Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Phát biểu ý kiến khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Hội nghị này tập trung tìm giải pháp cho tăng trưởng với nội dung sâu hơn, là việc thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; xác định 5 rõ: “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ sản phẩm”.
Thủ tướng nêu rõ, muốn có tăng trưởng thì phải có tăng năng suất lao động, muốn tăng năng suất lao động thì phải có khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo được coi là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo là đầu tư cho phát triển.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Thủ tướng muốn Hội nghị bàn để cụ thể hoá, trong kế hoạch hành động đã xác định 7 nhóm nhiệm vụ và phân công 142 nhiệm vụ cụ thể phân công cho các bộ, ngành, địa phương để thực hiện. Thủ tướng đặt vấn đề thực hiện như thế nào để khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nguồn nhân lực chất lượng cao thực sự là động lực chủ yếu cho tăng trưởng, phát triển đất nước nhanh và bền vững; thực sự là yếu tố đột phá, đóng góp cho mục tiêu phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tham dự Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Thủ tướng khẳng định, chúng ta phải đánh giá thẳng thắn, khách quan, minh bạch bằng các số liệu dẫn chứng cụ thể về thực hiện nay, chúng ta đang đứng ở đâu, vị trí như thế nào? Từ đó nhận diện rõ những khó khăn, thách thức, bên cạnh đó là những thời cơ, thuận lợi để phát triển những các thời cơ, thuận lợi thành nguồn lực, hạn chế những tồn tại, thách thức để phát triển bền vững. Thủ tướng mong các đại biểu góp ý những nhiệm vụ nào là đột phá, phải chăng là thể chế, phải chăng là phương pháp huy động nguồn lực, hạ tầng và nguồn nhân lực?
Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang chuẩn bị trình Quốc hội Nghị quyết tháo gỡ các vướng mắc về khoa học công nghệ, cùng với đó là tiếp tục hoàn thiện Luật về khoa học công nghệ trình Quốc hội tại Kỳ họp tháng 5 tới. Trong đề nghị tháo gỡ về thể chế có bố trí nguồn lực, trong đó giải phóng về mặt tư duy, theo đó mạnh dạn đề xuất để các nhà khoa học được kinh doanh, nhất là kinh doanh sản phẩm của mình, để các nhà khoa học tiếp tục đổi mới, sáng tạo.
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Thủ tướng đề nghị các đại biểu cần làm rõ các nhiệm vụ trọng tâm bứt phá; chuyển đổi số thực sự là động lực tăng trưởng, góp phần cải tạo tư liệu sản xuất theo hướng nhanh và bền vững. Thủ tướng nêu rõ, cơ sở dữ liệu là tư liệu sản xuất quan trọng, góp phần tạo ra kinh tế sáng tạo. Tất cả các bộ, ngành, các cấp, cả hệ thống chính trị đều phải vào cuộc thì mới đồng bộ, mang lại hiệu quả. Việc thực hiện khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số không phải chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước, của các học viện, viện nghiên cứu mà của cả các doanh nghiệp cũng phải tiên phong trong lĩnh vực này; mọi người dân cũng phải tham gia quá trình này. Phải lấy người dân là trung tâm, chủ thể cho đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, chuyển đổi số, mọi thành quả của quá trình này phải hướng đến người dân; chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, ưu tiên hàng đầu, lựa chọn chiến lược. Đây chính là tầm nhìn, chiến lược, ưu tiên cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Lãnh đạo các tập đoàn, cơ quan, đơn vị tham dự Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)
* Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều thành tựu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo được ứng dụng vào phát triển kinh tế, xã hội. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã có nhiều đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, cải thiện an sinh xã hội và chất lượng cuộc sống người dân. Một số lĩnh vực khoa học tự nhiên đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới. Nhiều thành tựu khoa học, công nghệ hiện đại được ứng dụng nhanh chóng và rộng rãi trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghiệp, thông tin, chuyển đổi số và kinh tế số. Chỉ số Năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) không ngừng được cải thiện, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của nền kinh tế đất nước. Theo Tổng cục Thống kê, Đóng góp của các nhân tố tổng hợp TFP vào tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2023 ước đạt khoảng 37,6%, dự kiến giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 42,0%. Điều đó đã góp phần nâng tỷ trọng đóng góp trực tiếp của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo vào các ngành, lĩnh vực trọng điểm của nền kinh tế.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam đã đạt được những bước tiến vượt bậc, khẳng định tiềm năng và quyết tâm vươn mình mạnh mẽ trong việc phát triển công nghệ tiên tiến. Chỉ trong thời gian ngắn Việt Nam đã tạo được những bước đi ấn tượng trong việc hợp tác với các quốc gia, nền kinh tế như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Pháp, Ireland, Hà Lan và các tập đoàn công nghệ lớn như Google, Meta, Microsoft, NVIDIA, Apple, Marvell, Samsung... để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Việt Nam cũng được Hoa Kỳ chọn là một trong 6 quốc gia tham gia Đạo luật Chips để phát triển chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Hiện nay, đã có hơn 50 doanh nghiệp tham gia công đoạn thiết kế vi mạch, hơn 15 doanh nghiệp tham gia công đoạn đóng gói, kiểm thử vi mạch và sản xuất vật liệu, thiết bị bán dẫn hoạt động tại Việt Nam. FPT đã ra mắt sản phẩm chip trong ngành y tế, Viettel đã sản xuất chip phục vụ thiết bị 5G.
Lĩnh vực trí tuệ nhân tạo có nhiều tiềm năng để phát triển thành quốc gia hàng đầu khu vực về AI. Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tăng lên nhanh chóng cả về lượng và chất. Nhiều sản phẩm AI được tạo bởi người Việt Nam được đánh giá cao trong cộng đồng công nghệ thế giới. Các tập đoàn công nghệ lớn đang hình thành các trung tâm nghiên cứu và mở rộng hợp tác về trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam như NVIDIA, Microsoft, Meta, Google.
Các tập đoàn, doanh nghiệp lớn dần khẳng định vai trò tiên phong trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, chuyển giao, ứng dụng công nghệ, liên kết với các trường đại học, viện nghiên cứu, các trung tâm đổi mới sáng tạo và các doanh nghiệp nhỏ trong chuỗi cung ứng được các doanh nghiệp chú trọng và triển khai rộng khắp. Sự tham gia này không chỉ đến từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như NVIDIA, Samsung, Microsoft,... mà còn nhận được sự hưởng ứng tích cực của các doanh nghiệp trong nước như Viettel, FPT, VinGroup, Masan, CMC, Phenikaa...
Các trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp được hình thành và đi vào hoạt động bước đầu có những đóng góp tích cực cho nền kinh tế. Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia được Thủ tướng Chính phủ thành lập đã nhanh chóng khẳng định là hạt nhân quan trọng của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia và được cộng đồng trong và ngoài nước đánh giá là trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực. Các hoạt động về thu hút doanh nghiệp “đại bàng”, ươm tạo “kỳ lân” công nghệ liên tục được các trung tâm đổi mới sáng tạo triển khai, đặc biệt trong các lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, năng lượng mới, nhà máy thông minh, đô thị thông minh, an ninh mạng... với sự xuất hiện và mở rộng kinh doanh của Lam Research, NVIDIA, Marvell, Cadence, ARM, Meta, Google, Synopsys, AMD, Qorvo, Qualcomm....
Việt Nam là địa điểm lý tưởng cho nhiều sự kiện quốc tế quan trọng về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Các sự kiện thường niên về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp thu hút hơn 5.000 doanh nghiệp, quỹ đầu tư, tổ chức quốc tế và 50.000 doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu trong nước tham gia.
Số lượng quỹ đầu tư mạo hiểm trên thế giới có mặt tại Việt Nam đứng thứ 3 khu vực. Với tiềm năng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, dân số trẻ năng động và môi trường cho đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp ngày càng chuyên nghiệp, Việt Nam đã có sự tham gia và từng bước mở rộng danh mục đầu tư của khoảng 210 quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài như 500 Startups, Golden Gate Ventures, Sequoia, Greylock Ventures, Vertex venture, Gradient Ventures,..., đồng thời các quỹ nội địa Mekong Capital, CyberAgent Ventures, VinaCapital Ventures, IDG Ventures, ThinkZone và Do Ventures... cũng đang góp phần định hình hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong nước. So với các nước trong khu vực, Việt Nam giữ vị trí thứ ba về số lượng thương vụ đầu tư mạo hiểm, sau Indonesia và Singapore.
Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam liên tục được cải thiện, thuộc nhóm dẫn đầu trong các quốc gia thu nhập trung bình. Việt Nam ở nhóm đầu thế giới về sự cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), là quốc gia có 14 năm liên tiếp có sự nâng hạng về chỉ số này. Năm 2024, GII của Việt Nam đứng thứ 44/132 quốc gia, tăng 4 bậc so với năm 2022. Trong khi đó, Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam năm 2024 đứng thứ 56/100 quốc gia tăng 2 bậc so với năm 2023. Đà Nẵng lần đầu tiên lọt vào top 1.000 thành phố có chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp cao nhất trên toàn cầu với vị trí thứ 896, cùng với TP. Hồ Chí Minh (vị trí thứ 111) và Hà Nội (vị trí thứ 157).
Việt Nam xác định, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là nền tảng, điều kiện tiên quyết để phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao lợi thế cạnh tranh quốc gia, từng bước thu hẹp, bắt kịp, tiến cùng và vượt lên so với thế giới. Việt Nam hiện nay có khoảng hơn 240 trường đại học, trong đó gần 160 trường có chuyên ngành đào tạo về các ngành công nghệ kỹ thuật. Số lượng sinh viên Việt Nam mỗi năm theo học các ngành thuộc lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM) chiếm khoảng 27-29% tổng số sinh viên đại học, tương đương khoảng 560.000 - 600.000 sinh viên…
Gửi phản hồi
In bài viết