Bãi biển Quang Lang có đặc điểm tự nhiên khá khác biệt và thú vị so với các vùng ven biển khác, độ bằng phẳng trải dài hàng chục km, khi thủy triều xuống mặt nước trên bãi cát phù sa chỉ ngang tầm mắt cá chân, những hôm trời lặng gió thì cả bãi biển mênh mông như một tấm gương khổng lồ phản chiếu tất cả những gì phía trên xuống mặt nước tạo nên vẻ đẹp lung linh, kỳ thú...
Vào những ngày cuối tuần, nhất là dịp nghỉ lễ 2/9 vừa qua, có hàng nghìn người từ các địa phương lân cận đổ dồn về địa danh hấp dẫn này để đón bình minh, hy vọng lưu trong máy ảnh, điện thoại những bức hình ưng ý, những góc chụp đẹp về thời khắc đất trời giao hòa, toàn bộ bãi triều rộng ngút mắt trông như một chiếc gương khổng lồ.
Tuy nhiên, cũng không dễ dàng để tận hưởng cảm giác này, bởi quãng đường từ đất liền ra khu vực biển Quang Lang phải đi bộ khoảng 3km, trong điều kiện bùn lầy khá trơn trượt và tốn sức. Bên cạnh đó, không phải lúc nào cũng ngắm được bình minh đầy thơ mộng và kỳ vĩ trên biển “vô cực”, bởi còn phải tùy vào con nước lên xuống, cũng như điều kiện thời tiết.
Đây là điểm du lịch tự phát, hạ tầng phục vụ du lịch hầu như chưa có gì. Khách đến trải nghiệm tự chuẩn bị mọi thứ, rồi tự đi mà không có người hướng dẫn, tư vấn về thời điểm lý tưởng ra biển “vô cực”.
Ngay trong tháng 9, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo thực trạng và đề xuất phương án quản lý, khai thác bãi biển Quang Lang.
Qua khảo sát, khu vực này là bãi triều phía ngoài rừng ngập mặn, có diện tích gần 2.000ha, nằm trên địa bàn hai xã: Thụy Hải, Thụy Xuân (huyện Thái Thụy). Tính đến tháng 8/2022, đã có hàng nghìn lượt người tới tham quan, trải nghiệm. Trong những ngày con nước thuận lợi, có khoảng 500 người/ngày.
Tuy nhiên, công tác quản lý tiếp đón, phục vụ đang gặp nhiều khó khăn, nhất là về hạ tầng giao thông, cơ sở dịch vụ hậu cần, vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách đến khám phá, tận hưởng vùng đất mới.
Bà Trần Thị Bích Hằng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình cho biết, lãnh đạo tỉnh đang yêu cầu các sở, ngành liên quan phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Thái Thụy và đơn vị tư vấn khẩn trương hoàn thiện các điều kiện để xây dựng, phát triển vùng rừng ngập mặn và bãi triều xã Thụy Hải, Thụy Xuân thành khu, điểm du lịch.
Từ đó, lập dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong khu vực rừng ngập mặn phù hợp với điều kiện, đặc điểm sinh thái, bảo đảm đúng các quy định của pháp luật, không làm ảnh hưởng đến bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học tại khu vực này.
Gửi phản hồi
In bài viết