Năm 2019, thôn được sáp nhập từ thôn Tỉnh Quang và Đèo Bụt thành thôn Trung Thành với 175 hộ, 621 nhân khẩu, 5 dân tộc cùng chung sống. Để giữ vững danh hiệu Thôn văn hóa nhiều năm qua, cấp ủy chính quyền thôn đã triển khai, thu hút nhân dân tích cực hưởng ứng thực hiện 5 nội dung và 20 tiêu chí của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
Đồng chí Nguyễn Huy Toàn, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn cho biết, để các phong trào thi đua đi vào cuộc sống của bà con nhân dân, trước tiên phải chăm lo đến phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Với phương châm này, thôn đã có cách làm khác so với các thôn trong và ngoài địa phương. Từ nguồn kinh phí kêu gọi vận động được, mỗi năm thôn cùng với Chi hội Nông dân thôn phối Hội Nông dân xã mở các lớp dạy nghề về trồng trọt và chăn nuôi cho hội viên. Vì vậy việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng cây, con giống trong chăn nuôi, trồng trọt đã trở thành công việc thường xuyên, quen thuộc với người dân, từ đó năng suất, chất lượng cây trồng, con vật nuôi luôn được nâng lên. Năm 2021 khi UBND xã bắt đầu triển khai liên kết với doanh nghiệp sản xuất dưa chuột, thôn mạnh dạn đăng ký làm 3,9 ha. Nhờ áp dụng tốt khoa học kỹ thuật vào trồng dưa nên nhiều hộ thu nhập khá, giàu từ trồng dưa như hộ ông Nguyễn Văn Dũng có 5 sào, thu nhập trên 80 triệu đồng/năm; ông Nông Văn Bảy có 4 sào, thu nhập trên 60 triệu đồng/năm.
Một mô hình bán hàng tạp hóa và trồng rừng của thôn Trung Thành, xã Phú Thịnh (Yên Sơn).
Trong phát triển kinh tế rừng, thôn có 10 hộ trồng rừng với diện tích từ 3 - 10 ha; 12 hộ phát triển dịch vụ xay xát, cày bừa, máy gặt lúa, kinh doanh hàng tạp hóa, vật liệu xây dựng; 30 công nhân đi làm việc tại các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh...
Anh Tạ Kim Vũ, thôn Trung Thành cho biết, thôn phát động phong trào về phát triển kinh tế, anh cũng nhạy bén, đổi mới tư duy, đưa loại cây keo lai vào trồng rừng. Hiện nay gia đình có 6 ha rừng và một cửa hàng tạp hóa phục vụ bà con trong thôn, xã, mỗi năm thu nhập được trên 100 triệu đồng. Còn với ông Trần Mạnh Hùng, kinh doanh gỗ bóc, thuê 10 lao động địa phương với mức lương từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng, mỗi năm trừ chi phí ông thu về được 200 triệu đồng.
Đời sống vật chất của bà con trong thôn không ngừng cải thiện, thu nhập bình quân đạt 40 triệu đồng/người/năm; 78% hộ gia đình có mức thu nhập khá và giàu; trên 60% hộ có nhà cao tầng, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt; thôn không còn hộ nhà ở dột nát, còn 12 hộ nghèo, cận nghèo là các hộ gia đình già cả neo đơn.
Kinh tế phát triển, tạo động lực để người dân tham gia các phong trào do thôn, xã vận động, đặc biệt nâng cao đời sống tinh thần, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Bà Nguyễn Thị Hà, Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn nói, phương châm “cán bộ nào, phong trào ấy”, vì vậy đội ngũ cán bộ cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể thôn luôn là những người xông xáo, đi đầu để nhân dân theo sau thực hiện. Hơn thế nữa công tác tài chính luôn phải công khai, minh bạch để tạo được lòng tin trong nhân dân, khi người dân thấy được lợi ích của mình trong mỗi phong trào mà thôn phát động thì bà con tự giác ủng hộ, tham gia. Trong xây dựng nông thôn mới, thôn đã vận động nhân dân đóng góp trên 250 triệu đồng mua vật liệu, thuê máy móc để làm đường bê tông; vận động 27 hộ gia đình hiến trên 1.500 m2 đất, đóng góp hàng trăm ngày công lao động giải phóng mặt bằng, thi công tuyến đường mẫu và đường nội đồng; xây dựng 5,4 km đường điện thắp sáng đường quê; vận động nhân dân đóng trên 120 triệu đồng xây dựng nhà văn hóa, mỗi hộ dân tự nguyện đóng 10 - 13 ngày công lao động phát dọn vệ sinh, đường làng ngõ xóm, làm đẹp diện mạo làng quê. Thôn thành lập tổ hiếu sẵn sàng hỗ trợ gia đình có đám hiếu, tổ chức tang lễ; thành lập tổ tự quản an ninh trật tự... Từ năm 2015 đến năm 2022, thôn 8 năm liền đạt danh hiệu Thôn văn hóa, 95% hộ gia đình đạt gia đình văn hóa.
Cùng với đó phong trào văn hóa, thể thao được thôn đặc biệt quan tâm, đến nay thôn có 3 CLB gồm: CLB Bóng chuyền nam, nữ; CLB Dân vũ; CLB gia đình hạnh phúc. Vào mỗi buổi chiều các CLB lại tập trung tại nhà văn hóa, giao lưu dân vũ, tập thể thao. Chị Nguyễn Thị Vân, thành viên CLB dân vũ nói, mỗi buổi tối từ 19 giờ chị và các thành viên trong CLB có mặt tại nhà văn hóa thôn, bật những điệu nhạc sôi động và cùng hướng dẫn nhau những động tác thể dục kết hợp. Tham gia vào CLB chị thấy mình có sức khỏe tốt, tinh thần thoải mái, mọi người cùng nhau chia sẻ công việc, gia đình ai cũng thêm gắn bó, gần gũi nhau.
Những thành quả mà thôn Trung Thành, xã Phú Thịnh đạt được trong xây dựng thôn văn hóa khu dân cư, là động lực để phấn đấu xây dựng thôn nông thôn mới nâng cao và thôn kiểu mẫu giai đoạn 2025 - 2030.
Gửi phản hồi
In bài viết