Tạo nguồn thu từ trồng cây sơn

- Cũng như những người dân trong thôn Tân Hợp, lúc mới lập gia đình, anh Đoàn Văn Mạnh, thôn Tân Hợp, xã Tân An (Chiêm Hóa) có hoàn cảnh tương đối khó khăn, đất ít lại không có vốn nên anh như bị dây rừng buộc lại.

Anh Đoàn Văn Mạnh, thôn Tân Hợp, xã Tân An (Chiêm Hóa).

Với ý chí và quyết tâm thoát nghèo, anh đã bôn ba làm thuê đủ các nghề. Trong một lần làm thuê cùng người bạn ở Phú Thọ, anh đã được tiếp cận với mô hình trồng cây sơn của người dân nơi đây. Anh tự nghĩ, tuổi mình còn trẻ, đất rừng lại có sẵn sao không thử nghiệm với những cách làm mới. Thế là sau khi tích góp được ít vốn, anh xuống tận Phú Thọ cả 1 tuần trời để lựa chọn cây giống tốt, học hỏi kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch.

Đầu năm 2006, vợ chồng anh bắt đầu trồng hơn 100 cây sơn. Thời gian sau nhận thấy cây sơn có khả năng thích nghi cao, phù hợp với đồi đất quê nhà, anh quyết định mua cây giống về trồng hơn 1 ha. Đất không phụ công người, cây sơn đã bám đất, sinh trưởng và phát triển mạnh. Sau đó, anh đã dốc hết vốn liếng trồng thêm vào diện tích trước đây trồng sắn.

Anh Mạnh chia sẻ, đây là cây công nghiệp thích nghi với nhiều vùng đất, điều kiện thổ nhưỡng và phù hợp với địa hình đồi núi. Cây sơn gần như chỉ thích ứng với phân hữu cơ, rất dị ứng với phân hóa học. Đặc biệt khoảng cách trồng giữa các cây đảm bảo trên 3 mét thì mới tạo tán rộng để cây sinh trưởng khỏe mạnh.

Đến nay, anh Mạnh đã sở hữu hơn 3 ha sơn. Với khả năng cho thu hoạch liên tục nhiều năm, thời gian thu hoạch 10 tháng/năm. Đây là loài cây có giá trị cao, mỗi cân nhựa sơn có giá từ 150 - 300 nghìn đồng/kg, có thời điểm giá đạt đỉnh 500 nghìn đồng/kg. Mỗi ngày gia đình anh thu lượng nhựa cao nhất từ 3 - 4 kg.

Nói về bí quyết cắt sơn, anh chia sẻ, trong quá trình chích lấy nhựa, muốn nhựa sơn chảy lâu, đạt chất lượng thì vết cắt phải rất mỏng chỉ khoảng 1mm. Khi chích nhựa sơn phải tránh trời mưa, nắng to bởi trời mưa nhựa sơn sẽ dễ bị chảy tràn ra ngoài, không tập trung vào vỏ, nhựa thu về cũng thiu, thối không để được lâu. Ngược lại nếu gặp nhiệt độ cao sẽ làm khô miếng cắt và nhựa trong vỏ chai. Vì vậy, thời điểm chích chủ yếu từ 1 - 2 giờ đến 7 - 8 giờ sáng, trút nhựa vào tầm 9 - 10 giờ.

Ngoài ra, gia đình anh còn trồng 2 ha rừng keo. Với mô hình kinh tế của mình mang lại thu nhập trên 200 triệu đồng mỗi năm. Anh Mạnh có tấm lòng với bà con, sẵn sàng giúp đỡ từ cây giống đến kinh nghiệm trồng, chăm sóc và thu hoạch cho nhiều nông dân khác. Anh Dương Văn Hoàn, tổ Vĩnh Bảo, thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) cho biết: “Mình cũng đã thử nhiều cây trồng mà chưa thấy hiệu quả, thấy anh Mạnh trồng sơn rất kinh tế nên mình cũng đầu tư trồng 3.000 cây. Hiện, cây sơn phát triển tốt. Hy vọng, thị trường, giá cả ổn định để người nông dân yên tâm phát triển cây sơn”.

Bài, ảnh: Giang Lam

Tin cùng chuyên mục