“Vùng đất màu mỡ” cho điện ảnh Việt Nam

Điện ảnh Việt Nam và điện ảnh thế giới luôn đặt các tác phẩm phim truyện khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể văn học ở vị trí quan trọng.

Khán giả xếp hàng mua vé “Đào, Phở và Piano” trong ngày 22/2 tại cụm rạp Beta. (Ảnh HỒNG HÀ)

Mặc dù đầy tiềm năng và đã có từ lâu nay, nhưng theo giới chuyên môn, việc phát triển, sản xuất mảng phim này vẫn là một “mảnh đất màu mỡ” chưa được khai thác hiệu quả, còn để lại khoảng trống trong bức tranh toàn cảnh của điện ảnh Việt Nam.

Điện ảnh Việt Nam đã từng có nhiều bộ phim đề tài lịch sử ghi được dấu ấn sâu đậm như: “Sao Tháng Tám”, “Hà Nội mùa đông năm 46”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”… hay các bộ phim ra mắt cách đây chưa lâu như: “Long Thành cầm giả ca”, “Những người viết huyền thoại”, “Mùi cỏ cháy”, “Đào, phở và piano”…

Trong khi đó, phim chuyển thể từ tác phẩm văn học đạt được thành công phải kể tới: “Chị Tư Hậu” (từ truyện ngắn “Một chuyện chép ở bệnh viện” của Bùi Đức Ái); “Con chim vành khuyên” (từ truyện ngắn “Câu chuyện một bài ca” của Nguyễn Văn Thông); “Mẹ vắng nhà” (từ truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Thi); “Bến không chồng” (từ tác phẩm của nhà văn Dương Hướng); “Mê Thảo-thời vang bóng” (từ truyện “Chùa Đàn” của nhà văn Nguyễn Tuân); “Đừng đốt” (dựa trên cuốn nhật ký của liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm)…

Dù vậy, so với tầm văn hóa, lịch sử của dân tộc và những yêu cầu thực tiễn đời sống, cả số lượng và chất lượng tác phẩm điện ảnh đều chưa đáp ứng.

Xem các tác phẩm kinh điển về đề tài lịch sử của các nền điện ảnh nổi tiếng thế giới, chúng ta thấy họ đầu tư làm phim một cách công phu, bảo đảm tính chân xác của lịch sử từ trang phục, đạo cụ, không gian, cho đến ngôn ngữ, tâm lý… nhân vật…, trong khi phim chuyển thể từ tác phẩm văn học cũng kỹ lưỡng uyển chuyển và mang tính nghệ thuật cao. Những bộ phim như vậy đã thu hút lượng khán giả đáng kể, thôi thúc họ tìm hiểu mở rộng tầm nhìn, hiểu biết về lịch sử, văn học của những quốc gia này.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho rằng, đây là vấn đề rất đáng quan tâm, trăn trở. Bản thân ông đã có một số tác phẩm được chuyển thể sang điện ảnh, như: “Mùa hoa cải ven sông”, “Xứ sở cây ổi còng” và mỗi khi xem một bộ phim đề tài lịch sử chuyển thể từ văn học là tìm lại dữ liệu gốc để mở rộng thông tin, kiến thức.

Hầu hết tác giả đều mong muốn tác phẩm của mình được chuyển thể, nhưng đó là công việc đầy thách thức từ chính các nhà làm phim, nhà quản lý… Phân tích nguyên nhân thiếu hụt về số lượng, chất lượng phim mảng này, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng, đôi khi các nhà làm phim trong nước còn bị lệ thuộc cứng nhắc vào nội dung lịch sử hoặc tác phẩm văn học gốc, chưa có sự sáng tạo trong tư duy điện ảnh, thể hiện góc nhìn riêng, tạo dựng đời sống cho nhân vật, trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử và không đi ngược tinh thần chủ đạo với nguyên bản văn học.

Cùng quan điểm nêu trên, đạo diễn Charlie Nguyễn khẳng định, hai mảng phim nêu trên mang đến những giá trị đặc biệt và khác biệt cho sự phát triển của nền điện ảnh. Ai trong ngành điện ảnh cũng ấp ủ dự định nhưng vượt qua rào cản tâm lý, phát huy bản lĩnh, sáng tạo và có hiểu biết sâu sắc thì không phải ai cũng đáp ứng được.

Thí dụ, làm phim về đề tài lịch sử, đạo diễn phải tìm hiểu, nghiên cứu kỹ nhất có thể về các sự kiện, nhân vật rồi mới bắt tay vào sáng tạo. Đó không chỉ là nguyên tắc mang tính nền tảng mà còn là đạo đức nghề nghiệp.

Tuy nhiên, nhiều nhà làm phim chưa đáp ứng điều kiện tối thiểu này. Bên cạnh đó, còn tồn tại nhiều khó khăn khác, như: Kinh phí tốn kém vì phải dựng bối cảnh, trang phục, đạo cụ; thách thức về doanh thu, thương mại nên khó thuyết phục nhà đầu tư và khán giả đến xem để thu hồi vốn…

Có thể nói, mảng phim khai thác đề tài lịch sử, chuyển thể từ tác phẩm văn học đã và đang cần sự quan tâm thiết thực hơn, có cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước. Cụ thể, muốn vận hành một dự án phim về đề tài lịch sử cần có chính sách ưu đãi về thuế, vay vốn, tạo điều kiện lập phim trường, xây dựng kho đạo cụ về các giai đoạn lịch sử để tiếp tục khai thác, tận dụng về sau.

Ông Qian Zhongyuan, Giám đốc sản xuất As One Production (Trung Quốc) - nhà sản xuất nhiều bộ phim lịch sử thành công, đã chia sẻ kinh nghiệm về khai thác đề tài lịch sử trong điện ảnh. Theo ông, muốn làm phim về lịch sử tốt, cần mở mang góc nhìn và tư duy. Những sự kiện chính sử phải tôn trọng, không thể làm khác. Nhưng trên nền tảng lịch sử luôn có không gian để nhà làm phim sáng tạo và tận dụng.

Nhiều quốc gia đang có chính sách khuyến khích làm phim lịch sử, phim chuyển thể từ tác phẩm văn học. Các nhà làm phim luôn được nhà nghiên cứu, chuyên gia trong ngành hỗ trợ trong suốt quá trình làm phim. Hơn nữa, làm phim về những đề tài này còn được ủng hộ về kinh phí. Các địa phương đều có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện quay phim ở những địa điểm mong muốn, vì nếu điện ảnh thành công sẽ kích cầu du lịch.

Theo nhận định của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, tôn trọng lịch sử là trách nhiệm đạo đức nhà làm phim. Luật Điện ảnh có một số quy định nhằm bảo vệ sự thật lịch sử. Đây là những ranh giới cần thiết nhằm bảo đảm các tác phẩm không đi lệch khỏi mục tiêu giáo dục và tôn vinh lịch sử.

Nhưng, nghệ thuật vẫn có chỗ cho sự sáng tạo trong các “khoảng trống” để làm cho câu chuyện trở nên hấp dẫn và có sức sống hơn. Kết hợp giữa tính xác thực và sáng tạo, điện ảnh lịch sử sẽ có thể chạm đến trái tim khán giả, tạo nên những tác phẩm vừa có giá trị giáo dục vừa mang tính nghệ thuật cao và mục tiêu của đặt hàng điện ảnh là để hướng đến mục đích này.

Trong buổi chiếu phim “Hà Nội mùa đông năm 46” và giao lưu giữa đoàn làm phim với khán giả thuộc chuỗi hoạt động Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ 7 năm 2024 vừa qua, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã chia sẻ niềm xúc động khi thấy khán giả vẫn tìm đến với bộ phim sau 28 năm phát hành.

Điều đó chứng tỏ khán giả không hề quay lưng với văn hóa, lịch sử dân tộc mà vẫn thiết tha, sâu nặng. Sau gần ba thập kỷ, bộ phim vinh dự được trở lại phục vụ khán giả Thủ đô, mang đến những hình ảnh ấn tượng về Hà Nội, Bác Hồ và những người lính tự vệ trong thời kỳ cam go của đất nước.

Đạo diễn Ngô Quang Hải (vai Lâm trong phim) cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng tạo nên thành công của phim chính là tinh thần yêu nước xuất phát từ trái tim, tâm hồn, nhiệt huyết của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Đó là giá trị mang tính quyết định để bộ phim không dừng lại ở phạm vi tác phẩm điện ảnh mà trở thành một di sản văn hóa.

Một trong những vấn đề mang tính điểm nhấn, gợi ý giải pháp để nâng cao số lượng, chất lượng các mảng phim quan trọng trên đó là: Cần nhận thức sâu sắc và phù hợp. So với các giai đoạn trước, Luật Điện ảnh năm 2022 đã có nhiều quy định cởi mở nhằm phát triển thị trường điện ảnh trong các lĩnh vực sản xuất, phát hành, phổ biến phim.

Việc quy định mở rộng đề tài, thể loại phim và thực hiện việc đặt hàng sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước (không qua đấu thầu) tạo thuận lợi cho việc sáng tạo tác phẩm điện ảnh, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước, quảng bá truyền thống dân tộc, hình ảnh đất nước, con người và bản sắc văn hóa Việt Nam. Hiện nay, số lượng phim truyện trong nước sản xuất hằng năm khoảng 40 phim, ở mức trung bình nhưng tiềm năng phát triển sản xuất phim còn rất phong phú.

Các chuyên gia về điện ảnh nhấn mạnh, xét cho cùng, yếu tố quyết định vẫn là tài năng, bản lĩnh của người làm phim. Họ cần hết mình và tin tưởng vào con đường đã lựa chọn. Ở góc độ quản lý, cần thêm nhiều đổi mới trong tư duy, vận hành và ngay cả khán giả cũng cần mở rộng để tránh cái nhìn hạn hẹp, áp đặt.

Đề tài lịch sử và tác phẩm văn học qua lăng kính điện ảnh sẽ càng trở nên hấp dẫn hơn, lan tỏa nhiều thông điệp ý nghĩa nhằm góp phần giáo dục, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc.

Làm thế nào để những tác phẩm khai thác các mảng đề tài này thật sự có giá trị, thu hút khán giả luôn là một bài toán khó khiến các nhà làm phim lúng túng, chần chừ. Tích cực phát hiện, bồi dưỡng tài năng; khuyến khích sự sáng tạo trong chuẩn mực nhất định; học hỏi kinh nghiệm hữu ích từ quốc tế… là những giải pháp được giới chuyên môn trong nước và quốc tế đưa ra với mong muốn có thể tháo gỡ khó khăn, phát huy tiềm năng của điện ảnh Việt Nam.

Theo Baonhandan

Tin cùng chuyên mục