Từ “đơn đặt hàng” của nông dân
Đến thời điểm này, Tiến sĩ Vi Xuân Học, Phó Trưởng khoa Nông lâm ngư nghiệp, Trường Đại học Tân Trào là Tiến sĩ đầu tiên chuyên nghiên cứu về cây ăn quả của tỉnh.
Ngoài thời gian nghiên cứu, giảng dạy tại nhà trường, ông thường tranh thủ đến các vùng cây ăn quả của tỉnh để nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ chính người nông dân và nắm bắt nhu cầu của họ để tự đặt đề bài với chính mình.
3 năm trước, trong một lần đến xã Thái Bình (Yên Sơn), được người bạn dẫn đến thăm cây nhãn tổ ở thôn Hoắc, nay là thôn 9, người chủ vườn giới thiệu: Đây là giống nhãn chín sớm hơn so với nhãn chính vụ khoảng 20 ngày, nhưng với người trồng nhãn ở Thái Bình, đây vẫn không phải là lợi thế. Người chủ vườn, tên Phạm Văn Thơ vừa cười vừa đặt hàng: Ông là Tiến sĩ, ông phải nghiên cứu sao để cây nhãn Thái Bình ra quả sớm hơn nữa, thì nông dân Thái Bình mới giàu được.
Kiểm tra độ Brix (mật độ đường) của nhãn chín sớm.
Những tưởng đấy chỉ là câu chuyện vô thưởng vô phạt, nhưng “đơn đặt hàng” ấy của người nông dân ấy lại trở thành “mệnh lệnh” với Tiến sĩ Vi Xuân Học.
Gắn bó với nông lâm nghiệp nhiều năm, ông Học hiểu tính mới trong sản xuất nông nghiệp là cực kỳ quan trọng, và là bước đệm tạo lợi thế rất lớn trong việc nâng cao giá trị, tạo sức cạnh tranh trên thị trường. Ông Học bỏ tiền túi về vùng nhãn lồng Hưng Yên, học chính người nông dân nơi đây cách tạo ra những trái nhãn chín sớm hơn thời vụ từ 45 - 60 ngày.
Ông bảo, chuyến đi ấy có ý nghĩa rất lớn. Ông học được cách sử dụng KClO3 tưới cho cây, học cách dưỡng lộc thu và giữ hoa trong những ngày thời tiết bất thường.
Có kiến thức, ông về lại Thái Bình vận động người dân làm theo. Nhưng không ai… dám theo. Ngay cả người chủ vườn “đặt hàng” ông ngày nào cũng ngại mà từ chối khéo. Với người trồng nhãn ở Thái Bình, việc thuận theo tự nhiên đã là việc họ bám lấy cả đời. Hoa đến mùa hoa nở, trái đến kỳ trái đậu, giờ lại bắt cây nở hoa vào tiết trời đông, bắt cây dưỡng trái giữa những ngày mưa xuân ẩm ướt, là điều họ không chắc vào chính mình và không tin ngay cả khi ông Học là… Tiến sĩ.
Tiến sĩ Vi Xuân Học kiểm tra vườn nhãn của người dân.
Vị ngọt nhãn trái mùa
Ở Thái Bình, cuối tháng 5, những cây nhãn chính vụ đã cho trái bằng đầu đũa. Năm nay nhãn mất mùa, người trồng nhãn Thái Bình thở dài, nhưng giải thích rằng nhãn năm được năm mất là… điều bình thường.
Chỉ có người nông dân Vũ Đình Tâm, thôn 9, xã Thái Bình là không giấu được niềm vui. Là bởi hơn 40 gốc nhãn anh theo ông Học, “lái” ra quả chín sớm. Đúng ngày Rằm tháng 4 âm lịch, những trái nhãn nhà anh Tâm đã sáng bóng, giòn, ngọt đậm đà, được đưa ra thị trường.
Trong vườn nhà anh Tâm, có đủ loại cây ăn trái được anh tự tay chiết, ghép. Tiến sĩ Vi Xuân Học cười, trong lúc tìm kiếm người dám “chống” lại quy luật tự nhiên, thì ông được cán bộ xã giới thiệu đến nhà anh Tâm. Anh Tâm cười, mình là nông dân thôi nhưng cũng đam mê khoa học lắm, mình thích những thứ mới mẻ, giống cây mới, kỹ thuật mới… Cả khu vườn rộng đến cả ha được anh Tâm thỏa sức chiết, ghép, ươm cây. Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Thái Bình Nguyễn Tiến Đông cười giới thiệu: Đây là người có tay nghề chiết ghép cây giỏi nhất xã đấy!
Anh Tâm có 100 gốc nhãn chín sớm, được chiết ra từ chính cây nhãn tổ của gia đình ông Phạm Văn Thơ người “đặt hàng” ông Học. Biết ông Học là Tiến sĩ chuyên về cây ăn quả, anh Tâm tin ngay. 40 gốc nhãn đang đến kỳ cho thu hoạch được 2 người - 1 Tiến sĩ, 1 nông dân - cẩn thận tưới KClO3 cho từng gốc.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá chất lượng nhãn chín sớm.
Giờ khi những vườn nhãn quanh vùng mới cho quả nhỏ, thì anh Tâm đã có nhãn bán với giá hơn 50 nghìn đồng/kg, cao gấp 3 lần so với giá nhãn bán chính vụ. Độ Brix trong quả nhãn đạt trên 20% - chất lượng không kém gì so với nhãn chính vụ, trong khi độ sáng, bóng của quả có phần nhỉnh hơn.
Anh Tâm bảo, khó khăn nhất trong chăm sóc cây nhãn trái vụ là thời điểm cây ra hoa đậu quả đúng thời điểm độ ẩm không khí thấp, thời tiết trở rét, dơi và nhiều loại chim phá hoại… Vất vả hơn, mất thời gian với vườn cây nhiều hơn gấp đôi, gấp ba lần khi cây nhãn cho hoa quả chính vụ, nhưng khi được nếm những trái nhãn đầu tiên thơm mát, ngọt sắc, chất lượng còn có phần nhỉnh hơn nhãn chín chính vụ, anh Tâm bảo, công sức mình bỏ ra không vô ích.
Tiến sĩ Vi Xuân Học hiện đang thực hiện đề tài trồng cây dừa cạn tại xã Văn Phú (Sơn Dương), thành viên đề tài thụ phấn nhân tạo cho na ra quả trái vụ tại xã Lực Hành (Yên Sơn)… Mục tiêu của vị Tiến sĩ này, là nhân rộng những mô hình mới, cách làm hay, để giá trị nông sản của người nông dân Tuyên Quang có sức cạnh tranh và đạt giá trị kinh tế cao nhất.
Gửi phản hồi
In bài viết