Khai mạc Festival cồng chiêng quốc tế tại Gia Lai

11:06, 13/11/2009

Phố núi Pleiku, tỉnh Gia Lai rực rỡ sắc màu, âm thanh rộn rã và tấp nập người qua lại. Lễ khai mạc Festival được kéo dài hơn 90 phút, trong đó hình ảnh và âm thanh cồng chiêng được thể hiện xuyên suốt từ đầu đến cuối.


Tối nay (12/11) Festival cồng chiêng quốc tế Tây Nguyên lần thứ nhất khai mạc với chủ đề “Âm vang cồng chiêng và sức sống Tây Nguyên”. Phố núi Pleiku, tỉnh Gia Lai rực rỡ sắc màu, âm thanh rộn rã và tấp nập người qua lại.

Chương trình khai mạc thực sự ấn tượng và hoành tráng với sự tham gia của 34 đoàn của 23 tỉnh, thành, đại diện cho 11 dân tộc có cồng chiêng trong nước và 5 đoàn cồng chiêng nước ngoài là Campuchia, Lào, Indonesia, Myanmar, Philippines. Buổi lễ còn có sự tham gia thể hiện của 3.000 nghệ nhân, diễn viên, sinh viên.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Phạm Thế Dũng - Phó Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Gia Lai, Trưởng Ban tổ chức Festival cồng chiêng quốc tế lần thứ nhất nhấn mạnh: “Việc tổ chức Festival cồng chiêng quốc tế năm 2009 tại tỉnh Gia Lai là nhằm tôn vinh giá trị không gian văn hoá cồng chiêng tây nguyên tạo sự giao lưu văn hoá, đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc có cồng chiêng trong nước và khu vực, là điều kiện để du khách đến với Gia Lai và cũng là điều kiện để Gia Lai học hỏi những kinh nghiệm của các địa phương bạn. Đây là một hoạt động văn hoá thiết thực của Gia Lai hướng về đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội”.

Đại cảnh múa khai từ

Phát biểu tại buổi lễ, bà Hà Thị Khiết, Bí thư trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương khẳng định, trách nhiệm của chúng ta là phải bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá trong xu thế hội nhập hiện nay. Để tài sản quý báu này không chỉ là biểu tượng văn hoá của tình đoàn kết các dân tộc thể hiện tính thống nhất trong đa dạng của văn hoá mà còn đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, giữ gìn hoà bình trong khu vực và thế giới. Bà Hà Thị Khiết bày tỏ: “Tôi tin tưởng rằng những âm thanh huyền diệu vang lên từ đôi tay tài hoa, những cảm xúc thăng hoa của các nghệ nhân Việt Nam và quốc tế sẽ là một thông điệp với bạn bè quốc tế và ước mong có một thế giới hoà bình, cuộc sống thịnh vượng, hạnh phúc và nhân văn của cộng đồng các quốc gia trong khu vực và thế giới”.

Cả đại ngàn Tây Nguyên như hồi sinh trong đêm khai mạc với hình ảnh nhà rông, những thác nước hùng vĩ, những chàng trai cô gái căng tràn nhựa sống của núi rừng cao nguyên.

Đoàn nghệ nhân dân tộc Thái đến từ xã Thạch Giám, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An

Ông Nguyễn Viết Hòa ở phường Yên Thế, thành phố Pleiku, cho biết: "Hôm nay tôi đến đây để xem và tham gia Festival. Tôi thấy khung cảnh tổ chức lễ hội rất chu đáo. Chúng tôi rất vinh dự được đăng cai được sự kiện này".

Khu vực Quảng trường 17/3 nối liền với công viên Lý Tự Trọng là tâm điểm của Festival cồng chiêng quốc tế tại Gia Lai. Cùng với hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao đã mở cửa tối qua, hôm nay tại đây đã diễn ra nhiều hoạt động bên lề như: Khai trương Bảo tàng Gia Lai, khai mạc triển lãm sinh vật cảnh, triển lãm không gian văn hóa các dân tộc Tây Nguyên và mở hội làng nghề tiểu thủ công nghiệp,... thu hút rất đông người dân địa phương và du khách tham quan.

Chị Y Vân (dân tộc Sêđăng) ở thành phố Pleiku, nói: “Văn hóa cồng chiêng với chúng tôi là rất quan trọng. Vì nó là tâm linh, là linh hồn, là đời sống. Tôi tin tưởng các cấp lãnh đạo sẽ tổ chức thành công Festival cồng chiêng này, và bà con cũng hết mình cho Festival cồng chiêng". 

Đoàn nghệ nhân dân tộc Mường, xã Tiến Xuân, Thạch Thất - Hà Nội

Đặc biệt, tại trung tâm quảng trường, sân khấu được thiết kế công phu, hoành tráng, thể hiện không gian của núi rừng hùng vĩ, buôn làng Tây Nguyên thanh bình, và mái nhà rông cao vút, linh thiêng. Đó chính là không gian của cồng chiêng, mà các nghệ sĩ, diễn viên, nghệ nhân trong nước và quốc tế muốn thể hiện trong chương trình nghệ thuật đặc sắc sau lễ khai mạc Festival cồng chiêng quốc tế tối nay.

Ông Nay Mrók (dân tộc Jarai) đến từ huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, tâm sự: "Tôi vui mừng lắm, vì được giao lưu với các anh em dân tộc thiểu số khác như K'Ho, Êđê, Jarai... và cả nước ngoài. Đối với chúng tôi, nếu không có cồng chiêng thì buồn lắm. Nghe tiếng chiêng thì người già hay thanh niên đều tập trung lại. Người nghèo không có chiêng thì người giàu đùm bọc cho".

Đại cảnh múa khiên

Toàn bộ lễ khai mạc Festival và màn biểu diễn nghệ thuật được kéo dài hơn 90 phút, trong đó hình ảnh và âm thanh cồng chiêng được thể hiện xuyên suốt từ đầu đến cuối. NSND YBrơm, Phó tổng đạo diễn nói: "Festival lần này, nội dung chủ yếu là nêu lên vị trí, vị thế của không gian văn hóa cồng chiêng. Vì cồng chiêng là biểu hiện linh hồn của các dân tộc Tây Nguyên nói chung. Từ vòng xoang, đánh cồng chiêng, điệu múa và tiếng hú, tức là thanh niên nam nữ, sau khi lao động xong là múa hát, nhảy múa và đánh cồng chiêng. Bởi vì con  người, đất nước và đồng bào dân tộc Tây Nguyên là dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam".

Với công tác chuẩn bị công phu của các ngành chức năng, tinh thần đoàn kết, lòng nhiệt tình và tài năng của các nghệ sĩ, diễn viên, nghệ nhân trong nước và quốc tế, chương trình khai mạc Festival cồng chiêng quốc tế tại Gia Lai sẽ để lại ấn tượng tốt đẹp./.


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cao nguyên đá
Nguyễn Thế Trung
30/10/2009
Chuẩn bị cho Đại hội TDTT và Lễ công bố Năm du lịch khu vực 4 tỉnh miền núi phía Bắc
HGĐT - Ngày 28.10, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp với các cơ quan, ban, ngành chức năng của tỉnh nhằm chuẩn bị các nội dung cho Lễ khai mạc Đại hội TDTT và công bố Năm du lịch khu vực 4 tỉnh miền núi phía Bắc. Cuộc họp do đồng chí Đàm Văn Bông, ủy viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì.
30/10/2009
Việt Nam đề cử “Đừng đốt!” tranh giải Oscar 2010
Sáng 29-9, Hội đồng quốc gia Tuyển chọn phim tham dự giải thưởng Oscar 2010 đã quyết định sẽ gửi bộ phim Đừng đốt (Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam, đạo diễn Đặng Nhật Minh) tham dự đề cử giải Oscar lần thứ 82 của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất.
30/09/2009
Tổng kết 10 năm phong trào xây dựng Làng văn hóa và tuyên dương Làng văn hóa tiêu biểu (1999 - 2009)
HGĐT- Ngày 26.9, tại Hội trường UBND huyện Bắc Quang, Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (ĐKXDĐSVH) của tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm phong trào xây dựng làng văn hóa và tuyên dương làng văn hóa tiêu biểu (giai đoạn 1999-2009).
28/09/2009