tín đánh giá cao về mức độ hấp dẫn du lịch. Năm 2023, chuyên trang du lịch TripAdvisor đã xếp Hà Nội ở vị trí thứ 3/20 điểm đến ẩm thực hàng đầu thế giới; trang Booking.com lựa chọn Hà Nội là một trong những điểm đến hàng đầu trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương với những trải nghiệm ẩm thực đặc sắc... Đầu tháng 9-2023, Hà Nội vinh dự được Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) trao 3 giải thưởng: Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á, Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á cho kỳ nghỉ ngắn ngày và giải Cơ quan quản lý du lịch thành phố hàng đầu châu Á dành cho Sở Du lịch Hà Nội.
Tuy nhiên, bên cạnh những điều kiện thuận lợi, để phục hồi và tăng tốc, phát triển bền vững, du lịch Thủ đô cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Đó là nhiều doanh nghiệp chưa hoàn toàn “bình phục” do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều du khách phải thắt chặt hầu bao do ảnh hưởng của tình hình chính trị, kinh tế trên toàn cầu; sự cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa một số doanh nghiệp làm ảnh hưởng đến giá và chất lượng tour, giá nhiên liệu tăng dẫn đến chi phí tour cao hơn. Cùng với đó là các vấn đề khác như thiếu sản phẩm đặc trưng, thiếu tour, tuyến điểm hấp dẫn; khu vui chơi giải trí, hệ thống lưu trú, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu; chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, công tác chuyển đổi số về du lịch còn chậm...
Tập trung vào thị trường khách mục tiêu
Để đẩy nhanh quá trình phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả bền vững theo tinh thần Nghị quyết 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ, vừa qua, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức tọa đàm “Giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững” nhằm lắng nghe ý kiến của các chuyên gia du lịch cùng các doanh nghiệp trên địa bàn. Các ý kiến đóng góp tập trung vào những định hướng, giải pháp chính gồm: Tập trung phát triển nhóm sản phẩm du lịch có lợi thế; Triển khai các giải pháp thu hút khách du lịch quốc tế, trong đó tập trung vào các thị trường mục tiêu như châu Âu, Bắc Á, Trung Quốc, Ấn Độ...; Tăng mức chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế thông qua các giải pháp như khuyến khích phát triển sản phẩm du lịch đêm, các hoạt động trải nghiệm gia tăng với các nhóm sản phẩm du lịch truyền thống, ẩm thực, mua sắm; đẩy mạnh chuyển đổi số...
Hà Nội - điểm đến an toàn và hấp dẫn đối với du khách. Ảnh: Hải Nam
Theo kinh nghiệm của nhiều chuyên gia, muốn phục hồi và tăng tốc phát triển thì cần tập trung thu hút khách từ các thị trường mục tiêu, đặc biệt là những phân khúc khách cao cấp hoặc số lượng nhiều. Thực tế cho thấy, Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng bởi đây là một trong những quốc gia có số lượng khách sang Việt Nam lớn nhất.
Là đơn vị nhiều năm liền đón khách từ thị trường Trung Quốc, Giám đốc Công ty Cổ phần Lữ hành quốc tế Kim Liên Ngô Thị Lan Phương chia sẻ, khách Trung Quốc thường đi theo đoàn đông và chi tiêu nhiều cho ẩm thực, trải nghiệm văn hóa, vui chơi giải trí, mua sắm. Hiện nay, phần lớn khách Trung Quốc đến Hà Nội đều là doanh nhân. Họ sang làm việc, tìm cơ hội hợp tác nên ở lại khá lâu nhưng Hà Nội chưa có nhiều sản phẩm du lịch, điểm mua sắm hấp dẫn và không có nhiều tuyến, điểm tham quan mới. “Đây là một trong những thị trường mục tiêu của du lịch Việt Nam. Vì thế, cần xây dựng các sản phẩm gắn với trải nghiệm độc đáo, đặc biệt là các loại hình nghệ thuật giải trí, show diễn để đẩy mạnh khai thác kinh tế đêm. Ngoài ra, có thể mở rộng việc kết nối các tuyến điểm trong khu vực nội thành với các điểm ở ngoại thành nhằm kéo dài thời gian lưu trú của khách ở Hà Nội” - bà Phương nói.
Đồng tình với quan điểm cần thu hút khách từ các thị trường mục tiêu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư du lịch Hà Nội (Hanoi Tourism) Nhữ Thị Ngần cho biết, các đối tác Hàn Quốc muốn “bắt tay” để đưa khách Hàn Quốc và Trung Quốc sang Việt Nam trong tour liên tuyến giữa 3 nước. Họ cũng mong muốn tại Hà Nội sẽ có những điểm mua sắm nông sản chất lượng cao để làm quà. Theo bà Ngần, Hà Nội có nhiều sản phẩm OCOP đáp ứng được nhu cầu mua sắm của khách Hàn Quốc, Trung Quốc, nhưng thành phố cần xây dựng những điểm mua sắm đạt chuẩn, nằm ở vị trí thuận lợi.
Trong bối cảnh hiện nay, khi phần lớn các quốc gia đang gặp nhiều khó khăn do hậu quả của dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế, chính trị dẫn đến du khách châu Âu có xu hướng tiết kiệm chi tiêu, hạn chế đi du lịch thì việc thu hút các thị trường mới nổi như Trung Đông, Ấn Độ đến Hà Nội là một hướng đi khả quan. Những năm qua, lượng khách Ấn Độ sang Việt Nam luôn duy trì ở mức ổn định, khoảng 140 - 150 nghìn lượt khách/ năm, là một trong 10 thị trường gửi khách đến Việt Nam nhiều nhất. Còn thị trường Trung Đông tuy mới chỉ dừng ở mức vài chục nghìn khách sang Việt Nam mỗi năm nhưng là đối tượng khách có tiền, thích đi du lịch; lượng khách được dự báo sẽ sang Việt Nam khi được tiếp cận nhiều thông tin hơn. Tuy nhiên, Phó Giám đốc điều hành Khách sạn Hà Nội Daewoo Sunny Ghaiee cho rằng, Hà Nội cần xây dựng chuỗi nhà hàng Halal (ẩm thực Hồi giáo) hoặc ẩm thực chay để phục vụ đối tượng khách từ các thị trường khó tính nhưng chịu chi này.
Đánh giá cao tầm quan trọng của việc thu hút khách quốc tế đến Hà Nội, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, thời gian tới, Sở sẽ tập trung vào các giải pháp thu hút khách từ các thị trường mới, xây dựng sản phẩm “3 quốc gia một điểm đến” gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, trong đó trung tâm thu hút khách là Thủ đô Hà Nội. Ngoài ra, Sở cũng sẽ đẩy mạnh phối hợp với Hãng hàng không Emirates của Dubai trong việc đưa khách từ khu vực Trung Đông sang Hà Nội. Để gia tăng trải nghiệm, khuyến khích khách quốc tế chi tiêu, Sở sẽ tiếp tục triển khai xây dựng, phát triển một số sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm về đêm hấp dẫn để phục vụ khách du lịch quốc tế. Công tác tuyên truyền quảng bá trên nền tảng số cũng được chú trọng bằng việc truyền thông hình ảnh điểm đến, sản phẩm du lịch mới của Thủ đô trên các kênh truyền thông trong nước và quốc tế. Hà Nội cố gắng đa dạng hóa hình thức truyền thông trên nên tảng số, mạng xã hội nhằm lan tỏa và thu hút du khách đến Thủ đô với thông điệp xuyên suốt: “Hà Nội - Đến để yêu” và “Hà Nội - Điểm đến du lịch an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn”.
Gửi phản hồi
In bài viết