Đây là vấn đề được nhiều bạn đọc quan tâm trong thời gian vừa qua. Tiếp tục diễn đàn trao đổi này, báo Tuyên Quang Cuối tuần giới thiệu bài nghiên cứu về thành cổ Tuyên Quang của tác giả Mạc Ninh.
Việc nhà Nguyễn cho xây thành thì sử sách đã chép rõ, chỉ chia sẻ cùng bạn đọc mấy điểm sau:
Tìm hiểu lịch sử không chỉ riêng tiếp cận một hướng là tài liệu thành văn. Có những sự kiện diễn ra trên thực tế nhưng không thấy ghi trong sách sử. Chẳng hạn, sự kiện thổ binh châu Vị Long tham gia đánh sang châu Ung năm 1075, chỉ biết được nhờ tấm bia chùa Bảo Ninh ở Yên Nguyên. Cũng như thế, khi chưa thấy sách nào viết Nhà Mạc tổ chức đắp thành thì chưa thể khẳng định việc ấy không diễn ra.
Sử gia phong kiến gọi là Ngụy Mạc, không thừa nhận bất cứ thứ gì khả dĩ là tốt đẹp của triều đại này kể cả việc đắp thành. “Trấn sở đời Lê đóng ở đây” (thành Nhà Mạc). Điều này cũng chưa thể nói nhà Lê cho đắp thành. Dẹp được nhà Mạc, tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh phải lo đối phó với Chúa Nguyễn ở Đàng Trong, chắc đâu lo đắp thành ở Tuyên Quang.
Nhìn nhận khách quan, ở buổi đầu, Nhà Mạc có những chính sách tiến bộ. Trong 65 năm thịnh trị, Nhà Mạc mở 22 khoa thi Hội, lấy đậu tiến sỹ 484 người, lấy đậu trạng nguyên 11 người. Trong đó có những nhân vật nổi tiếng như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trạng Kế Giác Hải. Việc xây dựng tuyến phòng ngự từ xa nhằm bảo vệ căn cứ Cao Bằng, vua tôi Nhà Mạc có kiến thức quân sự. Ở những nơi Nhà Mạc đắp thành: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Tuyên Quang... đều có đặc điểm lợi dụng địa thế tự nhiên và truyền thuyết thành đắp xong trong một đêm. Hiển nhiên, không ai cho truyền thuyết là sự thật cả trăm phần. Tuy nhiên truyền thuyết trên phản ánh việc đắp thành diễn ra khẩn trương và có đông người tham gia.
“Sau khi Mạc Mậu Hợp chết nhà Mạc đã sụp đổ... có lần đánh về kinh thành”. Điều đó chứng tỏ Nhà Mạc mới suy mà chưa đổ.
“... hậu duệ nhà Mạc được sự bảo trợ của nhà Minh và được sự đồng ý của của nhà Lê - Trịnh chiếm giữ và tồn tại trên đất Cao Bằng 85 năm nữa...” Nhà Minh không “bảo trợ” mà chấp nhận Nhà Mạc tồn tại, không đem quân xâm lược Đại Việt một phần vì ngoại giao linh hoạt, “thần phục giả vờ” của Nhà Mạc; một phần vì số quan Nhà Minh ở vùng biên giới lo sợ chiến tranh nếu xảy ra thì họ là người gặp nguy hiểm trước tiên. Trạng Trình
Nguyễn Bỉnh Khiêm mới là người đã hiến kế cho Nhà Mạc cố thủ ở Cao Bằng: “Sau này nếu có biến cố thì đất Cao Bằng dẫu nhỏ cũng có thể hưởng phúc được vài đời”. Tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh 3 lần sang xin viện binh đánh Mạc và không thể “đồng ý” cho kẻ thù tồn tại. Anh em, cha con họ Vũ “phù Lê”, lực lượng mạnh ở thời kỳ đầu song hậu duệ thì suy yếu, có lúc cát cứ chống nhà Lê, có lúc lại theo nhà Mạc. Năm 1594, Vũ Đức Cung làm phản, sau đó xin hàng, được vua tha tội. Năm 1599 Vũ Đức Cung lại làm phản, tiếm xưng là Long Bình Vương.
“... xã Đại Đồng là trấn lỵ của Tuyên Quang thời nhà Lê...”.
Lê Quý Đôn - Kiến văn tiểu lục: “Giữa niên hiệu Bảo Thái (1720 - 1729) đặt nhà trạm: Từ xã Thúc Thủy là lỵ sở trấn Tuyên Quang trở lên đến khe Tham Thổ, thuộc xã Tụ Long châu Vị Xuyên đường đi gồm 40 ngày”. Thúc Thủy hiện là tên một thôn thuộc xã An Khang. Quốc sử Tổng tài Lê Quý Đôn viết sách từ thời Lê và từng đi khảo sát đất Tuyên Quang.
Tại sao bao đời nay người dân vẫn gọi là thành Nhà Mạc. Đơn giản chỉ là do những người bị bắt đi đắp thành nói ra rồi truyền mãi về sau. Tên thành nhà Bầu, kênh nhà Lê cũng ra đời như thế. Danh xưng thành Tuyên Quang tồn tại trong văn bản, còn trong dân đó vẫn là thành Nhà Mạc. Bảo tàng Tuyên Quang đang trình dự án khai quật ngôi thành này. Hy vọng có thể đem đến câu trả lời thỏa đáng.
Gửi phản hồi
In bài viết