Người xưa kể lại rằng, đánh yến có nguồn gốc từ câu chuyện về một chàng trai ở “Mường trời”. Trong một chuyến du xuân xuống hạ giới, chàng trai đã phải lòng một cô gái và mỗi khi uống rượu say, chàng lại rủ người yêu của mình đánh yến để giã rượu. Bởi vậy, yến ban đầu được đánh bằng tay, ngày nay thường được đánh bằng vợt gỗ; ban đầu chỉ có hai người nam, nữ chơi đánh yến, dần dần có thể chơi nhiều người.
Người dân xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình chơi đánh yến.
Nghệ nhân Ưu tú Ma Văn Đức, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) chia sẻ, đánh yến không chỉ là trò chơi truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, mà còn là một phương thức để chàng trai, cô gái giao duyên, thể hiện tình cảm. Qua đó cũng thể hiện sự khéo léo của người chơi.
Quả yến được làm từ những vật liệu quen thuộc với cuộc sống hằng ngày của đồng bào như: Tre, nứa, lá chuối, lông gà... Trò đánh yến gần giống như trò chơi cầu lông, quả yến được làm bằng tre, giữa đế nối một ống trúc ngắn cắm vài chiếc lông gà. Đặc biệt, để làm một quả yến đẹp, ngoài vật liệu phải được lựa chọn cẩn thận thì người làm cần có sự khéo léo để có thể tạo cho quả yến khi đánh lên không trung có thể bay xa hay gần, phù hợp với người chơi.
Ngày nay, chơi đánh Yến có thể bằng nhiều hình thức, chơi tập thể đông người, hoặc chia 2 đội để thi đấu với nhau. Nếu chơi tập thể thì cả nam, nữ đứng thành vòng tròn trên một bãi đất bằng phẳng có độ rộng tương đối, người chơi cứ truyền cho nhau quả yến, làm sao để yến không bị rơi. Khi thi đấu thì chia thành đội, mỗi đội đứng 1 bên đánh yến sang cho nhau, bên nào để quả yến rơi xuống đất nhiều sẽ là đội thua.
Anh Hoả Đức Phủ, dân tộc Tày, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) cho biết, trong những ngày xuân, bà con trong thôn, xã thường tổ chức chơi ném còn, đánh yến, đánh quay… Trò chơi đánh yến thường được chia thành hai đội gồm cả nam và nữ, mỗi đội có 4 người. Đặc biệt, ở giữa còn được dựng một cột tre cao tầm 2,2m, bên trên là một vòng tròn, người chơi đánh qua vòng tròn đó để cầu may mắn, cầu phúc, cầu tài, cầu lộc, cầu sức khoẻ và bình an cho năm mới.
Chiếc vợt để đánh yến được làm bằng gỗ mềm và nhẹ, to hơn vợt bóng bàn một chút. Khi chơi, người chơi phải sử dụng sự khéo léo của cổ tay và sự di chuyển hợp lý để đánh quả yến sang bên đối phương. Ngược lại, đối phương cần đoán đúng điểm rơi để có thể đánh quả yến lại cho bên kia. Cứ như vậy, tạo không khí sôi nổi, vui tươi trong những ngày Tết.
Trò chơi đánh yến có khi thu hút sự tham gia của vài chục đến hàng trăm người trong không khí vui tươi của ngày xuân. Qua đó thể hiện tinh thần đoàn kết, tạo sự gắn bó, gần gũi trong cộng đồng.
Gửi phản hồi
In bài viết