Từ một bức ảnh, nghĩ về nếp nhà

- Trong trăm ngàn tấm ảnh về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi đặc biệt ấn tượng về tấm ảnh bác Trọng cùng vợ (bà Ngô Thị Mận) và hai cháu nội gói bánh chưng tại nhà riêng vào Tết Nguyên đán năm 2019. Tấm ảnh chân thực về cuộc sống bình dị của vị lãnh tụ kính yêu của chúng ta gợi bao nhiêu cảm xúc và suy ngẫm.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng gia đình gói bánh chưng tại nhà riêng dịp Tết Nguyên đán 2019.

Hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với mái tóc trắng, trong bộ quần áo thường ngày ở nhà, đang gói bánh chưng bên người vợ tảo tần khẽ mỉm cười hạnh phúc và hai đứa cháu chăm chú xem ông bà gói bánh. Không gian là một góc bếp đơn sơ, có phần chật chội. Bên trái là nơi làm bếp với những đồ vật vô cùng bình dị. Bên phải là đoạn tường đã ngả màu thời gian và quyển lịch đang dừng vào thứ 6, ngày mùng 1 dương lịch, 27 âm lịch.

Bức ảnh được chụp hết sức tự nhiên, không bày biện, không sắp đặt, không tạo cảnh. Một bức ảnh khác xa trong sự hình dung của mọi người về không gian, về cuộc sinh hoạt đời thường của một vị Chủ tịch nước. Nhưng đó lại là một bức tranh gần gụi, thân thuộc như gia phong, nếp nhà của bao gia đình Việt Nam trong ngày giáp Tết. Vì thế, sự bình dị ấy trở nên rất đỗi thiêng liêng, sâu sắc.

Và nếu có thể, tôi xin mạn phép, thành tâm đặt tên bức ảnh ấy là “Nếp nhà”. Có lẽ, ngôn ngữ ngoài lời bức ảnh đó là thông điệp, là khát vọng của đồng chí Tổng Bí thư về một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Sau này, tháng 6/2024, được sự cho phép của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lần đầu tiên bức ảnh công bố trong cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật).

Căn phòng làm việc giản dị của Tổng Bí thư.

“Nếp nhà” ấy là tôn trọng và duy trì nét đẹp văn hóa truyền thống cha ông, là lối sống giản dị, thanh liêm, nền nã, khiêm cung của gia đình. Các thành viên trong gia đình ông được giáo dục, nuôi dưỡng và thấm nhuần gia phong tốt đẹp ấy. Ngày hôm qua, trong giờ phút tiễn biệt người cha, người chồng kính yêu của mình, những người ruột thịt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thật giản dị, khiêm cung. Lặng lẽ, nghiêm cẩn mà thiêng liêng, xúc động.

Bà Ngô Thị Mận, vẫn cố gắng gượng, nén nỗi đau chia lìa, đứng hàng giờ đồng hồ đáp lễ mọi người. Người con trai của ông nén tiếc thương, không rời mẹ nửa bước, nâng đỡ, vỗ về, an ủi mẹ. Lời đáp từ của anh thật dung dị, chân thành, xúc động và rất mực khuôn phép, tôn ti, thuần phong. Ngay từ trong cách xưng hô không màu sắc quan phương: “cháu” “chúng cháu”, “bố chúng cháu”, “mẹ cháu” “Bố chúng cháu không còn nữa mang đến nỗi đau sâu sắc đối với gia đình, nhất là mẹ cháu”; “Mẹ cháu và toàn thể gia đình xin bày tỏ lòng sự trân trọng và lòng biết ơn sâu sắc, chân thành nhất”. Hành động trong phút giây cuối cùng đưa bố về với Đất Mẹ, cô con gái của ông cùng con cháu thu dọn, gom và rắc từng cánh hoa cúc còn vương bên huyệt mộ xuống dưới mộ cũng là kết quả của nền giáo dục gia đình nền nếp. 

Lối sống nền nếp, giản dị, khiêm cung của những người thân trong gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có cội gốc từ cách sống trọng đạo đức, danh dự, giản dị, thanh liêm, khiêm cung của ông. Con cháu của ông được nuôi dưỡng, rèn cặp bởi gia phong mà ông bà đã xây dựng. Lối sống cần kiệm, liêm chính, thanh bạch của ông bà là tấm gương để con cháu nhìn vào đó mà trau mình. Mộc mạc, chân thành, giản dị, cần kiệm từ lời ăn tiếng nói đến lối sống. Từ tấm áo cũ hơn 10 năm, sờn tay ông vẫn mặc đi làm, từ góc bếp nhỏ đơn sơ, bình dị, từ ngôi nhà 25m2 gia đình ông với 5 thành viên từng sống suốt 10 năm... đến cỗ linh cữu bằng gỗ mộc, không sơn son thếp vàng, khi từ giã cõi tạm, biết bao người sững sờ, thổn thức. Tuyên ngôn sống của ông “Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa, để không phải xót xa ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ; tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!” (Lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính năm 2021), có lẽ, trước hết chính là phép “tu thân”. Và suốt một đời ông đã sống như thế, đã tạo nền tảng để có một gia đình thuận hòa, yên ấm, một gia phong, nếp nhà tốt lành. 

Căn hộ 25 mét vuông của gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi Tổng Bí thư còn công tác ở Tạp chí Cộng sản (Ảnh: Việt Khôi)

“Tu thân, tề gia” hai yếu tố tiền đề trong tư tưởng học thuyết của Nho giáo - một hệ thống đạo đức, triết lý và tôn giáo do Khổng Tử phát triển để xây dựng một xã hội thịnh trị. Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn chú trọng đến hai yếu tố này. Đã hơn một lần, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng khuyên nhủ cán bộ: “Bản thân mỗi đồng chí và cả gia đình, vợ, con, phải giữ gìn sự trong sạch rồi mới chống tham nhũng được, nếu không, nói chẳng ai nghe, tay đã nhúng chàm thì không thể làm gì khác được”. Thậm chí, có lần trong cuộc họp về phòng, chống tham nhũng gần đây phát biểu: “Ông không dạy bảo được vợ con thì ông nói được ai, giáo dục được ai?”. 

Muốn “trị quốc, bình thiên hạ”, trước hết phải tu thân và tề gia. Trong sách Đại học, Khổng Tử viết: “Thời cổ đại, phàm những thánh nhân muốn phát huy tính thiện của con người đến khắp thiên hạ (bình thiên hạ), trước phải lãnh đạo tốt nước mình, bang mình (trị quốc). Muốn lãnh đạo tốt nước mình, bang mình, trước hết cần chỉnh đốn tốt gia đình, gia tộc mình (tề gia). Muốn chỉnh đốn tốt gia đình, gia tộc mình, trước hết phải làm cho tâm tư của mình ngay thẳng (chính tâm), đoan chính”. Có “tu thân” thì mới làm gương được cho gia đình, dạy bảo người trong nhà mới nghe theo, tức là “tề gia”. Gia đình là đơn vị nhỏ phải “tề” được thì mới mong trị  được nước “trị quốc”, trị được nước với chính sách đạo đức nhân nghĩa thì mới làm cho dân chúng được thái bình “bình thiên hạ”.
Phút cuối từ biệt người thân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trao gửi lại con cháu và người thân nụ cười hạnh phúc. Bởi Người tin rằng nếp nhà, gia phong mà hai ông bà đã dày công xây dựng sẽ được con cháu của mình duy trì bền lâu.
Ngày tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về với thế giới người hiền, khắp nẻo Hà thành, hàng ngàn người dân đứng dọc phố giữa trời nắng thiêu, hô vang “bác Trọng muôn năm” và triệu trái tim Việt Nam cùng bè bạn năm châu cùng hướng về anh linh vĩ đại của vị lãnh tụ lỗi lạc của dân tộc Việt Nam với một niềm yêu kính. Đó chính là câu trả lời khách quan nhất, sinh động nhất và chân thực nhất về sứ mệnh “trị quốc, bình thiên hạ” của ông. 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Phương Thái

Đại học Khoa học Thái Nguyên        

Tin cùng chuyên mục