Tiềm năng giàu có
Quận Tây Hồ nằm ở phía Tây Bắc của Hà Nội được xác định là trung tâm dịch vụ - du lịch, trung tâm văn hóa, là vùng bảo vệ cảnh quan thiên nhiên của Thủ đô. Quận Tây Hồ có hồ Tây với diện tích khoảng 526 ha, được đánh giá có cảnh quan thiên nhiên đẹp, nhiều làng nghề thủ công truyền thống.
Gần 40 đơn vị lữ hành khảo sát các điểm di tích, du lịch trên địa bàn quận Tây Hồ vào ngày 13-7. Ảnh: Hoàng Quyên
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Bùi Thị Lan Phương, quận Tây Hồ còn có hệ thống 71 di tích, trong đó có 42 di tích đã được xếp hạng và 29 di tích trong danh mục kiểm kê, quản lý. Nhiều di tích, danh thắng đang nằm trong các tour du lịch của Hà Nội, như: Hồ Tây, chùa Trấn Quốc, chùa Kim Liên, phủ Tây Hồ, chùa Vạn Niên... Đáng chú ý, chỉ tính riêng khu vực hồ Tây, hệ thống di tích lịch sử, văn hóa đậm đặc cùng cảnh sắc thiên nhiên đẹp trở thành điểm đến du lịch rất được du khách yêu thích, nhất là khách quốc tế.
Đánh giá tiềm năng, lợi thế của du lịch quận Tây Hồ, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho rằng, Tây Hồ là quận trung tâm của Thủ đô Hà Nội, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Ngoài việc sở hữu hệ thống di tích lịch sử, văn hóa giàu có, giá trị cảnh quan đẹp, quận Tây Hồ còn có lợi thế là hệ thống hạ tầng được thành phố quan tâm đầu tư.
Theo thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, quận Tây Hồ có 126 cơ sở lưu trú với 5.157 phòng, chiếm 3,4% tổng số cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố (trong đó có 2 khách sạn 5 sao, 1 khách sạn 4 sao) và hiện đang triển khai 4 dự án khách sạn 5 sao, 1 dự án khách sạn 3 sao. Quận Tây Hồ cũng nổi tiếng với nền ẩm thực đa dạng, độc đáo, tiêu biểu là các sản phẩm gắn với thương hiệu sen Tây Hồ.
Theo quy hoạch phát triển du lịch của thành phố, khu vực Hồ Tây sẽ có 12 loại hình dịch vụ được phép hoạt động. Đó là kinh doanh tàu du lịch, thuyền, xuồng canô, xe đạp nước trên hồ; vận chuyển hành khách bằng phương tiện thủy; dịch vụ bơi thuyền; hoạt động thuyền lướt ván; phát triển nhiều dịch vụ du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thể thao; biểu diễn nhạc nước; khinh khí cầu; bay dù lượn; kinh doanh sân tập golf nước trên hồ.
Định vị thương hiệu du lịch hồ Tây
Tại hội nghị, các đại biểu đã phân tích những lợi thế, hạn chế cũng như đưa ra những giải pháp giúp quận Tây Hồ phát triển du lịch hiệu quả.
Đa số các ý kiến cho rằng, quận Tây Hồ vẫn chưa khai thác được hết giá trị tiềm năng nên việc tăng nguồn thu cho du lịch chưa như kỳ vọng. Những bất cập hiện tại chủ yếu là hệ thống giao thông trên địa bàn còn hạn chế nên dẫn đến tình trạng dễ tắc đường khi diễn ra sự kiện lớn; thiếu những chỗ để xe lớn cho những đoàn khách đông; thiếu kết nối, liên kết giữa các điểm đến và đơn vị lữ hành; chưa có những tour du lịch điển hình, đặc trưng...
Theo Chủ tịch Hiệp hội Unesco thành phố Hà Nội Trương Minh Tiến, Tây Hồ có nhiều thương hiệu nổi tiếng trong nước và quốc tế như trà sen Tây Hồ. Vì thế, quận nên chú trọng vào công tác phát triển giá trị sen Tây Hồ phục vụ và đáp ứng nhu cầu của du khách. Việc tổ chức Lễ hội Sen năm nay là một bước tiến cần thiết, quận nên duy trì hằng năm.
Hiến kế cho du lịch Tây Hồ phát triển chuyên nghiệp, nhiều đại biểu cho rằng, quận nên tận dụng những lợi thế không gian ở hồ Tây để khai thác, phát triển sản phẩm.
Chi hội trưởng Chi hội Du lịch Xanh Việt Nam Phùng Quang Thắng cho rằng, đường quanh hồ Tây có thể trở thành con đường du lịch của Thủ đô. Do đó, quận cần quan tâm nhiều hơn đến việc cải tạo cảnh quan môi trường sạch, đẹp. Ngoài ra, ông Phùng Quang Thắng gợi ý quận Tây Hồ nên có dự báo xa trong quy hoạch các điểm đỗ xe để phục vụ các đoàn khách đông; đào tạo cho đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại điểm di tích văn hóa, lịch sử để hấp dẫn khách hơn khi tham quan.
Đồng quan điểm này, Phó Chủ tịch Chi hội Lữ hành Hà Nội Phạm Duy Nghĩa cho rằng, các di tích và doanh nghiệp lữ hành cần bắt tay chặt chẽ hơn để giới thiệu các điểm đến. Ngoài ra, quận Tây Hồ cần có thêm nhiều chính sách thu hút, mời gọi những doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế đầu tư sản phẩm, dịch vụ du lịch chất lượng cao.
Còn theo Viện trưởng Viện Phát triển Du lịch châu Á, Chủ tịch Hội Du lịch Cộng đồng Việt Nam Phạm Hải Quỳnh, với điều kiện hiện có, quận Tây Hồ có thể kết nối các hộ có nghề truyền thống, hộ kinh doanh, khu, điểm, ban quản lý các di tích trên địa bàn với các đơn vị lữ hành để xây dựng các sản phẩm city tour theo từng lựa chọn cho khách.
Trước những ý kiến đóng góp của các đại biểu, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Bùi Thị Lan Phương cho biết, quận đã xây dựng kế hoạch phát triển văn hóa, du lịch trên địa bàn để sớm hiện thực hóa việc đưa Tây Hồ trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của Thủ đô. Hiện Quận đang làm hồ sơ đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia cho nghề ướp trà sen Tây Hồ. Đồng thời, Tây Hồ đã có đề án mở rộng vùng trồng sen lên 25 ha và trồng sen quanh năm để du khách đến Tây Hồ từ tháng 1 đến tháng 12 đều có thể thưởng lãm vẻ đẹp, check-in với hoa sen, thưởng thức và mua sắm các sản phẩm từ sen.
Ở vai trò quản lý nhà nước về du lịch, Phó Giám đốc Sở Du lịch Trần Trung Hiếu cho biết, thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội sẽ cùng với UBND quận Tây Hồ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, triển khai các nhiệm vụ để nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, qua đó góp phần tạo nên những điểm sáng trong phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô.
Gửi phản hồi
In bài viết