Nghề hướng dẫn viên du lịch
HGĐT- Không phải bất cứ người nào đưa khách du lịch đi đến những điểm tham quan du lịch trở thành một người hướng dẫn viên du lịch nội địa hay hướng dẫn viên du lịch Quốc tế. Điều này tôi đã rút ra từ những kinh nghiệm thực tế qua những chuyến đi tuor ngắn và dài ngày ở trong nước và nước ngoài.
Tôi là một người mới bước những bước chập chững vào nghề hướng dẫn viên du lịch mặc dù đã được trang bị những kiến thức cơ bản khi còn ngồi trên giảng đường đại học và cũng đã có một số kinh nghiệm sau những chuyến tour đưa khách đi. Đối với hướng dẫn viên du lịch nội địa thì sự hiểu biết về địa lý, con người hay phong tục tập quán chỉ trong phạm vi một nước, nhưng đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế ngoài sự hiểu biết trên còn phải có cả kiến thức hiểu biết về đất nước của bạn nơi đưa khách của mình đến, biết được những điều gì làm được và những điều gì nên tránh.
Để trở thành một người hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp và giỏi, ngoài những yêu cầu đối với nghề mà luật đã quy định, còn đòi hỏi bản thân mỗi con người khi đã làm nghề hướng dẫn viên du lịch phải tâm huyết với nghề, có kiến thức hiểu biến về chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức hiểu biết sâu rộng về các lĩnh vực văn hóa, kinh tế, xã hội… Phải luôn thường xuyên trau dồi kiến thức thông qua sách báo, hay những người đi trước để nâng cao nhận thức của bản thân đối với nghề đã chọn.
Nghề hướng dẫn viên du lịch cũng không khác gì nghề “làm dâu trăm họ”, tiếp xúc với nhiều đối tượng khác nhau: Già, trẻ, trung niên, khách là phụ nữ, hay nam giới, khách là người Việt hay khách là những người mang quốc tịch khác đòi hỏi hướng dẫn viên phải khéo léo xử trí tất cả những tình huống có thể xảy ra trong suốt tour du lịch. Tâm lý của khách đều có một điểm chung khi đi du lịch là muốn được khám phá, tìm hiểu về những đặc điểm nơi mình đến, nhưng tất cả những khám phá đó đều được thông qua sự giới thiệu, hướng dẫn của hướng dẫn viên. Khách coi hướng dẫn viên là người thân để gửi gắm niềm tin trong suốt tour tham quan. Kiến thức hiểu biết về một địa điểm tham qua của hướng dẫn viên sẽ giúp du khách hiểu thêm về phong tục, tập quán, thói quen sinh hoạt hay những vấn đề liên quan đến tôn giáo của người dân bản địa. Bên cạnh đó là sự quan tâm sâu sắc đối với du khách trên suốt hành trình tham qua từ ăn uống, ngủ nghỉ cho đến đi thăm quan các điểm du lịch làm sao cho du khách có được sự thoải mái nhất. Chẳng hạn, trước khi nhận phòng nghỉ, hướng dẫn viên cần đi kiểm tra một vòng toàn bộ các phòng nghỉ của khách, hướng dẫn khách sử dụng các thiết bị trong phòng nếu như khách chưa một lần sử dụng, hay khi chuẩn bị đến giờ ăn, kiểm tra toàn bộ khách xem đã có đủ số người chưa, hỏi khách sau khi khách dùng bữa có thấy ngon không để còn có cách điều chỉnh cho những lần sau. Hướng dẫn viên phải là người dậy sớm nhất và cũng là người đi ngủ muộn nhất sau mỗi ngày tham quan… Sau mỗi chuyến đi đưa cho khách phiếu thông tin, đề nghị khách điền đầy đủ những nội dung đã có những những kiến nghị hay đề xuất vào phiếu.
Nghề hướng dẫn viên thật sự là một nghề khó khăn, chỉ có yêunghề thì làm hướng dẫn viên mới thấy được tầm quan trọng của nó. Những niềm vui hay những nỗi buồn sau mỗi chuyến đi, cũng là những bài học kinh nghiệm được rút ra cho bản thân để phấn đấu hoàn thiện bản thân mình hơn nữa.
Ý kiến bạn đọc