Thỏa thuận về thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu: Bảo đảm sự công bằng

Sau cuộc họp kéo dài hai ngày (ngày 4 và 5-6) tại thủ đô London (Anh), các bộ trưởng tài chính của Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (gồm: Anh, Pháp, Italia, Canada, Nhật Bản, Đức và Mỹ - G7) đã đạt một thỏa thuận lịch sử về thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu và về phân chia các nguồn thu thuế từ các tập đoàn đa quốc gia. Thỏa thuận này được cho là sẽ bảo đảm sự công bằng, để các công ty nộp thuế nộp đúng, nộp đủ.


Toàn cảnh Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G7 tại London, Anh.

Diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak, đây cũng là lần đầu tiên các bộ trưởng tài chính G7 gặp mặt trực tiếp kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Trong hai ngày nhóm họp, bộ trưởng của 7 cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới đã thương lượng để đạt được thỏa thuận về việc cải tổ thuế doanh nghiệp ở cấp độ thế giới.

Cải tổ này chủ yếu hướng vào các tập đoàn công nghệ số, hiện chỉ đóng những khoản thuế rất thấp trong khi thu lợi nhuận hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ USD. Sở dĩ có hiện tượng trên là do các công ty này đặt trụ sở tại những quốc gia có mức thuế thu nhập doanh nghiệp rất thấp, thậm chí là không đánh thuế. Trong khi các quốc gia trên toàn thế giới đang cố bù đắp cho ngân sách bị cạn kiệt do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 thì các tập đoàn công nghệ số lại được hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu.

Thế nên, các bộ trưởng tài chính G7 đã nhất trí ủng hộ đề xuất của Mỹ về việc các công ty lớn trên thế giới phải đóng thuế ít nhất 15% lợi nhuận. Kế hoạch lịch sử này nhằm mục đích buộc các tập đoàn lớn nhất thế giới phải trả nhiều thuế hơn tại nơi các tập đoàn này đặt trụ sở chính, cũng như tại các quốc gia nơi họ kinh doanh. Nếu được hoàn tất và đưa vào thực thi, thỏa thuận này sẽ là một bước tiến lớn về thuế trên phạm vi toàn cầu.

Thỏa thuận của nhóm G7 dựa trên cải tổ mà Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đề nghị. Thứ nhất là việc phân chia hợp lý nguồn thu thuế từ các tập đoàn đa quốc gia. Thứ hai là việc đặt ra một mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu. Sau khi đề nghị mức thuế 21%, Mỹ đã giảm xuống còn 15% để có thể thuyết phục được nhiều quốc gia khác.

Từ năm 2013, các nước đã đàm phán để tìm kiếm một hiệp định về thuế quốc tế. Song vấn đề này không ít lần đã trở thành vấn đề gây mâu thuẫn giữa các nền kinh tế lớn, nhất là sau khi các quốc gia đưa ra kế hoạch đánh thuế nhiều hơn đối với các hãng công nghệ lớn. Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump phản đối sáng kiến thuế kỹ thuật số ở các quốc gia khác nhau, thậm chí đe dọa áp thuế quan để trả đũa. Khó khăn thể hiện rõ trong quá trình đàm phán, đặc biệt là về việc đánh thuế các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ.

Tuy nhiên, triển vọng đạt được thỏa thuận đã tăng lên đáng kể sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden lên nắm quyền vào đầu năm nay và đã đưa ra các đề xuất mới. Hiện, Washington đánh giá một thỏa thuận về mức thuế tối thiểu toàn cầu là cách để chấm dứt "cuộc đua xuống đáy" về thuế doanh nghiệp, đồng thời coi thỏa thuận là cách để giúp các tập đoàn Mỹ duy trì cạnh tranh. Theo các nhà kinh tế, một thỏa thuận như trên sẽ khuyến khích các quốc gia thiết lập cơ chế để bảo đảm rằng các tập đoàn phải trả mức thuế tối thiểu đối với thu nhập từ nước ngoài.

Kết quả mà các bộ trưởng tài chính G7 vừa đạt được có thể sẽ định hình trong các cuộc đàm phán tiếp theo về thuế doanh nghiệp tối thiểu tại cuộc họp của nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) vào tháng 7 tới tại Italia. Bộ Tài chính Mỹ thì hy vọng, một thỏa thuận đầy đủ hơn sẽ đạt được khi các nhà lãnh đạo G7 gặp nhau từ ngày 11 đến 13-6 tới tại Anh.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục