Nhiều dự án có tầm
10 giờ sáng, công trường thi công dự án Flamingo Tân Trào, 5 mũi thi công với hàng trăm máy móc, phương tiện, công nhân đang dồn sức thực hiện từng phần việc cụ thể. Anh Trần Văn Hoàn, kỹ sư xây dựng chia sẻ, phương châm của đơn vị là làm đến đâu, xong gọn đó, nên công nhân mũi nào sẽ tập trung làm gọn mũi đó. Từ san ủi, xây lắp, kỹ thuật đều được triển khai cùng lúc, tránh việc phải chờ đợi. Những ngày nắng ráo thi công 3 ca để bù lại tiến độ ngày mưa.
Hiện nay, phần hạ tầng của dự án Flamingo Tân Trào đã thi công đạt 86%. Anh Nguyễn Quốc Tuấn, Giám đốc dự án Tập đoàn DELTA, Chỉ huy thi công dự án Flamingo Tân Trào cho biết, Tổng thầu DELTA đang tập trung nhân lực, vật lực thi công phần hạ tầng với quyết tâm xong trong tháng 5 -2023, đầu tháng 6 bước vào xây dựng phần thô các khu nhà shophouse và khách sạn mini.
Anh Thành cũng cho hay, bắt tay vào thực hiện xây dựng dự án Flamingo Tân Trào gặp một số khó khăn như: khan hiếm nguồn nhiên vật liệu, địa bàn khá xa thành phố lớn nên việc vận chuyển mất thời gian. Tuy nhiên, với kinh nghiệm của tổng thầu lớn thứ 4 trong nước và đã từng thi công công trình vincom Tuyên Quang, đơn vị đã kết nối được với các doanh nghiệp cung ứng vật liệu tốt nhất trên địa bàn tỉnh để thi công dự án.
Dự án Flamingo Tân Trào được phát triển theo mô hình điểm đón tiếp, nghỉ dưỡng, trải nghiệm văn hóa quy mô gần 25ha, tổng mức đầu tư 663 tỷ đồng với các công trình shophouse, homestay, cùng tổ hợp khách sạn tiêu chuẩn 4 sao với kiến trúc mang đậm bản sắc dân tộc, giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, hứa hẹn sẽ mang đến cho huyện Sơn Dương một diện mạo mới. Dự án sẽ có khoảng 2.000 phòng thu hút khách du lịch đến với Tuyên Quang suốt 4 mùa. Dự án được kỳ vọng góp phần nâng tầm thương hiệu du lịch tỉnh Tuyên Quang.
Một góc Dự án Flamingo Tân Trào (Sơn Dương) đang xây dựng.
Chia sẻ về dự án, ông Trần Trọng Bình, Chủ tịch HĐQT Flamingo Holding Group cho biết, chung tay cùng chính quyền tỉnh đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Tuyên Quang, Flamingo đặt mục tiêu phát triển bền vững cùng địa phương, góp phần đưa Tân Trào nói riêng, Tuyên Quang nói chung tiệm cận với những khu vực nổi tiếng về dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng trên cả nước. Với tiêu chí phát triển du lịch hiện đại nhưng luôn chú trọng bảo tồn di tích, gìn giữ tự nhiên, đơn vị cam kết sẽ tập trung mọi nguồn lực để triển khai dự án.
Từ năm 2021 đến hết tháng 4-2023, tỉnh đã thu hút được 23 dự án đầu tư, trong đó nhiều doanh nghiệp lớn đến đầu tư tại tỉnh với số vốn đăng ký trên 30.600 tỷ đồng đạt trên 60% kế hoạch của giai đoạn 2021-2025, trong đó có nhiều nhà đầu tư uy tín như Tập đoàn Vingroup, Công ty cổ phần Flamingo… nhiều công ty, tập đoàn lớn đầu tư triển khai dự án tại tỉnh như: Dự án Làng văn hóa du lịch tại xã Tân Trào, huyện Sơn Dương; Dự án nhà máy chế biến lâm sản xuất khẩu tại khu công nghiệp Long Bình An; Dự án du lịch lâm viên hồ Hoa Lũng của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang. Nhiều dự án có tổng mức đầu tư lớn được chấp thuận chủ trương đầu tư trên địa bàn tỉnh như: Sân golf và dự án khu biệt thự nghỉ dưỡng của Công ty cổ phần Golf Tuyên Quang, Sân golf của Vingroup, Nhà máy may công nghệ cao Tuyên Quang LGG 3 tại xã Thái Sơn, huyện Hàm Yên của Công ty cổ phần Tổng công ty may Tuyên Quang LGG.
Cùng với đó, tỉnh đã hỗ trợ các công ty, tập đoàn tìm hiểu, khảo sát môi trường đầu tư, kinh doanh tại tỉnh để triển khai thực hiện dự án tại tỉnh như: Tập đoàn Sun Group, Công ty Chung Hank F&C, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, Công ty Cổ phần hàng không Vietjet, Công ty KIDO Hàn Quốc, Công ty ATCREATION (Hàn Quốc), Công ty TNHH The Hyaku Jushi Bank của Nhật Bản; Tập đoàn EREX, Công ty JPE Engineering Corporation, Nhật Bản; Công ty TNHH Tập đoàn Á Châu ASIA GROUP...
Thu hút đầu tư chất lượng
Tỉnh phấn đấu giai đoạn 2021-2025, thu hút được khoảng 45.000 - 50.000 tỷ đồng, trong đó vốn FDI khoảng 15.000 - 20.000 tỷ đồng. Tập trung thu hút đầu tư theo hướng chọn lọc các dự án có chất lượng, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ cao, thân thiện với môi trường phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển chung của tỉnh, có số thu ngân sách lớn…
Để các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp mạnh đầu tư vào tỉnh, tỉnh đã thực hiện phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” và “lấy đầu tư công thu hút đầu tư” nên tỉnh đang nỗ lực đẩy nhanh các dự án giao thông trọng điểm, kết nối vùng như cao tốc Tuyên Quang- Phú Thọ kết nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai, cầu Xuân Vân (Yên Sơn), cầu Bạch Xa (Hàm Yên) và tới đây là khởi công xây dựng cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang. Cùng với hạ tầng giao thông, tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 325/QĐ-TTg ngày 30-3-2023.
Công nhân tổng thầu DELTA thi công bó vỉa Dự án Flamingo Tân Trào (Sơn Dương).
Theo quy hoạch, Tuyên Quang tập trung phát triển ba trụ cột kinh tế gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, đặc sản và kinh tế lâm nghiệp bền vững. Đồng thời hình thành 4 cực tăng trưởng gắn với tiềm năng thế mạnh vùng bao gồm: Cực tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ, du lịch và đô thị tại thành phố Tuyên Quang và phía Nam huyện Yên Sơn; cực tăng trưởng công nghiệp, đô thị, du lịch tại huyện Sơn Dương; cực tăng trưởng du lịch, nông nghiệp hàng hóa đặc sản, chất lượng cao tại huyện Na Hang và Lâm Bình; cực tăng trưởng công nghiệp và nông, lâm nghiệp tại khu vực huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa. Đây là “chìa khóa” mở ra cơ hội để tỉnh thu hút các dự án đầu tư.
Ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh cho biết, tỉnh tập trung thu hút đầu tư vào các đối tác có năng lực tài chính lớn, có bề dày kinh nghiệm như các tập đoàn, tổng công ty; các công ty có hệ thống kinh doanh trên cả nước; các doanh nghiệp đến từ các nền kinh tế phát triển, như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore.
Đối tác trọng tâm theo quốc gia, vùng lãnh thổ: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và các nhà đầu tư đến từ các nước có nền kinh tế phát triển, các nước sở hữu công nghệ thuộc nhóm G7 bao gồm: Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Ý, Anh; các nước có nền kinh tế mới nổi như: Ấn Độ, Nga, Brazil. Trên cơ sở này, Trung tâm xây dựng kế hoạch công tác xúc tiến đầu tư theo ngành, lĩnh vực, tập trung vào những sản phẩm nằm trong chuỗi giá trị hàng hóa có lợi thế, có tiềm năng đầu tư thành vùng hàng hóa tập trung của tỉnh như chuỗi giá trị cây công nghiệp cam, chè, mía, dược liệu, cây lâm nghiệp. Các sản phẩm du lịch lịch sử sinh thái, nghỉ dưỡng, tâm linh, các dự án công nghiệp chế biến sâu, dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật...
Các dự án đầu tư mới đang được xây dựng và chiến lược thu hút đầu tư bài bản, kỳ vọng sẽ đem lại “luồng gió mới” cho phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết