Tu dưỡng đạo làm thầy
Trong cộng đồng người Tày rất coi trọng thầy cả vì để làm được thầy cả thì phải là người giỏi giang, có trí nhớ, hiểu biết văn hóa phong phú và phải là người có uy tín. Trong quan niệm của người Tày, những người làm thầy cả là những người có khả năng giao tiếp với thế giới thần linh, giúp dân bản, cầu bình an, mùa màng bội thu…
Gần 15 năm qua, thầy Vũ Văn Vìn làm thầy cả trong Lễ hội Lồng tông Chiêm Hóa. Thầy Vìn chia sẻ, từ ngày xưa, trong các nghi thức tổ chức Lễ hội Lồng tông ở quy mô cấp châu (đơn vị hành chính ở miền núi tương đương với huyện) và tất cả các công đoạn từ việc cúng bái đến các nghi thức của lễ hội đều được tổ chức trọng vọng, nghiêm cẩn.
Đó là một việc trọng đại đầu tiên trong năm của cư dân bản địa. Đây là ngày mở đầu để xuống đồng trồng cấy, buôn bán... Do đó được lựa chọn làm thầy cả là vinh dự và trách nhiệm lớn lao trong nghiệp làm thầy cúng. Duyên nghiệp được làm thầy cả chỉ đến với những ai có tấm lòng, đức độ hướng về tổ tiên, nghĩ nhiều cho dân bản. Suốt cuộc đời phải tu dưỡng đạo đức, phẩm hạnh thật tốt thì thần linh mới độ được.
Thầy cúng Vũ Văn Vìn đọc bài cúng tại Lễ hội Lồng tông Chiêm Hóa.
Thầy Hoàng Quốc Dân, thôn Nà Bản, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) năm nay hơn 80 tuổi. Ông là người 16 năm nay làm thầy cả trong Lễ hội Lồng tông ở xã Thượng Lâm. Thầy chia sẻ, trước và sau khi trở thành thầy cả, phải trải qua một quá trình học tập và kiêng kỵ vô cùng nghiêm ngặt. Việc học ở đây là học chữ Hán theo các sách: Tam tự kinh, Luận ngữ, Mạnh Tử, Trung Dung, Đại học, Thi kinh, Ấu học quỳnh lâm, Thành ngữ khảo… Còn những điều phải kiêng kị như: Không ham mê nữ sắc, không trọng giàu khinh nghèo, không vi phạm pháp luật…
Trong tín ngưỡng người Tày, người được đảm nhiệm làm thầy cả trong các nghi lễ quan trọng là thầy cao tay nhất. Thầy rất được tôn trọng, người ta còn gọi là “thầy làm phúc”, bởi mục đích của việc thực hiện các lễ cúng là để cầu mong những điều tốt đẹp đến cho mọi người, mọi nhà, tưởng nhớ tổ tiên, cầu sức khỏe, bình an, may mắn…
Thầy cúng Nguyễn Đình Nhạ, Bản Khiển, thị trấn Lăng Can (Lâm Bình) hàng năm đều điều hành nghi Lễ Lồng tông huyện Lâm Bình. Thầy bật mí rằng, để đạt đến cảnh độ này, thì thầy phải trải qua nhiều lần Cấp sắc để nhận bằng sắc là Nhất phẩm. Và mỗi lần Cấp sắc là một hành trình tu dưỡng rèn luyện về cả trí tuệ, đạo đức.
Không chỉ một mình mình rèn luyện mà gia đình mình cũng phải rèn luyện, tu dưỡng. Bởi quan niệm phải “tề gia trước”, trong nhà yên ấm trước thì mới bình ổn được bản làng. Do đó, bản thân thầy và người thân luôn phải đặt mình vào khuôn khổ để rèn luyện, học tập không ngừng. Từ cách sống, cách đối nhân xử thế, hiểu biết về lễ giáo, văn hóa có tốt thì mọi việc mới được thần linh chứng dám, che chở.
Gửi gắm ước nguyện đầu năm
Lễ hội Lồng tông hay còn gọi là Lễ hội xuống đồng, là một nghi lễ mở đầu cho một mùa sản xuất mới được tổ chức vào đầu năm mới. Đảm nhận trách nhiệm là một thầy cả điều hành lễ hội, kết nối thế giới trần thế và thần linh. Những người có “căn” thầy thường rất nhạy cảm. Đó là có khả năng liên lạc với thần linh bằng tâm thức, giao cảm đặc biệt.
Thầy Vũ Văn Vìn, thầy cả điều hành Lễ hội Lồng tông Chiêm Hoá chia sẻ, để chuẩn bị thực hiện nghi lễ thì trước đó 2 tuần thầy phải qua quá trình “tắm sạch tâm hồn”, bao gồm các hình thức chay tịnh. Sau đó cùng với các đệ tử chuẩn bị soát lễ cẩn thận, cúng trình tại Đền Bách thần rồi mới được thực hiện nghi lễ ngoài trời vào ngày hôm sau. Với quan niệm, mọi thứ phải chuẩn bị thật chu đáo từ mâm lễ đến bài cúng; yêu cầu là giản đơn, tiết kiệm nhưng phải thật thành tâm, sạch sẽ, thể hiện lòng thành.
Thầy cúng Hoàng Quốc Dân thực hiện nghi lễ tại Lễ hội Lồng tông xã Thượng Lâm (Lâm Bình).
Các đệ tử đi theo thầy cả tượng trưng cho bên tả, bên hữu của thầy hay còn gọi là một bên quan văn, một bên quan võ. Tất cả giúp thầy hoàn thiện các nghi lễ và phụ hoạ phần nhạc (gõ trống, gõ chiêng…). Những đệ tử này cũng phải được lựa chọn qua quá trình theo dõi nghiêm ngặt thì mới được thực hiện nghi lễ đặc biệt này của bản làng. Đó là một niềm vinh dự, công nhận cho quá trình phấn đấu tu dưỡng kiến thức làm nghề và đạo đức làm người của các đệ tử.
Suốt nhiều năm thực hiện nghi lễ tại Lễ hội Lồng tông huyện Lâm Bình, thầy Nguyễn Đình Nhạ chú ý nhất đó là bài cúng. Thầy cho biết, mỗi người có những bài cúng, cách diễn đạt khác nhau. Tuy cùng một nghi lễ nhưng hơn 10 năm thực hiện nghi lễ thì hơn 10 lần chuẩn bị bài cúng riêng. Thường thì khoảng mùng 2 Tết, thầy sẽ khai bút viết bài cúng. Trước ban thờ, thầy dùng mọi khả năng để viết những lời hay, ý đẹp gửi đến các vị thần những nguyện cầu của dân bản.
Với mỗi thầy đó là bài cúng quan trọng, bức thư tâm linh gửi đến thần mưa, thần gió, thần sấm, thần nắng, thần nông…Cho nên các thầy chuẩn bị rất chu đáo, cẩn trọng.
Năm nay, thầy Bế Văn Trường là thầy cả điều hành Lễ hội Lồng tông xã Đà Vị (Na Hang) thầy chia sẻ, mọi năm là thầy Hoàng Thắng Thơ, thôn Khuổi Tích, xã Đà Vị thực hiện nghi lễ. Vì lý do sức khỏe nên thầy Thơ nghỉ và năm nay thầy Trường được mời điều hành nghi lễ quan trọng đầu năm 2024. Do đó khi viết bài cúng, thầy Trường cũng phải tham khảo thầy Thơ và các thầy khác để có được bài cúng trọn vẹn nhất, chu toàn nhất.
Thầy Hoàng Quốc Dân, thôn Nà Bản, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) chia sẻ, thầy sẽ dành hết mọi lời hay, ý đẹp, thay mặt bà con gửi đến thần linh. Đó là: “Xin được dâng hướng kính mời các vị thần linh cùng trăm dân dự lễ, hưởng lễ lòng thành, các vị thần độ trì phù hộ muôn vạn cháu con khỏe mạnh, không ốm đau, ai cũng ấm no, làm ăn thuận lợi; trăm họ đoàn kết, con cháu học hành chăm ngoan, có chí hướng, biết phấn đấu. Các vị thần linh phù hộ bản làng mưa thuận gió hòa, diệt trừ sâu bệnh hại, cầu cho mùa màng tươi tốt, lúa chất đầy kho. Năm mới linh thiêng, khuyên mọi cháu con sống có đạo đức, không trộm cắp, không bắt thú, bẫy chim, phá rừng; không vi phạm pháp luật…”.
Quy trình làm lễ thường kéo dài gần 2 tiếng. Trước các mâm lễ tồng, thầy cả sẽ kính cẩn đọc các bài cúng thầy gửi tâm nguyện của dân bản. Sau đó sẽ thực hiện các nghi lễ khác, đặc biệt nghi lễ vẩy nước lộc của đất trời, phát lộc, tung lộc (là các hạt giống) của thần linh cho dân bản... Cuối phần lễ là nghi lễ xuống đồng (cày ruộng) với mong muốn đường cày may mắn đầu năm sẽ mang lại dân khang, vật thịnh, mùa màng bội thu...
Sau phần hội vui chơi khép lại một mùa lễ hội quan trọng nhất, với mỗi người dân đó là sự hoan hỉ, vui mừng để bước vào một năm mới bình an, no ấm. Còn các thầy cúng vẫn tiếp tục hành trình riêng của mình. Đó là quá trình rèn luyện mỗi ngày: Rèn kiến thức, đạo đức, cách sống… để xứng đáng với sự tôn vinh và kính trọng của bản làng.
Gửi phản hồi
In bài viết