Lễ chào cờ đầu tiên của các đơn vị về tiếp quản Thủ đô diễn ra lúc 15 giờ ngày 10/10/1954 (Ảnh tư liệu TTXVN)
Tuyên Quang, vùng đất nằm giữa núi rừng Việt Bắc, không chỉ là một địa danh trên bản đồ mà đã trở thành “Thủ đô kháng chiến” trong những năm tháng cam go nhất của cuộc kháng chiến chống Pháp. Suốt một dải đất trải dài từ Sơn Dương, Yên Sơn, thành phố Tuyên Quang đến Chiêm Hóa... là nơi đặt trụ sở của các cơ quan trọng yếu của Đảng, Quốc Hội, Chính Phủ, Mặt trận, các đoàn thể và các cơ quan kháng chiến. Dưới những cánh rừng đại ngàn, trùng điệp, nhiều sự kiện trọng đại của Đảng và hệ thống chính trị đã diễn ra, ban hành những chủ trương, đường lối, chiến lược, sách lược quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện của dân tộc ta.
Nhân dân Thủ đô kháng chiến đã mở rộng vòng tay, bảo vệ và nuôi dưỡng các cán bộ, chiến sĩ cách mạng và người dân Hà Nội, các tỉnh lên tản cư. Từng ngọn đồi, con suối, từng con đường mòn trên mảnh đất Tuyên Quang đều in dấu chân của Bác Hồ, các đồng chí cán bộ cấp cao của Đảng cùng đông đảo chiến sĩ và cán bộ cách mạng. Tình cảm nhân dân nơi đây dành cho cách mạng không chỉ là lòng thủy chung son sắt, mà còn là sự đồng lòng và chung sức trong cuộc chiến đấu gian khổ chống thực dân xâm lược.
Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành thắng lợi, ngày 10 tháng 10 năm 1954, đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Đó là một ngày lịch sử, ngày mà lòng tự hào và khát vọng độc lập của cả dân tộc được thắp sáng. Các cơ quan đầu não của Đảng, Quốc Hội, Chính Phủ, Mặt trận, và đoàn thể lại tiếp tục sứ mệnh lịch sử của mình tại Thủ đô Hà Nội, đưa đất nước tiến vào một kỷ nguyên mới. Trong niềm vui chiến thắng trùng trùng quân đi như sóng tiến về Thủ đô Hà Nội, người ta không thể quên được Tuyên Quang - Thủ đô kháng chiến và các địa phương căn cứ địa cách mạng trong cả nước, những vùng đất đã bảo vệ, nuôi dưỡng, chở che cán bộ, chiến sĩ cách mạng suốt những năm tháng gian khó, hiểm nguy.
Từ Thủ đô kháng chiến Tuyên Quang đến Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến và anh hùng, đó là một hành trình lịch sử, một sợi dây gắn kết bền chặt giữa quá khứ và hiện tại. 70 năm giải phóng Thủ đô không chỉ là dịp để chúng ta tôn vinh chiến thắng của dân tộc mà còn là lúc để nhớ về những người đã hiến dâng tất cả cho tự do và độc lập, nhớ về một Thủ đô kháng chiến đầy nghĩa tình và anh dũng trong những năm tháng cam go của cuộc kháng chiến.
Gửi phản hồi
In bài viết