Vòng xoáy khủng hoảng bất ngờ bao trùm Hàn Quốc

Hàn Quốc rơi vào khủng hoảng chính trị lớn nhất trong nhiều thập kỷ sau khi Tổng thống Yoon Suk Yeol tuyên bố thiết quân luật nhằm ngăn chặn “các lực lượng chống phá nhà nước” trong số những đối thủ chính trị của mình. Các nhà lập pháp Hàn Quốc đã bác bỏ sắc lệnh này, trong khi người biểu tình tập trung bên ngoài trụ sở Quốc hội để phản đối.

han-quoc.jpg

Người dân Hàn Quốc biểu tình phản đối lệnh thiết quân luật.

Thông tin cập nhật đến cuối giờ chiều 4-12 cho hay, 190 nghị sĩ đảng Dân chủ đối lập chính và 5 đảng nhỏ khác, trong đó có đảng Tái thiết Hàn Quốc và đảng Cải cách, đã đệ trình đề nghị luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol sau khi tuyên bố lệnh thiết quân luật của ông bị bác bỏ. Đề nghị này sẽ được báo cáo lên phiên họp toàn thể của Quốc hội vào ngày 5-12 và đưa ra bỏ phiếu vào ngày 6-12 hoặc 7-12. Để quyết định luận tội Tổng thống được thông qua, phe đối lập phải vận động được 2/3 số nghị sĩ trong 300 thành viên của Quốc hội.

Đồng won đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm và tài sản trong nước của Hàn Quốc trên thị trường nước ngoài đã giảm đáng kể. Theo thông tin mới nhất, giá trị giao dịch đồng won trên thị trường đã giảm xuống mức 1.442won/1USD. Chỉ số chứng khoán chuẩn của quốc gia, KOSPI đóng cửa ở mức 2.464 điểm, giảm 1,44%, hay 36,1 điểm, so với mức đóng cửa của phiên trước.

Bộ Tài chính Hàn Quốc đã phải tổ chức cuộc họp khẩn cấp và ngay lập tức triển khai "thanh khoản không giới hạn" vào các thị trường tài chính nội địa nếu cần thiết, cho đến khi chỉ số cổ phiếu, trái phiếu, tài trợ ngắn hạn và ngoại tệ ổn định hoàn toàn. Bộ này cũng thành lập một nhóm giám sát 24/24 giờ, sẵn sàng phản ứng để giảm thiểu tác động đến nền kinh tế. Ngân hàng Hàn Quốc cho biết, cơ quan này bắt đầu các hoạt động mua lại, đặc biệt từ ngày 4-12 và nới lỏng các chính sách thế chấp liên quan đến mua lại để tăng nguồn cung thanh khoản cho đến khi thị trường tài chính và ngoại hối ổn định.

Về mặt quốc tế, cuộc khủng hoảng tại Hàn Quốc - quốc gia đã hình thành nền dân chủ từ những năm 80 của thế kỷ trước và là đồng minh quan trọng của Mỹ ở châu Á, đã gây ra nhiều lo ngại cho cộng đồng quốc tế. Cụ thể, động thái thiết quân luật sẽ làm phức tạp các cuộc thảo luận ngoại giao của Hàn Quốc. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Hàn Quốc đang tìm kiếm vị thế trên các diễn đàn thế giới, nhất là trước thềm nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump (vào ngày 20-1-2025) - người có quan điểm bất đồng với người tiền nhiệm về chính sách liên quan tới thương mại và chi trả cho quân đội Mỹ đồn trú tại nước này.

Một số nhà phân tích quốc tế nhận định, việc Tổng thống Yoon Suk Yeol bất ngờ ban hành lệnh thiết quân luật ngày 3-12 là một “động thái cực đoan”, có khả năng bắt nguồn từ sự thất vọng của ông trước tình trạng bế tắc chính trị. Tuy nhiên, chỉ sau 1 ngày, Tổng thống Yoon Suk Yeol đã phải tuyên bố dỡ bỏ lệnh này, tuân theo kết quả bỏ phiếu của Quốc hội. Trên thực tế, Hiến pháp Hàn Quốc chỉ cho phép tuyên bố thiết quân luật trong những trường hợp khẩn cấp quốc gia nghiêm trọng, chẳng hạn như thời chiến hoặc các sự cố cần thiết về quân sự... Tình huống mà ông Yoon Suk Yeol đưa ra để ban hành lệnh thiết quân luật được cho là không phù hợp với các tiêu chí đó.

Thời gian qua, Tổng thống Yoon Suk Yeol và các đảng đối lập thường xuyên bất đồng, trong khi Quốc hội do phe đối lập kiểm soát. Những quyết sách gây tranh cãi, đặc biệt là trong cuộc đối đầu với các nhóm chuyên môn như công đoàn và giới y tế; kế hoạch tăng 2.000 sinh viên y khoa mỗi năm và yêu cầu các bác sĩ đình công quay lại làm việc đã tạo ra những bất đồng sâu sắc trong xã hội. Sắc lệnh bất ngờ của Tổng thống Hàn Quốc được cho là nhằm vào các đối thủ chính trị. Ngay cả các nghị sĩ đảng cầm quyền cũng kêu gọi ông rút lại sắc lệnh này. Trợ lý cấp cao của Tổng thống bao gồm Chánh Văn phòng Chung Jin-suk, Cố vấn An ninh quốc gia Shin Won-sik, Chánh Văn phòng phụ trách chính sách Sung Tae-yoon cũng như 7 trợ lý cấp cao khác đệ đơn từ chức...

Theo các nhà phân tích, sự kiện thiết quân luật không chỉ là một sự cố chính trị đơn thuần, mà còn là một dấu hiệu cho thấy những thách thức lớn đối với nền dân chủ Hàn Quốc. Tương lai chính trị của Tổng thống Yoon Suk Yeol đang ở trong giai đoạn vô cùng khó khăn, với nguy cơ mất uy tín và sự ủng hộ từ cả trong nước và quốc tế.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục