Từ tháng 11-1917, Toàn quyền Đông Dương đã gửi thư cho Thống sứ Bắc Kỳ về việc lập trường này với mục đích: “Nhập môn những phương pháp hợp lý về nông nghiệp cho những người chỉ ở trình độ tiểu học mà không thể trở thành kỹ sư nông nghiệp như học sinh các trường cao đẳng, nhưng có thể trở thành các nhà thực hành giỏi, các đốc công, các kỹ thuật viên nông nghiệp trợ tá hoặc chỉ là những nông dân giỏi tự làm”. Cũng trong năm 1917, Lơ Galăng, Thống sứ Bắc Kỳ cùng hai người chuyên trách lên Tuyên Quang chọn chỗ đặt trường. Họ quyết định Trường Nông nghiệp thực hành Tuyên Quang sẽ được đặt trong khuôn viên Trạm Canh nông, trên một vùng đồi khá cao để tránh nước lụt và ở đó đã có sẵn một nhà nuôi tằm xây gạch, sửa chữa làm ký túc xá cho học sinh.
Trường lúc đầu có 3 giáo viên (2 giáo sư Pháp: Giám đốc Trường Piđăngs Laroa và 1 thầy giáo người Việt tên là Chúc). Hai giáo sư Pháp dạy lý thuyết các chuyên khoa như: nông học, sinh vật học, sinh thái học... Còn thầy giáo Chúc dạy tiếng Pháp và toán học. Thống sứ Bắc Kỳ quyết định chiêu sinh và khai giảng vào ngày 15-4-1918 với 15 học sinh.
Trường Nông nghiệp thực hành ở Tuyên Quang. Ảnh: Sưu tầm
Ruộng đất canh tác của Tuyên Quang từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX đã tăng lên rõ rệt, mặc dù diện tích đất đai bị thu hẹp do việc thành lập thêm các tỉnh lân cận như Hà Giang, Yên Bái, Vinh Yên,...
1861: 12.766 mẫu
1882: 16.157 mẫu
1920: 42.149 mẫu
1930: 45.714 mẫu (16.934,8 ha).
Trong số ruộng đất trên có công điền làng xã tồn tại như sau:
1861: 90 mẫu (40 mẫu ruộng và 50 mẫu đất)
1930: 320 mẫu (tức 115 ha), chiếm 0,7% ruộng đất nói chung.
Như vậy, số lượng công điền cũng tăng gấp bốn lần. Đó chính là do chính sách củng cố ruộng đất công của chính quyền bảo hộ kể từ năm 1923. Tuy nhiên, so với các tỉnh đồng bằng và trung du khác thì công điền ở Tuyên Quang là ít nhất. Theo con số thống kê của người Pháp, xin trích dưới đây một vài tỉnh sắp xếp thứ tự từ nhiều đến ít công điền vào năm 1930:
- Nam Định: 135.163 mẫu = 48.658 ha (đã cày cấy) 3.842 mẫu = 1.383 ha (chưa cày cấy)
- Thái Bình: 106.881 mẫu = 38.477 ha (đã cày cấy) 6.860 mẫu = 2.469 ha (chưa cày cấy)
- Vĩnh Yên: 11.339 mẫu = 4.082 ha (đã cày cấy) 5.844 mẫu = 2.103 ha (chưa cày cấy)
- Phú Thọ: 9.851 mẫu = 3.546 ha (đã cày cấy) 6.782 mẫu = 2.411 ha (chưa cày cấy)
- Quảng Yên: 3.983 mẫu = 1.433 ha (đã cày cấy) 1.386 mẫu = 498 ha (chưa cày cấy)
- Yên Bái: 2.608 mẫu = 938 ha (đã cày cấy) 1.680 mẫu = 604 ha (chưa cày cấy)
- Tuyên Quang: 320 mẫu = 115 ha (đã cày cấy).
Như vậy, tuy công điền và công thổ Tuyên Quang ít nhất trong số mấy tỉnh kể trên, nhưng đều được canh tác hết, không bỏ hoang mẫu nào. Nhìn chung, nông nghiệp Tuyên Quang cũng giống như các tỉnh trung du khác. Theo Niên giám thống kê Đông Dương năm 1941-1942 thì diện tích canh tác, sản lượng thóc, năng suất và sản lượng tính theo đầu người của Tuyên Quang trong những năm 1942-1943 như sau:
Bản dự toán diện tích lúa, sản lượng thóc và năng suất các vụ của từng tỉnh trong những năm 1942-1943 toàn Bắc Kỳ
Qua bảng kê trên đây, có thể nhận ra tình hình nông nghiệp Tuyên Quang ở vị trí nào so với các tỉnh và toàn Bắc Kỳ. Về năng suất, Tuyên Quang khá thấp, chỉ cao hơn tỉnh Lạng Sơn thôi. Còn về sản lượng theo đầu người thì cao hơn các tỉnh Hải Ninh, Cao Bằng. Thực tế cho thấy nông nghiệp Tuyên Quang là không đáng kể trong tình hình chung ở trung du Bắc Kỳ.
Điều đáng chú ý là sự xuất hiện nhiều đồn điền của các điền chủ Pháp và Việt. Theo mật độ dân số đã dẫn ở trên thì Tuyên Quang là một tỉnh khá rộng lớn so với dân số trong tỉnh. Vì vậy, đất đai còn rất nhiều và đương nhiên chính quyền Pháp rất muốn chiêu đãi các chủ người Pháp trước hết rồi mới đến người Việt. Bởi vậy, họ đã có chính sách cấp, nhượng đất làm đồn điền ở nhiều tỉnh Bắc Kỳ trong đó có Tuyên Quang ngay từ những ngày đầu bảo hộ (Nghị định cho lập đồn điền từ năm 1888).
Án sát sứ Tuyên Quang năm 1920 cho biết: “Đồn điền thì có các ông cố Tây, các ông chủ Tây, tùy địa thế xin khai khẩn, đến hơn 10 đồn điền chiêu những dân nghèo dưới trung châu lên cầy cấy nhiều lắm, tựu trung có đồn điền thuốc lá Kim Xuyên phồn thịnh hơn cả”. Đó là tình hình năm 1920. Từ đó về sau, nhiều điền chủ khác xuất hiện, kể cả người Pháp, người Việt, số lượng các đồn điền cũng tăng giảm, các chủ đồn điền cũng thay đổi hoặc hoán vị do mua bán hoặc bị thu hồi... Theo một tài liệu tổng hợp, từ năm 1884 đến năm 1918, Tuyên Quang có 43 đồn điền được thiết lập; từ năm 1919 đến 1945, Tuyên Quang có 24 đồn điền được thiết lập. Dưới đây là các bản thống kê ở hai thời kỳ:
Số đồn điền được thiết lập, khai thác tại một số tỉnh ở Bắc Kỳ từ năm 1884 đến năm 1918
Số đồn điền được thiết lập theo quy chế nhượng đất chung tại một số tỉnh Bắc Kỳ từ năm 1919 đến năm 1945
Như vậy, số điền chủ người Việt đã ngày càng tăng lên so với điền chủ Pháp. Đó là do chính sách khẩn hoang dành cho những người bản xứ ban hành từ năm 1925 và có tác dụng từ sau những năm 1936-1938. Từ năm 1938, thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông Dương hoạt động mạnh, Công sứ Tuyên Quang đã đề nghị Thống sứ Bắc Kỳ cho lập các làng đồn điền, di dân vùng Nam Định, Thái Bình lên khai hoang do Chính phủ trợ cấp. Đồng thời hô hào các nhà giàu bỏ tiền mộ dân khai hoang lên làm ăn với những ưu đãi của Nhà nước. Chủ trương này giống như chính sách mộ dân lập ấp của triều Nguyễn ở Nam Kỳ hồi đầu thế kỷ XIX. Chính sách này được Thống sứ Bắc Kỳ cho thi hành tại các tỉnh miền núi khác như Yên Bái, Phú Thọ, Thái Nguyên... nhằm đưa dân Nam Định, Thái Bình lên khẩn hoang kể từ năm 1936.
Các đồn điền của các cha cố thường dùng giáo dân ở các tỉnh đồng bằng lên làm tá điền. Đồn điền của Giám mục Girô có tới 300 gia đình, 900 nhân khẩu. Các đồn điền khác ở Tuyên Quang đều sử dụng tá điền thuê mướn. Đồn điền công ty thuốc lá Đông Dương có tới 400 gia đình tá điền (1925) và nhiều người làm thuê. Đồn điền Ramông dùng 100% tá điền. Các đồn điền đã tạo ra một tầng lớp tá điền đông tới hàng nghìn người trong dân chúng tỉnh Tuyên Quang.
Gửi phản hồi
In bài viết