Đình Xã Tắc là một trong những ngôi đình cổ nhất của tỉnh Tuyên Quang tọa lạc tại phường Tân Quang (TP Tuyên Quang).
Dấu vết của đàn Xã Tắc ngày nay tuy không còn nhưng địa điểm của đàn Xã Tắc được xác định là ở vị trí của đình Xã Tắc ngày nay, thuộc tổ 21, phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang.
Đình Xã Tắc được dựng trên nền của đàn Xã Tắc xưa - nơi được coi là đất linh thiêng nhất của một vùng. Đình Xã Tắc còn là một ngôi đình làng, đình thờ Thành hoàng làng - ông vua tinh thần của làng xã phong kiến Việt Nam ngày trước, đó là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, hành chính của nhân dân.
Bức bình phong cổ tại Đình Xã Tắc.
Khi triều Nguyễn thiết lập, kinh đô đặt ở Huế, những vùng đất như Thái Nguyên, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn... được coi là vùng biên viễn, xa nơi giáo hóa.
Tuy nhiên, đối với dân ở các tỉnh xa kinh đô, đặc biệt là các tỉnh biên giới phía Bắc, nhà Nguyễn cũng rất quan tâm vỗ về, phủ dụ, nhất là sau những cuộc nổi dậy của Dương Đình Cúc, Nông Văn Vân...
Năm 1844, Vua Thiệu Trị định lại lệ thi Hương, bắt đầu cho đặt chức Giáo thụ ở tỉnh Tuyên Quang để khuyến khích phát triển giáo dục ở vùng này.
Tháng 11-1855, Nhà nước bắt đầu đặt ngạch học sinh cho các tỉnh biên giới Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hưng Hóa, Quảng Yên theo tiêu chuẩn tư chất tốt mà ham học, cho mỗi nơi chọn từ 3 đến 6 học trò, trừ cho việc đi lính, tạp dịch, chế độ khảo hạch và lương bổng giống học sinh từ Quảng Bình vào Nam.
Nhà Nguyễn dù có những chính sách khuyến học rất tích cực đối với các địa phương vùng xa nhưng cũng không đem lại kết quả nào đáng kể. Tính từ khoa thi năm đầu tiên, năm Gia Long thứ 6 (1807) đến khoa thi cuối cùng (1918) cả nước có 5.232 người đỗ Cử nhân, Hương cống, nhưng không có một sĩ tử nào quê ở Tuyên Quang.
Gửi phản hồi
In bài viết