Ứng dụng công nghệ hiện đại thi công Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang

- Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang giai đoạn 1 đang được triển khai với tổng chiều dài 77 km qua địa bàn tỉnh Tuyên Quang, tổng mức đầu tư lên đến 6.800 tỷ đồng. Nhằm đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình, các nhà thầu đã áp dụng hàng loạt công nghệ hiện đại trong thi công, giúp nâng cao hiệu quả và độ chính xác.

Khảo sát thực địa một số điểm cầu trong gói thầu 24 như cầu Ô Rô, cầu cạn Km48+310 và cầu Hàm Yên do Tập đoàn Đèo Cả thi công, ông Lê Đức Tranh, Giám đốc Ban Điều hành gói thầu cho biết: Liên danh nhà thầu đã huy động 242 kỹ sư, công nhân và 98 máy móc, thiết bị chuyên dụng để tập trung thi công. Đối với vị trí cầu Ô Rô (Km36+990) hiện đã thi công 35/43 cọc khoan nhồi, trụ T1 đã đổ bê tông 3/5 đợt, trụ T2 đã đổ bê tông 4/6 đợt, đơn vị đang chuẩn bị đúc dầm SuperT.  Tại cầu cạn Km48+310, hiện đã thi công 28/34 cọc khoan nhồi, dầm SuperT hiện đã đúc đạt 50% số lượng dầm, đã hoàn thành thân trụ T2, T3, bệ thân đợt 1 trụ T1, bệ trụ T5.

Cầu Hàm Yên  trên tuyến Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đang được áp dụng công nghệ thi công hiện đại nhất hiện nay.

Tại cầu Hàm Yên, hạng mục hạ bộ của 7 mố trụ đã hoàn thành, dầm I33 đã đúc đạt 75% số lượng dầm, dầm đúc hẫng đã đúc 2 đốt K0, dự kiến hợp long vào tháng 8-2025. Riêng cầu Hàm Yên, nhà thầu sử dụng số lượng cẩu, cẩu Tháp, xe đúc kết cấu dầm đúc hẫng gấp 2 lần so với phương án thi công được duyệt nhằm đảm bảo tiến độ tổng thể. Hiện liên danh nhà thầu đang khẩn trương triển khai các hạng mục còn lại.

Ông Tranh cho hay: Những năm gần đây Tập đoàn ứng dụng công nghệ được ứng dụng rộng rãi trên thế giới là công nghệ thi công dầm hộp BTCT dự ứng lực liên tục bằng phương pháp đúc hẫng cân bằng. Ưu điểm giảm chi phí đà giáo. Ván khuôn được dùng lại nhiều lần với cùng một thao tác lặp lại sẽ giảm chi phí nhân lực và nâng cao năng suất lao động, đẩy nhanh tiến độ thi công. Phương pháp đúc hẫng cân bằng thích hợp với việc xây dựng các kết cấu nhịp có chiều cao mặt cắt thay đổi, khi đúc các đốt dầm chỉ cần điều chỉnh cao độ ván khuôn đáy dầm cho phù hợp. Việc thay đổi chiều cao tiết diện cho phép sử dụng vật liệu kết cấu hợp lý, giảm được trọng lượng kết cấu và cho phép vượt các nhịp lớn. Việc sử dụng phương pháp thi công đúc hẫng cân bằng cho các cầu bê tông cốt thép dự ứng lực có nhịp trung và lớn có nhiều lợi thế, đặc biệt trong điều kiện thi công khó khăn, không thể thi công hệ đà giáo như các trường hợp qua thung lũng sâu, sông rộng...

Tại nút giao Quốc lộ 13B đoạn qua xã Thái Hòa (Hàm Yên) do Công ty  cổ phần Đầu tư và Phát triển Phương Đông thi công đạt 50% giá trị hợp đồng. Công ty huy động 200 đầu máy thiết bị lu lèn, xe chở đất đều là thương hiệu số 1 thế giới để thi công đạt hiệu suất, hiệu quả và chất lượng đúng cam kết. Ông Ngô Hùng Sơn, cán bộ kỹ thuật Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phương Đông khẳng định: Với hệ thống máy móc hiện đại, đơn vị cam kết sẽ hoàn thành tiến độ đã ký với chủ đầu tư.

Đoạn tuyến từ Km67+800 đến Km77+00 thuộc gói thầu số 23 do Công ty cổ phần Xây dựng và Đầu tư 122 Vĩnh Thịnh chịu trách nhiệm thi công có địa hình đồi núi phức tạp, nền địa chất chủ yếu là đá xen lẫn đất, khối lượng đào đắp lớn, phải thi công kết hợp nhiều giải pháp kỹ thuật như nổ mìn, phá đá, đào sâu, xử lý nền đường. Công ty cũng đảm nhận thi công cầu chui dân sinh, lắp đặt cống hộp, cống tròn ở đoạn tuyến.  

Ông Phạm Văn Huân, Chủ tịch Công ty cổ phần Xây dựng và Đầu tư 122 Vĩnh Thịnh cho biết: Công ty đã huy động 22 máy xúc, 39 xe ô-tô, 12 máy ủi, 28 máy lu, một máy khoan, một máy san, ba máy xúc lật, hai téc nước, một xe cấp dầu, bốn xe trộn, một xe bơm cần và dựng một trạm trộn bê - tông để phục vụ thi công. Khi thời tiết thuận lợi, mỗi ngày công ty đào, đắp khoảng 30.000 m3 đất và đào hơn 4.500 m3 đá. Tiến độ thi công đang được thực hiện quyết liệt để bù lại những ngày thời tiết mưa không thể thi công trước đó.

Bên cạnh đó, hệ thống quản lý và giám sát thi công trực tuyến đã được áp dụng, cho phép theo dõi tiến độ công trình theo thời gian thực. Công nghệ GPS và drone hỗ trợ khảo sát địa hình, kiểm tra chất lượng thi công một cách chính xác, giúp giảm thiểu sai sót. Đến ngày 23/4, giá trị xây lắp thực hiện đạt trên 1.611/4.789 tỷ đồng, đạt 33,65% tổng giá trị hợp đồng. Hiện tại, số lượng nhân sự có mặt tại hiện trường lên tới 2.000 người, cùng hơn 967 đầu máy móc thiết bị được huy động chia thành 111 mũi thi công để đảm bảo tiến độ hoàn thành theo đúng kế hoạch.

Với sự nỗ lực của con người cùng với thiết bị, công nghệ hiện đại kỳ vọng Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, giai đoạn I sẽ hoàn thành với tốc độ nhanh nhất, chất lượng tốt nhất, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.                               

Bài, ảnh: Mỹ An

Tin cùng chuyên mục