Quang cảnh buổi họp báo.
Theo Bộ Tài chính, thời gian vừa qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã từng bước phát triển theo đúng định hướng, chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn quan trọng, góp phần giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Từ năm 2019 đến nay, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng nhanh, bình quân khoảng 467 nghìn tỷ đồng/năm. Từ năm 2021, triển khai Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp, mặc dù có giảm trong các tháng đầu sau khi triển khai quy định mới, nhưng thị trường đã nhanh chóng lấy lại đà phát triển với khối lượng phát hành năm 2021 đạt mức 637 nghìn tỷ đồng. Quy mô thị trường đến cuối năm 2021 tương đương 15% GDP.
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực về quy mô huy động vốn, nhưng sự phát triển nhanh của thị trường cũng đã phát sinh các rủi ro mới. Đáng lưu ý nhất là một số doanh nghiệp có tình hình tài chính yếu nhưng phát hành trái phiếu với lãi suất cao, khối lượng lớn; nhiều nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ không tìm hiểu kỹ quy định và thông tin về trái phiếu, đã vi phạm quy định để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp, mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ hoặc góp vốn thông qua hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư theo pháp luật dân sự; một số tổ chức cung cấp dịch vụ về tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu, kiểm toán, thẩm định giá, đại lý phát hành, đăng ký, lưu ký trái phiếu chưa tuân thủ quy định pháp luật, chưa bảo đảm đạo đức nghề nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp phát hành, nhà đầu tư hợp thức hóa hồ sơ chào bán, hồ sơ xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc cố tình chào mời không đúng đối tượng nhà đầu tư đối với trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Để giải quyết triệt để vấn đề này, ngày 16/9/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP theo nguyên tắc: tuân thủ điều kiện phát hành trái phiếu quy định tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp; bổ sung các quy định theo thẩm quyền của Chính phủ để tiếp tục phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp minh bạch, bền vững, bảo vệ quyền lợi cho cả doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư, khắc phục bất cập trên thị trường thời gian vừa qua.
Đồng thời, Nghị định cũng tăng cường quản lý, giám sát bao gồm cả giám sát liên thông giữa lĩnh vực thị trường tài chính, lĩnh vực tín dụng ngân hàng và các lĩnh vực khác của nền kinh tế.
Trong các nội dung cơ bản của Nghị định, đáng lưu ý là yêu cầu doanh nghiệp phải mua lại trước hạn bắt buộc khi vi phạm phương án phát hành (trong đó có phương án sử dụng vốn) hoặc vi phạm pháp luật; trước và sau khi phát hành phải có công bố thông tin về khả năng bảo đảm thanh toán, báo cáo kiểm toán tình hình tài chính và kiểm toán tình hình sử dụng vốn theo mục đích phát hành đã được công bố. Đồng thời, bổ sung quy định tài sản bảo đảm của trái phiếu phải được định giá và đăng ký biện pháp bảo đảm.
Để nâng cao tính chuyên nghiệp của nhà đầu tư, Nghị định bổ sung các quy định để tăng tính chuyên nghiệp của nhà đầu tư cá nhân khi mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, hạn chế tối đa nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ gian lận để mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bằng danh mục chứng khoán phải bảo đảm danh mục nắm giữ có giá trị trung bình từ 2 tỷ đồng tối thiểu trong vòng 180 ngày bằng tài sản của nhà đầu tư, không bao gồm tiền vay.
Bên cạnh đó, nhằm tăng cường tính minh bạch và tuân thủ pháp luật của các tổ chức cung cấp dịch vụ, quy định mới yêu cầu việc tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành phải xác nhận về việc doanh nghiệp phát hành đã nhận đủ tiền thu từ phát hành trái phiếu.
Tại buổi họp báo, lãnh đạo Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) khẳng định: Nhà nước chỉ ngăn chặn các hành vi trái pháp luật của các doanh nghiệp không đủ tiêu chuẩn huy động trái phiếu doanh nghiệp, và Nhà nước luôn tạo điều kiện, chào đón, hoan nghênh các doanh nghiệp huy động vốn qua thị trường này một cách minh bạch, hiệu quả, đúng quy định, quy chế của nhà nước đã đề ra.
Gửi phản hồi
In bài viết