Làm tròn sứ mệnh Thủ đô Kháng chiến
Ngày 19-12-1946, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta bùng nổ. Tuyên Quang - Thủ đô Khu Giải phóng trong Cách mạng Tháng Tám, nay được chọn làm Thủ đô của cuộc kháng chiến trường kỳ, căn cứ địa trung tâm lãnh đạo toàn dân kháng chiến, kiến quốc. Từ năm 1947 đến năm 1954, Tuyên Quang là nơi ở làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Liên Việt, các đoàn thể; 13/14 bộ và cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ, 65 cơ quan Trung ương; Chính phủ kháng chiến Lào... Là địa bàn tập trung hầu hết các cơ quan đầu não kháng chiến, Tuyên Quang là nơi diễn ra những sự kiện quan trọng để quyết sách những nội dung mang tính quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Thanh niên các dân tộc Tuyên Quang lên đường chiến đấu (năm 1972).
Trong suốt cuộc kháng chiến, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã chung sức, chung lòng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách làm tròn sứ mệnh thiêng liêng là Thủ đô của cuộc kháng chiến, đùm bọc, chở che, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cơ quan Trung ương, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Vừa xây dựng hậu phương vững mạnh, quân và dân Tuyên Quang vừa trực tiếp chiến đấu đẩy lùi các cuộc tiến công quân sự của địch, mở rộng và củng cố khu căn cứ địa Việt Bắc. Thực hiện hậu phương, căn cứ địa cách mạng, đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã đóng góp nhiều nhân lực, vật lực, tham gia phục vụ, bảo vệ các đại hội, hội nghị lớn của Đảng, Chính phủ tổ chức tại địa phương: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Đại hội thống nhất Việt Minh - Liên Việt, Đại hội liên minh nhân dân 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia, Đại hội anh hùng chiến sỹ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất, kỳ họp thứ III Quốc hội khóa I.
Bước vào giai đoạn 1953 -1954, phong trào cả nước dồn dập chuyển mạnh vào giai đoạn tổng phản công, để đảm bảo vai trò phục vụ tiền tuyến lớn, với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến chiến thắng”, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã dồn hết sức lực, tình cảm cho mặt trận. Trong 2 năm 1953 - 1954, tỉnh đã huy động 6.519.000 ngày công phục vụ chiến dịch Tây Bắc, cung cấp cho tiền phương 6.486.955 kg gạo, 52.770 kg thịt trâu, 914 kg thịt bò, 41.657 kg lợn, 10.890 kg lạc, 11.282 kg đỗ xanh. Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo nhân dân làm tốt công tác hậu phương quân đội, thông qua việc xây dựng 6 trại điều dưỡng cho 500 thương, bệnh binh về chăm sóc. Những đóng góp về nhân lực, vật lực và tình cảm của Đảng bộ và nhân dân Tuyên Quang đã tiếp thêm sức mạnh, góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Cựu chiến binh và nhân dân xã Trung Môn (Yên Sơn) thăm Bia chiến thắng Km 7 - nơi Tự vệ Tuyên Quang.
Góp phần cùng cả nước giải phóng miền Nam
Sau ngày hòa bình lập lại, Đảng bộ và nhân dân Tuyên Quang bắt tay vào thực hiện công cuộc khôi phục kinh tế, trọng tâm là khôi phục sản xuất nông nghiệp, trong sản xuất nông nghiệp cốt yếu là sản xuất lương thực; tiếp tục đấu tranh để thi hành đúng Hiệp định đình chiến; tiếp tục củng cố Đảng, bồi dưỡng, giáo dục đảng viên sau giảm tô; tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng, đồng thời tích cực củng cố chính quyền và các tổ chức quần chúng... Thực hiện kế hoạch 3 năm 1958 - 1960, tỉnh đã tập trung phát triển kinh tế, tài chính, trong đó lấy sản xuất nông nghiệp là cơ bản. Hơn 3 năm tiến hành khôi phục kinh tế, nông nghiệp - ngành kinh tế quan trọng của tỉnh - đã phát triển mạnh, sự ổn định về chính trị được củng cố, nhiều nhân tố mới xuất hiện. Quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa, bước đầu phát triển văn hóa đã tạo ra những tiền đề về tư tưởng, tổ chức và vật chất để tiến mạnh vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ngày 19 đến ngày 20-3-1961, Nhân dân Tuyên Quang vinh dự được đón Bác Hồ về thăm, nói chuyện với đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang, Người căn dặn “Trước kia, đồng bào tỉnh ta đã góp phần xứng đáng trong Cách mạng Tháng Tám và cuộc kháng chiến cứu nước. Ngày nay, tôi chắc rằng đồng bào ta sẽ phát huy truyền thống anh dũng sẵn có góp phần nhiều hơn nữa trong công cuộc kiến thiết chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà”, những lời dạy bảo ân cần và tình cảm nồng ấm của Bác đã tiếp thêm sức mạnh, củng cố niềm tin sắt son đối với Đảng, với cách mạng, cổ vũ Nhân dân Tuyên Quang vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Khi Tuyên Quang bắt tay thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất cũng là lúc cách mạng miền Nam chuyển sang thời kỳ “chiến tranh cách mạng”. Thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, đời sống kinh tế, xã hội, chính trị của tỉnh đã có những biến đổi sâu sắc, căn bản hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa, đưa đại bộ phận nông dân đi vào con đường làm ăn tập thể, hợp tác xã hội chủ nghĩa, phong trào hợp tác xã được củng cố và phát triển... Sự hình thành giai cấp nông dân tập thể và mở rộng đội ngũ công nhân, trí thức, tăng cường sự liên minh, hợp tác giữa công nhân, nông dân là một thắng lợi to lớn có ý nghĩa lịch sử đối với nhân dân Tuyên Quang. Tỉnh đã làm tốt công tác quốc phòng, an ninh, bảo vệ thành quả của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, góp phần củng cố miền Bắc chi viện đắc lực cho miền Nam.
Học sinh tìm hiểu về lịch sử Đảng tại địa điểm tổ chức Đại hội II của Đảng năm 1951, xã Kim Bình (Chiêm Hóa).
Trong giai đoạn 1966 -1975, tỉnh Tuyên Quang vừa thực hiện nhiệm vụ sản xuất vừa chiến đấu, xây dựng hậu phương, chi viện tiền tuyến. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh ra sức tăng cường đoàn kết dân tộc, phát huy truyền thống cách mạng của khu căn cứ địa, động viên toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh ra sức thi đua phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, đánh trả cuộc tấn công ra miền Bắc của đế quốc Mỹ, qua 4 năm (1965 - 1968) liên tục vừa sản xuất vừa chiến đấu, quân, dân Tuyên Quang bắn rơi 16 máy bay, bắt sống giặc lái góp phần vào cuộc chiến đấu bảo vệ miền Bắc, làm thất bại âm mưu của đế quốc Mỹ. Năm 1972 trước sự leo thang đánh phá lần thứ 2 của đế quốc Mỹ bằng không quân, lực lượng vũ trang của tỉnh đã độc lập chiến đấu trên 20 trận, các lực lượng đã hiệp đồng tác chiến bắn rơi 5 máy bay Mỹ, bắt sống giặc lái Mỹ. Mặc dù phải đương đầu với những thử thách ác liệt, chịu đựng những tổn thất, hy sinh to lớn do đế quốc Mỹ gây ra, nhưng với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đã thực hiện tốt nghĩa vụ lương thực, thực phẩm với Nhà nước, tích cực chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Từ năm 1969 - 1972 tỉnh đã xây dựng 4 tiểu đoàn bộ đội địa phương tăng cường cho các đơn vị chủ lực và chiến trường miền Nam, trong giai đoạn 1973 - 1975 trước yêu cầu ngày càng cao cách mạng, tỉnh đã tuyển quân được 1.944 người, tăng cường 160 cán bộ cho Bộ quốc phòng và chiến trường B, 87 cán bộ, chiến sỹ công an nhân dân và 10 y, bác sỹ đến vùng giải phóng. Nhiều con em Tuyên Quang đã lập công xuất sắc, được Chính phủ, Quân đội phong tặng danh hiệu cao quý.
P.V
(Theo tài liệu Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)
Gửi phản hồi
In bài viết