Truyền thống tương thân tương ái, đoàn kết của dân tộc ta, một dân tộc đã trải qua nhiều đau thương của chiến tranh vẫn luôn ngời sáng khi chúng ta đứng trước những khó khăn, thử thách, thiên tai… Và trong cơn bão Yagi, tinh thần sẻ chia, tương trợ lẫn nhau của dân tộc đã lan tỏa và làm ấm lòng mỗi người dân.
Đứng trước những khó khăn, chúng ta thường sợ hãi và nghĩ cho bản thân mình trước tiên, đôi khi và thậm chí, chúng ta bỏ qua nỗi sợ và khó khăn của người khác. Đó cũng là lẽ thường tình, vậy mà trong cơn bão Yagi, nhiều người đã xả thân mình, dang tay để sẻ chia và giúp đỡ những người xa lạ, những hoàn cảnh éo le để họ được an toàn.
Trước khi cơn bão Yagi đổ bộ, hình ảnh đẹp của những chiến sĩ bộ đội, công an, lực lượng dân quân gặt lúa, di chuyển nhà cửa để “chạy bão” giúp Dân tới nơi tránh trú an toàn được cộng đồng mạng chia sẻ, lan tỏa và nhận về sự ủng hộ cao của người dân. Theo dõi trên báo chí, nhiều nhà báo - đồng nghiệp của tôi cũng “lăn xả” đến những nơi cơn bão quần thảo mạnh nhất để kịp thời cập nhật thông tin nhanh nhất, chính xác nhất giúp người dân nắm bắt và kịp thời có biện pháp phòng tránh.
Rất nhiều cây xanh gãy đổ, tấm lợp, mái tôn, biển quảng cáo rơi, chắn ngang đường tại các đô thị nơi cơn bão tác động, lực lượng cảnh sát giao thông, phòng, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đã kịp thời xử lý phân luồng, cắt tỉa, dọn dẹp cây gãy đổ để bảo đảm an toàn cho người dân.
Hai ngày qua, khi cơn bão Yagi đổ bộ, trên mạng xã hội xuất hiện và lan truyền những clip ngắn ghi lại hình ảnh một hàng dài ô tô, xe tải, cỗ xe cứu hỏa dìu xe máy, chắn gió giúp đồng bào vượt bão khi điều khiển xe máy qua cầu Nhật Tân (Hà Nội), Tiên Lãng (Hải Phòng) được an toàn.
Nhiều người khi đi qua được cầu đã xúc động bày tỏ: “Nếu không có sự trợ giúp của những tài xế tốt bụng ấy, tôi không biết mình phải làm thế nào để có thể về tới nhà”. Trên các trang thông tin điện tử của Chính Phủ và các cơ quan thông tấn báo chí, nhiều dòng trạng thái của người dân bày tỏ: “Mình ở miền Nam, mong bà con ở miền Bắc và miền Trung bình an, mong bão nhanh đi qua để các lực lượng chức năng và Nhân dân đỡ vất vả”, “Miền Bắc cố lên mọi người ơi”…
Trước sự gồng mình để chống bão Yagi của nhiều tỉnh, thành miền Bắc, TP Hồ Chí Minh cũng xây dựng kế hoạch sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ Hà Nội và những địa phương vùng tâm bão.
Một người nhà của tôi ở Hải Dương gọi điện thông báo trước khi cơn bão Yagi đổ bộ cũng đã được đồng chí bí thư chi bộ, bà con lối xóm di chuyển đồ đạc, tài sản đến nhà đồng chí bí thư chi bộ để ở tránh bão, bởi trước ngôi nhà của bà có một hàng cây to trong khi ngôi nhà đã cũ và có dấu hiệu xuống cấp.
Tại nơi tôi sinh sống, nhiều nơi, cấp ủy, chính quyền, lực lượng công an, bộ đội, dân quân đã nhanh chóng huy động lực lượng giúp đỡ nhiều hộ dân tiến hành gia cố nhà cửa, chằng néo nhà bè và giúp đỡ những hộ có người già, trẻ nhỏ đến nơi tránh trú an toàn.
Trong bão, những hành động nghĩa hiệp, ấm áp tình người cũng đã làm lay động chúng ta. Đó là tấm lòng của một người dân ở Hà Nội sẵn sàng dọn dẹp căn hộ chung cư hàng tỷ đồng không ở đến để làm nơi tránh bão cho nhiều người hay tấm lòng của đôi vợ chồng người Hà Nội tự bỏ tiền túi của mình thuê taxi cho những sinh viên, người nghèo sống trong nhà trọ ọp ẹp đến trú ẩn tại ngôi nhà của mình…
Cơn bão nào rồi cũng đi qua nhưng tình người sẽ vẫn còn mãi. Bão đến không chỉ dạy chúng ta kinh nghiệm, bài học về cách ứng xử với thiên nhiên, cách phòng, tránh bão mà còn cho chúng ta cảm nhận được cách ứng xử giữa con người với con người với nhau. Chỉ khi chúng ta đoàn kết, tương trợ, vai kề vai bên nhau mới có thể hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản và cùng nhau đi qua cơn bão an toàn…
Gửi phản hồi
In bài viết