Thời kỳ nhập tỉnh Hà Tuyên và tái lập tỉnh Tuyên Quang đến nay

- Sau thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cách mạng Việt Nam bước vào thời kỳ mới - thời kỳ cả nước độc lập, thống nhất, cùng đi lên chủ nghĩa xã hội.

Thời kỳ nhập tỉnh Hà Tuyên (1976 - 1991)

Trước yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới, Bộ Chính trị quyết định hợp nhất 21 tỉnh, trong đó có Hà Giang và Tuyên Quang. Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, tại kỳ họp thứ hai, ngày 27-12-1975, Quốc hội khóa V quyết nghị hợp nhất hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang thành tỉnh Hà Tuyên.

Trong những năm đầu của giai đoạn Hà Tuyên (1976 - 1985), dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Hà Tuyên, cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, quyết tâm vượt qua khó khăn, dũng cảm phấn đấu giành được những tiến bộ mới trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh.

Trong giai đoạn này, Hà Tuyên là một trong những tỉnh biên giới phải trực tiếp đương đầu với cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc do phía Trung Quốc gây ra. Từ năm 1979 - 1988, tỉnh Hà Tuyên phải dốc toàn lực cho cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng bộ và nhân dân Hà Tuyên vẫn tập trung cao nhất sức người, sức của cho cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biên giới Tổ quốc. Ngay trong năm đầu chiến tranh, các huyện tuyến sau đã ủng hộ các đơn vị bộ đội 719.982 đồng, 2.484 kg gạo, 20.842 kg thóc, 35 con lợn, 2 con trâu, 516 giường cá nhân, 1.095 tấm phản nằm, trên 34.000 tầu lá cọ và hàng vạn m2 nhà ở. Chỉ trong 3 năm (1983 - 1985), tỉnh đã làm mới và nâng cấp được 567 km đường ô tô, 361 km đường dây thông tin, 102 gian kho dự trữ, hàng nghìn nhà điểm tựa, 20 km đường ống dẫn nước. Trong năm 1986, hàng vạn lao động được điều lên biên giới để mở đường, củng cố công sự, phục vụ chiến đấu. Năm 1988 tỉnh đầu tư 70 triệu đồng cho các xã biên giới để xây dựng kết cấu hạ tầng, chiến hào, giao thông, hào, hầm trú ẩn… trong giai đoạn bảo vệ biên giới phía Bắc đã có 1.000 người con Hà Tuyên ngã xuống để bảo vệ biên giới lãnh thổ của Tổ quốc. Những đóng góp của tỉnh trong giai đoạn chiến tranh đã góp phần quan trọng trong việc tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu và xây dựng phòng tuyến biên giới, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Với thành tích chiến đấu, sản xuất, ngày 29/8/1985 Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Hà Tuyên vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; tặng Huân chương Sao Vàng và Huân chương Hồ Chí Minh. Phần thưởng mà Đảng và Nhà nước trao tặng là niềm tự hào, nguồn động viên cổ vũ to lớn để Đảng bộ, quân và dân Hà Tuyên vững bước vào chặng đường mới.

30 năm tái lập tỉnh và phát triển (1991-2021)

Sau 15 năm hợp nhất tỉnh Hà Tuyên (1976 - 1991), vượt lên những khó khăn, thử thách, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Tuyên đã đoàn kết một lòng, phát huy truyền thống quê hương cách mạng, gắn bó, chung sức, đồng lòng, từng bước phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc. Tuy nhiên, do tỉnh Hà Tuyên có địa hình trải dài (từ thị xã Tuyên Quang đến huyện Đồng Văn là hơn 300 km), dân cư phân bố không đồng đều, điều kiện tự nhiên không thuận lợi, đặc điểm kinh tế - xã hội có những điểm không đồng nhất... dẫn đến những khó khăn trong quá trình thực hiện đổi mới. Để phát huy tính chủ động, tích cực sáng tạo và phát huy sức mạnh nội lực của địa phương, tỉnh Hà Tuyên đã kiến nghị với Trung ương được chia tách, để Tuyên Quang, Hà Giang trở lại địa giới hành chính cũ.

Được sự đồng ý của Bộ Chính trị, căn cứ tình hình thực tiễn và yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, ngày 12-8-1991, Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 9 quyết nghị chia tỉnh Hà Tuyên thành hai tỉnh, lấy tên là Hà Giang và Tuyên Quang. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã họp từ ngày 15 đến ngày 18-8-1991 bàn biện pháp tổ chức lãnh đạo thực hiện và ra nghị quyết về nguyên tắc khi chia tỉnh; cuối tháng 9-1991, việc chia tỉnh Hà Tuyên thành hai tỉnh đã cơ bản hoàn thành. Sau khi được tái lập, tỉnh Tuyên Quang có dân số 598.050 người, gồm 22 dân tộc, 90% dân số sống ở nông thôn. Tỉnh có 6 đơn vị hành chính, gồm thị xã Tuyên Quang và các huyện Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Yên Sơn, Sơn Dương. Đơn vị hành chính cấp cơ sở có 3 phường, 7 thị trấn, 135 xã. Từ ngày 01-10-1991, các cơ quan Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh Tuyên Quang chính thức đi vào hoạt động.

Trong 5 năm 1991 - 1995, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XI, với tinh thần tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, cùng với sự giúp đỡ to lớn, có hiệu quả của Trung ương, Đảng bộ và Nhân dân Tuyên Quang đã giành được nhiều thành quả quan trọng. Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ; GRDP bình quân đầu người của tỉnh tăng từ 723.000 đồng/người/năm (năm 1991) lên 1.490.000 đồng/người/năm (năm 1995).

Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong 05 năm từ 1996 - 2000, tỉnh Tuyên Quang đã tạo được sự phát triển tương đối toàn diện và đồng đều trên các lĩnh vực và địa bàn, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu quan trọng mà Đại hội  Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đã đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 8,78%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ trong GDP; sản xuất lương thực đạt 26 vạn tấn, bình quân lương thực đầu người 384 kg/người/năm.

Trong 10 năm cùng cả nước thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010, trước những thời cơ và vận hội mới, Đảng bộ và Nhân dân Tuyên Quang đã nỗ lực phấn đấu giành được nhiều kết quả tích cực. Nổi bật là sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2005 - 2010, Tuyên Quang đã tập trung mọi nguồn lực, tạo bước đột phá trong phát triển công nghiệp, đồng thời phát triển nông nghiệp toàn diện gắn với quá trình đô thị hóa.

Từ năm 2010 đến nay, trước những thời cơ và vận hội mới, Đảng bộ và Nhân dân Tuyên Quang đã nỗ lực phấn đấu giành được kết quả rất quan trọng và khá toàn diện. Kết thúc giai đoạn 2015 - 2020 thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 2.309 tỷ đồng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng đạt được nhiều thành tựu nổi bật.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định mục tiêu tổng quát “Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phát huy dân chủ và sức mạnh đoàn kết các dân tộc. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp. Phát triển kinh tế đồng bộ với phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đặc biệt là hộ gia đình chính sách, người có công với cách mạng, hộ người dân tộc thiểu số, hộ nghèo; đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Đưa tỉnh Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc”.

P.V
(Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

Tin cùng chuyên mục