Về cành hoa sen trong câu ca dao

- Trong làng văn đã từng có những tranh luận quanh hai câu ca dao: “Đêm qua tát nước đầu đình/Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen”. Có trường phái không thể chấp nhận được chuyện phi lý “hoa sen có cành”, càng không chấp nhận “cành sen” cứng cáp tới mức có thể mắc được một cái áo bỏ quên. Lại có người cho rằng cành hoa sen trong câu ca dao chính là cành của một cây sen đất mọc trong một ngôi chùa tên là Bối Khê của đồng bằng Bắc Bộ.

Cành sen đất ở chùa Bối Khê được cho là cành hoa sen trong bài ca dao.

Nhưng theo tôi, chẳng nên nhọc công tìm cành hoa sen làm gì.

Vì thứ nhất, ca dao có những điều phi lý nhưng bấy lâu nay ai cũng chấp nhận.

Tỷ như câu: “Hoa sen mọc bãi cát lầm/Tuy rằng lấm láp vẫn mầm hoa sen”. Ai cũng đều biết sen mọc trong ao, trong đầm thì phải là mọc trong bùn (gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn). Nhưng tác giả dân gian lại nói sen mọc bãi cát để nói sen cao quý, để đối nghịch sự cao quý của sen với “Thài lài mọc ở ven sông/Tuy rằng giống tốt vẫn tông thài lài”.

Hoặc câu: “Xuống đồng ngắt lá rau xanh/Thấy chim loan phượng đỗ cành sen dâu”. 

Vậy cành sen dâu là cành gì? Chẳng lẽ cũng là cành sen đất trong chùa Bối Khê?

Cũng phi lý như thế, câu ca dao “Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc/Em đã có chồng anh tiếc lắm thay” đã từng khiến người ta thắc mắc: Sao hoa tầm xuân lại màu xanh, lại còn xanh biếc? Để rồi tranh luận mãi, cuối cùng lý giải: Trong mắt người đang yêu, thì hoa tầm xuân hóa màu xanh biếc thôi. Trong mắt người đang yêu, thì sự phi lý nào của người yêu cũng đều chấp nhận được cả.

Lý giải ấy lô gic với cách nghĩ trong câu ca dao: “Lỗ mũi mười tám gánh lông/Chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho/Đi chợ thì hay ăn quà/Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm” ấy thôi.

Trong số các câu ca dao về tình yêu đôi lứa, có câu: “Gần nhà mà chẳng sang chơi/Để anh bắc ngọn mùng tơi làm cầu” cũng là kiểu phi lý ấy. Làm cầu thì phải là sắt thép xi măng, hoặc cây gỗ cứng, cùng lắm là cây tre. Ngọn mùng tơi dùng móng tay bấm được, ngọn mùng tơi được ví như loài yếu ớt (nhà giàu dẫm phải gai mùng tơi) thì sao bắc được làm cầu? Thế mà có ai đi tìm loại mùng tơi dùng để bắc cầu như đi tìm cành hoa sen để có thể mắc chiếc áo lên đâu? Vì ai cũng hiểu chẳng qua là cái cách ỡm ờ của người đang yêu.

Du khách tham quan, chụp ảnh tại hồ sen thôn Bình Ca, xã An Khang, TP Tuyên Quang. Ảnh: Nguyễn Chính.

Lý do thứ hai tôi thấy không cần tranh luận về cành hoa sen là vì chàng trai đâu phải người lo mất áo. Thông thường người mất đồ muốn thông báo để đòi lại phải có chứng cứ rõ ràng, địa điểm mất hẳn hoi. Đằng này một mặt chàng nói quên áo, một mặt chàng lộ rõ lý do không cần có lại áo để mặc: “Em được thì cho anh xin/Mang về anh để làm tin trong nhà”. Nhà chàng có điều kiện đến mức sẵn sàng giúp cô gái cả thúng xôi vò, cả đôi con lợn béo, cả vò rượu tăm. Những thứ chàng sẵn sàng giúp cô gái khi cô đi lấy chồng chính là những lễ vật hỏi vợ truyền thống!

Nên chuyện nhắc chiếc áo bỏ quên và cành hoa sen chỉ là cái cớ để chàng ngỏ lời với cô gái mà thôi. Việc chàng có để quên áo ở đâu cũng không quan trọng. Thậm chí có thể chàng chẳng để quên chiếc áo nào. Nên câu ca dao “Để quên chiếc áo trên cành hoa sen” chính là cách nói vu vơ, là cái cớ để nói chuyện khác, chứ không phải là bằng chứng rõ ràng về việc quên áo để đòi lại.

Mặt khác, trong đời sống người Việt, hoa sen tuy dân dã, tuy mọc từ bùn đất nhưng luôn gắn với những gì đẹp đẽ, cao quý. Chính vì vậy văn học dân gian đã có nhiều câu ca dao tôn vinh sen, mượn sen để nói tình yêu gắn bó như:

Xuống đồng ngắt lá rau xanh/Thấy chim loan phượng đỗ cành sen dâu.
Người ơi trở lại xơi trầu, Tham nơi phú quý bỏ nhau sao đành
”.

Hoặc: “Hoa sen sao khéo giữ màu/Nắng nồng không nhạt, mưa dầu không phai”, “Rủ nhau ra tắm hồ sen/Nước trong bóng mát, hương chen cạnh mình/Cứ chi vườn ngọc, ao quỳnh/Thôn quê vẫn thú hữu tình xưa nay”.

Chính vì vậy, không nên tranh luận về cành hoa sen làm gì. Ca dao được cất lên từ quá trình lao động, từ đời sống tình cảm của người dân trong dân gian. Hiểu về ca dao, hiểu cách nghĩ, cách cảm của người lao động, ta sẽ hiểu cả cái hay lẫn cái phi lý của mỗi câu từ trong đó.

Hà Linh

Tin cùng chuyên mục