Họ Vũ nhân thời loạn tự lập ở Tuyên Quang, chống chính quyền cai trị ở Thăng Long; trấn trị Tuyên Quang, từ năm 1527 đến năm 1699.
Thời Nam - Bắc triều, họ Vũ không theo nhà Mạc mà theo nhà Lê Trung Hưng ở Thanh Hóa, nhưng khi nhà Lê Trung Hưng về Thăng Long, họ Vũ cũng không thần phục hoàn toàn. Các đời họ Vũ trấn giữ trên thành ở núi Bầu nên được gọi chung là chúa Bầu.
Các chúa Bầu truyền nối được 6 đời, 5 thế hệ, trấn giữ Tuyên Quang gần 200 năm: Vũ Văn Uyên, Vũ Văn Mật, Vũ Công Kỷ, Vũ Đức Cung, Vũ Công Ứng (có sách chép tên là Đức, Sắc, Huệ, Sưa), Vũ Công Tuấn.
Sử không chép rõ niên đại trấn trị của từng chúa Bầu. Về tổng thể, sự hưng vong của các chúa Bầu cũng gần như sự hưng vong của sự nghiệp các vua nhà Mạc. Nhà Mạc nổi lên thì các chúa Bầu cũng bắt đầu hùng cứ Tuyên Quang. Sau này, khi họ Mạc tàn lụi, không còn chỗ ở Cao Bằng thì các chúa Bầu cũng suy yếu hẳn và chấm dứt.
Người khởi nghiệp của các chúa Bầu họ Vũ là Vũ Văn Uyên, người làng Ba Động, huyện Gia Phúc (nay là huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương).
Cổng phía Tây thành Tuyên Quang. Ảnh: KT
Vũ Văn Uyên vốn là một thanh niên khỏe mạnh, gan dạ. Thời vua Lê Chiêu Tông, vì phạm tội giết người, ông trốn lên ngụ ở trấn Đại Đồng, Tuyên Quang. Bấy giờ người tù trưởng Đại Đồng bị nhân dân oán ghét, tình hình Đại Đồng rất lộn xộn. Vũ Văn Uyên thấy vậy bèn tập hợp lực lượng riêng, thừa cơ giết chết người tù trưởng, ổn định tình hình địa phương rồi chiếm luôn đất đó, trở thành người trấn trị Đại Đồng. Vũ Văn Uyên không theo mệnh lệnh của triều Mạc, tự xưng là tướng cũ của nhà Lê tước Khánh Bá hầu1.
Vũ Văn Uyên đóng quân tại thành Nghị Lang ở xã Lương Sơn, huyện Lục Yên, binh sĩ có tới mấy vạn. Lúc đó, trong triều có nhiều phe phái, đánh giết lẫn nhau. Cuối cùng, quyền hành rơi vào tay đại thần Mạc Đăng Dung. Tới năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi vua nhà Hậu Lê. Vũ Văn Uyên giữ vững cả miền Tuyên Quang, Hưng Hóa, cát cứ một phương, không chịu theo nhà Mạc.
Năm 1533, nghe tin Nguyễn Kim lập Lê Trang Tông lên ngôi ở Sầm Châu mưu việc trung hưng, Vũ Văn Uyên sai người dâng biểu xin theo. Khi Trang Tông sai Trịnh Duy Liễn sang nhà Minh tố cáo việc họ Mạc cướp ngôi, nhà Minh sai tuần phủ Vân Nam điều tra vào năm 1533, Vũ Văn Uyên cũng viết thư tố cáo họ Mạc rồi cầm quân đi tiên phong cùng quân Minh đánh Mạc.
Tuy nhiên, nhà Minh không thực sự muốn giúp nhà Lê, chỉ muốn tranh thủ sự chia rẽ của Lê và Mạc để có cơ hội đánh chiếm Đại Việt. Biết rõ điều này, Vũ Văn Uyên kịp thời rút lui bỏ mặc quân Minh. Khi quân Minh chuẩn bị kéo tới biên giới thì Thái Thượng hoàng nhà Mạc là Mạc Đăng Dung cũng tự trói mình lên biên giới xin hàng. Quân Minh không đánh Đại Việt nữa. Vũ Văn Uyên bèn phái người vào Sầm Châu làm hướng đạo dẫn quân nhà Lê theo đường thượng đạo hành quân đánh Mạc. Đánh vài trận không được, ông rút quân về Đại Đồng. Mạc Hiến Tông đem đại quân ngược sông Hồng tiến đánh Đại Đồng. Lần thứ nhất Vũ Văn Uyên tránh, lần sau, ông phục quân đánh tan quân Mạc. Từ đó, triều Mạc phải chịu cho họ Vũ cát cứ.
Năm 1551 thời Lê Trung Tông, Vũ Văn Uyên và em là Vũ Văn Mật theo lệnh nhà Lê, mang quân phối hợp với tướng nhà Mạc mới về hàng nhà Lê là Lê Bá Ly tiến đánh Thăng Long. Vũ Văn Uyên và Vũ Văn Mật đem quân xuống lấy các phủ Tam Đái, Bắc Hà rồi sai người đi phủ dụ dân Thái Nguyên, Lạng Sơn. Quân Lê Bá Ly tiến sát kinh thành. Mạc Tuyên Tông bỏ chạy về Kim Thành, để Mạc Kính Điển ở lại chống giữ. Quân Lê không đánh nổi phải rút về.
Năm 1557, Lê Anh Tông lên ngôi, Thái sư Trịnh Kiểm cất quân đánh Mạc, theo đường ThiênQuan raHưngHóa, tới Tuyên Quang. Vũ Văn Uyên ra đón. Trịnh Kiểm rất mừng, cho ông trấn giữ Đại Đồng. Vì có nhiều công giúp vua Lê, ông được ban quyền thế tập trấn giữ Tuyên Quang.
Vũ Văn Uyên chết không có con nối nghiệp, em là Vũ Văn Mật nối quyền, xưng làGia quốc công. VũVănMật xây thànhđắp lũy trên gò Bầu. Từ đó nhân dân thường gọi ông là “Chúa Bầu” hoặc “Vua Bầu”. Các đời sau hùng cứ một vùng ở thành Bầu đều được gọi chung là chúa Bầu. Các thành mà ông xây dựng như thành Nghị Lang ở Lương Sơn - Lục Yên; thành Cát Tường ở Khánh Vân - Lục Yên; thành Bắc Pha ở xã Đà Dương - Lục Yên; thành Bình Ca ở Hàm Yên (nay thuộc xã An Khang, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang); thành Việt Tĩnh ở Diên Gia - Châu Thu (Lục Yên, Yên Bình, Yên Bái) về sau đều được gọi chung là thành nhà Bầu.
Sách Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn ghi, quân của Vũ Văn Mật đóng làm 11 doanh: “Huyện Phù Yên có doanh Phù Yên, châu Thu Vật có doanh Yên Thắng, châu Lục Yên có doanh An Bắc; châu Vị Xuyên có các doanh Bình Di, Bình Man, Trần Uy, Yên Biên, Nam Đương; châu Đại Man có doanh Nghi, châu Bảo Lạc có doanh Bắc Kiệm và Trung Mang”.
Vũ Văn Mật lấy Đại Đồng (Tuyên Quang) làm trung tâm xây thành đắp lũy, chiêu tập những người lưu vong trở về xây dựng Đại Đồng thành một nơi trù mật, đông đúc. Lê Anh Tông sai ông cùng các tướng trấn nơi khác sửa đường sá từ Thiên Quang tới Hưng Hóa, Tuyên Quang để vận tải lương tiến công quân Mạc. Vũ Văn Mật chết, con là Vũ Công Kỷ nối nghiệp cha, được phong Nhân quốc công.
Năm 1573, Trịnh Tùng cầm quyền ở Nam triều, nhà Hậu Lê lấy Thái phó Vũ Công Kỷ làm hữu tướng. Cùng năm đó, ông được sai đem quân bản bộ về giữ Đại Đồng để yên dân địa phương. Vũ Công Kỷ đã từng nhiều lần cầm quân đánh Mạc và lập công lớn.
Năm 1578, tướng Mạc là Mạc Ngọc Liễn mang quân đánh các vùng Tuyên Quang, Hưng Hóa; Vũ Công Kỷ tung quân đánh, quân Mạc lại thua, phải rút về. Vũ Công Kỷ chết, con là Vũ Đức Cung lên thay.
Năm 1593, Trịnh Tùng tiến quân vào đánh chiếm Thăng Long, rước Lê Thế Tông trở về kinh thành, họ Mạc rút chạy lên phía Bắc. Vũ Đức Cung đem 2.000 quân tới Kinh đô quy phục, dâng vàng bạc và đồ quý. Trịnh Tùng thăng làm Bắc quân Đô đốc, Thái bảo Hòa quận công, được mang quân hiệu là An Bắc doanh. Cũng năm đó, Vũ Đức Cung lại xin về trấn Đại Đồng.
Trở về Đại Đồng, Đức Cung có ý chống nhà Lê. Năm 1594, ông ngầmhai lòng cùng với Mỹ Thọ hầu (không rõ tên) đi lại quấy nhiễu các huyện đầu nguồn trấn Sơn Tây, đánh phá các huyện Thanh Ba, Hạ Hòa, lại dời dân các huyện Đông Lan, Tây Lan vào ở Đại Đồng. Trịnh Tùng sai Thái úy Nguyễn Hữu Liên đi đánh, bắt được Mỹ Thọ hầu. Đức Cung phải đem con em chạy đi Nghĩa Đô, sau đó lại sai người vào kinh dâng vàng, bạc quy phục.
Năm 1595, Vũ Đức Cung tự xưng là Long Bình Vương, sai tướng đánh cướp các động ở châu Bạch Thông (Thái Nguyên), cướp lấy thuế của mỏ bạc. Trịnh Tùng lại phải sai quân đánh.
Vũ Đức Cung chết, con là Vũ Công Ứng lên thay. Vì dòng họ Vũ có nhiều công lao nên Vũ Công Ứng vẫn được tập phong là Thụy quận công.
Vũ Công Ứng (các sách chép tên khác nhau: Đức, Sắc, Huệ, Sưa) được tập phong với Thái phó Tống quận công. Nhưng Công Ứng cậy sông núi hiểm trở, xa cách, ngầm liên kết với họ Mạc, tự xưng vương. Triều đình vua Lê, chúa Trịnh bận đối phó với chúa Nguyễn trong Nam nên vẫn phải bao dung. Sau đó vì có việc bất bình với thủ hạ là Ma Phúc Trường, Vũ Công Ứng yếu thế, lo sợ về kinh tự thú. Dọc đường, Ứng bị giết.
Con Ứng là Vũ Công Tuấn được lập nối nghiệp cha và được cho làm Đô đốc thiêm sự, tước Khoan quận công, ban cho dân lộc để giữ việc thờ cúng.
Năm 1672, nhân lúc triều đình sơ hở, chúa Trịnh mang đại quân đi đánh chúa Nguyễn phía Nam, Vũ Công Tuấn trốn về Tuyên Quang, quân lính trong kinh sư đuổi theo không kịp. Công Tuấn bèn cướp bóc dân trong châu, làm cho địa phương này bị rối loạn. Sau này Công Tuấn chạy sang đất nhà Thanh, người nhà Thanh bắt trả về nước ta1.
Năm 1699, Vũ Công Tuấn bị triều đình nhà Lê bắt và giết. Triều đình đặt chức Lưu thủ ở Tuyên Quang, từ đó dòng dõi “Chúa Bầu” chấm dứt.
Gửi phản hồi
In bài viết