Những câu chuyện rưng rưng xúc động
Chương trình gồm 2 phần: Những ký ức chiến trường, đóng góp của Tuyên Quang- Thủ đô kháng chiến với chiến thắng Điện Biên Phủ và phát huy tinh thần Điện Biên hôm nay.
Mở đầu là thước phim lịch sử tư liệu quý giá “Quyết định lịch sử”. Thước phim phản chiếu quyết định của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Thực tế đã chứng minh, đây là quyết định có ý nghĩa lịch sử to lớn, thể hiện tầm nhìn chiến lược đúng đắn, sáng suốt của Đảng.
Hoà chung cảm xúc những bài hát đi cùng năm tháng như: Hò kéo pháo, Qua miền Tây Bắc, Giải phóng Điện Biên… khán giả được sống lại năm tháng hào hùng cùng với câu chuyện về lịch sử, về lòng dũng cảm, tinh thần chiến đấu quả cảm của quân và dân ta.
Cuộc trò chuyện với chiến sỹ Điện Biên, dân công hoả tuyến tại chương trình.
Những kỷ niệm chiến trường được ông Đỗ Tiến, ông Hoàng Minh Cần là chiến sỹ Điện Biên; bà Đặng Thị Phòng là dân công hỏa tuyến tham gia vận chuyển lương thực cho quân đội ta tại chiến trường Điện Biên Phủ tham gia tọa đàm tại chương trình đã làm lay động trái tim của bao người có mặt tại hội trường và khán giả trực tiếp theo dõi trên Báo Tuyên Quang online và các nền tảng của báo.
Cựu chiến binh Đỗ Tiến năm nay 91 tuổi, gương mặt hiền hậu, nhắc đến Điện Biên là bao ký ức trong ông ùa về. Ông kể những câu chuyện, những kỷ niệm nơi chiến trường bằng tất thảy niềm tự hào. Khán giả như được sống lại trong hồi ức đó.
Đó là câu chuyện về Trung đoàn pháo cao xạ 367 với những chiến tích bắn rơi máy bay; ký ức sâu đậm của ông trong thời gian tham gia chiến dịch; câu chuyện về sự hy sinh anh dũng của khẩu đội trưởng Tô Vĩnh Diện... Mắt ông rưng rưng rồi nghẹn ngào nói: “Vinh dự tự hào lắm khi cùng đồng đội trải qua bao gian khó, anh dũng chiến đấu làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ”.
Bằng giọng kể hào sảng, chiến sỹ Điện Biên Hoàng Minh Cần, người con dân tộc Cao Lan ở xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) đã tái hiện sinh động hành trình ông cùng đồng đội chiến đấu trong những năm tháng đầy cam go và oai hùng đó.
Ông tự hào kể về tinh thần quyết chiến quyết thắng của lính bộ binh- những chiến sỹ trực tiếp đánh chiếm cứ điểm đồi A1. Đặc biệt hành trình ông cùng đồng đội tạo nên khối bộc phá 1 tấn giáng vào cứ điểm vững chắc của giặc Pháp làm cho chúng sụp đổ, bộ đội ta nhân thời cơ tổng tấn công. Tất cả như một sự kỳ diệu làm nên chiến thắng vĩ đại của quân và dân ta.
“Có những bữa cơm anh em ngồi với nhau, chuẩn bị ăn rồi thế nhưng bọn giặc Pháp thả bom xuống, đau xót lắm! Một số anh em hy sinh, ăn thế nào được nữa, lòng căm thù giặc cứ chồng chất, biến thành hành động. Lúc tôi đi chiến đấu là cô gái mới 17 tuổi, mẹ tôi bảo ít tuổi thế có ai cho đi không, tôi bảo, nếu chúng con không đi thì ai giữ nước, mẹ tôi cười động viên con nhưng nước mắt bà cứ trào ra. Chúng tôi đánh với tinh thần dù hy sinh cũng phải đánh, vào đến đấy rồi, chúng ta không đánh nó thì nó cũng đánh mình…”. Đó là những lời chia sẻ đầy xúc động, chân thực của dân công hoả tuyến Đặng Thị Phòng tại chương trình.
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú - THPT tỉnh chăm chú theo dõi chương trình.
Nhiều đoàn viên, thanh niên có mặt tại khán phòng bày tỏ sự cảm phục về tinh thần quả cảm của thế hệ cha ông. Em Ma Phúc Minh Quân, lớp 11B, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh chia sẻ: “Thật sự xúc động khi chúng em được lắng nghe những câu chuyện mà chính những người trong cuộc kể lại. Chúng em càng thấy được trách nhiệm của tuổi trẻ hôm nay phải nỗ lực nhiều hơn trong học tập, rèn luyện để sau này xứng đáng là chủ nhân của đất nước, xứng đáng với những gì cha ông đã hy sinh vì nước non này".
Sau mỗi câu chuyện được các ông, các bà kể lại là niềm xúc động, rưng rưng xen lẫn những tràng pháo tay đầy cảm phục.
Dư âm còn mãi…
Phần 2 của chương trình với sự tham gia của cựu thanh niên xung phong Nông Kim Đại, xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên; Đại tá Nguyễn Thành An, Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh; chị Dương Minh Nguyệt, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Tỉnh đoàn.
Cũng theo dòng hồi ức Điện Biên lịch sử, cựu thanh niên xung phong Nông Kim Đại tiếp tục đưa chúng ta trở lại với khí thế hào hùng của đội thanh niên xung phong những tháng năm hoa lửa ấy. “Lúc đó 18 tuổi tôi viết đơn tình nguyện đi thanh niên xung phong. Anh em chúng tôi ra chiến trường với tinh thần xung phong mọi việc, không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, là lực lượng chủ lực sát cánh với bộ đội có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ nhất, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng". Ông Đại xúc động hồi tưởng lại.
Với lối dẫn dắt khéo léo, MC Thu Hằng và Minh Hoàng đã khơi gợi cảm xúc cho các vị khách mời. Tại chương trình, khán giả được nghe chia sẻ của lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh, Tỉnh đoàn về trách nhiệm của lực lượng vũ trang tỉnh và thế hệ đoàn viên thanh niên thực hiện nhiệm vụ mới, viết tiếp trang sử vàng của dân tộc.
Có thể thấy tiếp nối những thành công từ các chương trình Gala, Chương trình Chính luận nghệ thuật Ký ức Điện Biên của Báo Tuyên Quang đã tạo một dấu ấn đặc biệt. Đó là sự hoà quyện đầy sâu lắng giữa kiến thức, câu chuyện lịch sử với những thước phim, tiết mục văn nghệ đặc sắc, chuyên nghiệp tạo nên một dòng cảm xúc, dư vị không thể nào quên.
Trung uý Hà Tiến Dũng, Bộ CHQS tỉnh cho biết: “Tôi cùng anh em trong đơn vị đến dự chương trình. Quả thực rất ấn tượng, qua những nhân chứng lịch sử, chương trình đã tái hiện lịch sử qua cách thể hiện nhẹ nhàng, dễ tiếp thu, dễ đi vào lòng người”.
Còn em Trần Đỗ Mai Hương, lớp 10B, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh chia sẻ: “Với em đây là tiết học lịch sử bổ ích, ý nghĩa sinh động. Em sẽ không thể nào quên câu chuyện mà các ông, bà đã kể lại. Sau chương trình này em đã có một bài review trên Facebook cá nhân bày tỏ sự yêu thích và xúc động khi được xem chương trình này”.
Đối với những khán giả xem trực tiếp trên điện thoại thông minh đã bày tỏ sự xúc động, biết ơn trước những đóng góp to lớn của các chiễn sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, công dân hỏa tuyến từng tham gia chiến dịch. Khán giả bày tỏ cảm ơn Báo Tuyên Quang đã tổ chức chương trình đầy ắp ý nghĩa này, thể hiện trách nhiệm của người làm báo với những sự kiện trọng đại của quê hương, đất nước, giúp người xem trân trọng giá trị lịch sử, tỏ lòng biết ơn sâu sắc với cha ông ta vì nền độc lập của nước nhà.
Chị Nguyễn Thu Thảo, tổ 12, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang )xúc động nói, qua những câu chuyện của các nhân chứng, chị và người thân trong gia đình không kìm được xúc động, nước mắt cứ trào ra trước tinh thần đấu tranh bất khuất của người lính, không chùn bước trước mũi tên súng đạn tàn khốc của kẻ thù. Qua chương trình là bài học về lịch sử, giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay sẵn sàng vì sự bình yên của quê hương, đất nước. Chương trình là thước phim sống động giúp người xem tự hào về truyền thống dân tộc, non sông, đất nước này.
Tiết mục hát múa “Qua miền Tây Bắc” ngân vang, Chương trình Chính luận nghệ thuật “Ký ức Điện Biên” của Báo Tuyên Quang khép lại để lại ấn tượng, dư âm tốt đẹp trong lòng mỗi khán giả.
Gửi phản hồi
In bài viết