Tuyên Quang xây dựng hậu phương, chi viện tiền tuyến trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954)

- Xây dựng hậu phương, chi viện tiền tuyến.

Sau khi được điều sang nhận chức Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh kiêm Cao ủy Pháp ở Đông Dương (12-1950), Đại tướng Đờ Lát Đờ Tátxinhi gấp rút tăng cường lực lượng cơ động, phát triển quân nguỵ, xây dựng hệ thống boongke và lập vành đai trắng cắt ngang miền Bắc, bao quanh miền trung du và tăng cường đánh phá vùng tự do, chuẩn bị phản công để giành lại quyền chủ động.

Trước tình hình đó, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Đại hội Đảng bộ Liên khu Việt Bắc lần thứ nhất (năm 1951) vạch rõ: “Hai nhiệm vụ chủ yếu nhất là quân sự và kinh tế - tài chính. Đối với các địa phương tạm bị chiếm và bị trực tiếp uy hiếp thì lấy nhiệm vụ quân sự làm trọng tâm; đối với các tỉnh vùng tự do thì lấy nhiệm vụ phát triển kinh tế - tài chính làm trung tâm”(1).

Tình hình đặt ra trước Đảng bộ và nhân dân Tuyên Quang là cùng một lúc thực hiện hai nhiệm vụ: Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời phải khẩn trương xây dựng một lực lượng quân sự đủ mạnh.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II (từ 11 đến 19-2-1951) tổ chức tại Kim Bình (Vinh Quang, Chiêm Hóa) đã thông qua Báo cáo chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Báo cáo “Bàn về cách mạng Việt Nam” của đồng chí Trường Chinh và một số chính sách quan trọng trong kháng chiến.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng các đồng chí Trường Chinh, Tôn Đức Thắng, Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt... cùng các đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa, từ ngày 11 đến 19-02-1951.

Trung tuần tháng 4-1951, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ nhất được tổ chức. Đại hội khẳng định những thắng lợi đã đạt được và đề ra nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới là: Củng cố chính quyền; tích cực xây dựng và củng cố lực lượng vũ trang địa phương, đẩy mạnh chiến tranh du kích; tiếp tục phát triển kinh tế văn hóa phục vụ kháng chiến; tích cực chi viện cho tiền tuyến.

Củng cố chính quyền, tăng cường hệ thống chuyên chính dân chủ nhân dân

Từ năm 1951, các đảng bộ không ngừng củng cố cơ sở, tăng cường đội ngũ lãnh đạo, từng bước hoàn thiện tổ chức.

Năm 1952, tỉnh cử 5 đồng chí đi học Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, 9 đồng chí tham dự lớp của Liên khu. Sau đó, Tỉnh ủy đã tổ chức một lớp chỉnh huấn cho 60 đồng chí cán bộ cốt cán các cấp, các ngành. Từ ngày 27-9-1952 đến tháng 12-1953, Tuyên Quang đã mở được 5 lớp tập huấn cho cán bộ và 2 lớp cho công nhân, gồm 1.313 người. Việc chỉnh Đảng, chỉnh huấn cho cán bộ trong tỉnh Tuyên Quang cơ bản đã hoàn thành tốt, nâng cao năng lực quản lý chính quyền cùng các cơ quan chuyên môn trong tỉnh.

Các cấp bộ Đảng ở Tuyên Quang cũng chú trọng đến công tác củng cố chính quyền dân chủ nhân dân, củng cố Mặt trận và các đoàn thể quần chúng.

Chính quyền nhân dân và các cơ quan chuyên môn trong tỉnh thường xuyên được củng cố và kiện toàn qua việc thực hiện những chính sách lớn của Đảng như: thuế nông nghiệp, sản xuất tiết kiệm, đặc biệt là phát động quần chúng giảm tô, giảm tức.

Tỉnh chú trọng mở rộng dân chủ trong xây dựng chính quyền các cấp. Việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phê bình cán bộ, góp ý kiến xây dựng các chính sách (dân công, thuế, sản xuất, tiết kiệm, xử án...) được tiến hành rộng rãi. Trong kỳ bầu cử Hội đồng nhân dân tỉnh khóa III (1952), số người đi bỏ phiếu là 57.581 trong tổng số 70.222 cử tri, đạt tỷ lệ 81%. Tháng 6-1953, Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh được tổ chức lại. Quần chúng được giác ngộ chính trị, tự lựa chọn và bãi miễn người đại diện cho mình về mặt nhà nước.

Năm 1951, trong ủy ban các cấp, tỷ lệ bần, cố nông chiếm 30%, người Dao chiếm 5%, người Tày chiếm 65%, người Kinh chiếm 5%. Sau giảm tô, chính quyền các cấp về cơ bản được cơ cấu đúng theo quan điểm chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh.

Song song với quá trình dân chủ hóa trong củng cố chính quyền, việc bãi miễn các thành viên và tổ chức không còn đủ lập trường chính trị và năng lực quản lý cũng được coi trọng. Năm 1951, các hội đồng nhân dân xã đã đề nghị bãi miễn và cách chức 15 ủy viên. Trong đợt 4 giảm tô, đã cách chức và đưa ra khỏi Ủy ban Kháng chiến Hành chính xã 48 người, giải tán Ủy ban Kháng chiến Hành chính xã Tam Đa (Sơn Dương). Đợt 5 cách chức 50 ủy viên. Nói chung, các hình thức bãi miễn, xử lý kỷ luật trên đều được nhân dân ủng hộ.

Đảng bộ Tuyên Quang chú ý tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền, phát triển Đảng trong các cơ quan nhà nước. Đến tháng 8-1954, số đảng viên trong Ủy ban Kháng chiến Hành chính của tỉnh chiếm tỷ lệ 25,1%.

Từ năm 1951 đến năm 1954, tỉnh đã thường xuyên chỉnh biên, chỉnh huấn. Thi hành chủ trương của Liên khu về chỉnh đốn biên chế cơ quan, rút kinh nghiệm đợt chỉnh biên lần thứ nhất (1951) và năm 1952, tỉnh đã có kế hoạch cụ thể cho các cơ quan, cử cán bộ xuống 8 đơn vị có nhiều công nhân viên để hướng dẫn thực hiện. Kết quả giảm được 197 người, tiết kiệm công quỹ 197 tấn thóc.

Ngày 8-5-1954, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang quyết định thành lập Ban lãnh đạo chỉnh biên, sắp xếp lại tổ chức và sửa đổi lề lối làm việc do một Tỉnh ủy viên làm trưởng ban. Đến ngày 26-6-1954, các ty chuyên môn đều đã sắp xếp xong. Kết quả đạt được là phần lớn cơ quan khi bố trí, sắp xếp đều căn cứ vào nhu cầu công việc mà định số người, cố gắng đơn giản bộ phận hành chính để tăng cường cơ quan chuyên môn.

Việc chia nhỏ xã và lập xóm, đã tạo điều kiện cho hoạt động chỉ đạo, quản lý của chính quyền cơ sở, trong điều kiện trình độ cán bộ quản lý còn hạn chế.

Đầu năm 1951, tỉnh Tuyên Quang đã bầu Ban Chấp hành Liên Việt các cấp thành công. Công tác mặt trận được đẩy mạnh. Đảng bộ tỉnh tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác mặt trận, đưa các ủy viên tham gia ban chấp hành của các tổ chức quần chúng.

-------------------------------------------------

(1). Văn kiện Đảng bộ Liên khu Việt Bắc năm 1951, Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Khu tự trị Việt Bắc xuất bản, 1961, t.VII, tr.67.

Theo Địa chí Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục