Việc xếp lương khi chuyển chức danh nghề nghiệp viên chức
BHG - Ông Vàng Văn Kim hỏi: Tôi là giáo viên Trường Phổ thông cơ sở xã N, hiện tôi đang hưởng mức lương mã số 15.114, hệ số 4,06 + 11% thâm niên vượt khung, nay tôi được cơ quan có thẩm quyền chuyển chức danh nghề nghiệp sang nhân viên phục vụ, vậy tôi sẽ được xếp lương như thế nào để không bị thiệt thòi?
Trả lời: Tại Khoản 2, Mục II Thông tư số 02/2007/TT - BNV ngày 25/5/2007 của Bộ Nội vụ quy định “Xếp lương khi chuyển ngạch trong cùng loại công chức, viên chức như sau:
a. Trường hợp được bổ nhiệm vào ngạch mới trong cùng nhóm ngạch với nhóm ngạch cũ (ngạch cũ và ngạch cũ có cùng hệ số bậc lương), thì xếp ngang bậc lương và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) đang hưởng ở ngạch cũ (kể cả tính thời gian xét nâng lương lần sau hoặc xét hưởng phụ cấp thâm niên nếu có ở ngạch cũ) sang ngạch mới.
b. Trường hợp được bổ nhiệm vào ngạch mới có hệ số lương cùng bậc cao hơn ngạch cũ (ví dụ từ ngạch thuộc A2.2 sang ngạch thuộc A2.1), thì thực hiện cách xếp lương khi nâng ngạch công chức viên chức hướng dẫn tại khoản 1 mục II Thông tư này.
c. Trường hợp được bổ nhiệm vào ngạch mới có hệ số lương cùng bậc thấp hơn ngạch cũ (ví dụ từ ngạch thuộc A2.1 sang ngạch thuộc A2.2), thì thực hiện như cách xếp lương hướng dẫn tại điểm a khoản 2 này và được hưởng thêm hệ số chênh lệch bảo lưu cho bằng hệ số lương
(kể cả phụ cấp thâm niên vượt khung nếu có) đang hưởng ở ngạch cũ. Hệ số chênh lệch bảo lưu này được thực hiện như hướng dẫn tại điểm c khoản 1, mục II Thông tư này.”
Theo hướng dẫn tại Điểm c, Khoản 1, Mục II Thông tư số 02/2007/TT - BNV quy định : “ Hệ số chênh lệch bảo lưu tại điểm c này (tính tròn sau dấu phẩy 2 số) được hưởng suốt trong thời gian công chức, viên chức xếp lương ở ngạch mới. Sau đó, nếu cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục được nâng ngạch hoặc chuyển ngạch khác, thì được cộng hệ số chênh lệch bảo lưu này vào hệ số lương (kể cả phụ cấp thâm niên vượt khung, nếu có) đang hưởng để xếp lương vào ngạch được bổ nhiệm khi nâng nâng ngạch hoặc chuyển ngạch và thôi hưởng hệ số chệnh lệch bảo lưu kể từ ngày hưởng lương ở ngạch mới.”
Căn cứ các quy định nêu trên trường hợp của ông Kim là giáo viên Trường Phổ thông cơ sở, hiện đang hưởng mức lương (Mã số 15.114) giáo viên tiểu học, hệ số 4,06 + 11% thâm niên vượt khung, khi chuyển sang chức danh nghề nghiệp là nhân viên phục vụ (Mã số 01.009) được xếp hệ số lương 2,98 + 11% thâm niên vượt khung + 1,2 hệ số chênh lệch bảo lưu.
Về cách xếp lương: Trong thông tư số 02/2007/TT - BNV ngày 25/5/2007 của Bộ Nội vụ không hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp khi chuyển ngạch, chuyển chức danh nghề nghiệp bị giảm hệ số lương và tại thời điểm chuyển ngạch đã được hưởng bậc cuối cùng trong ngạch và phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ, do đó áp dụng xếp lương theo quy định tại Điểm c, Khoản 2, Mục II Thông tư số 02/2007/TT- BNV.
Về hệ số chênh lệch bảo lưu của ông Vàng Văn Kim áp dụng thực hiện như hướng dẫn tại Điểm c, Khoản 1, Mục II Thông tư số 02/2007/TT - BNV.
Với cách xếp lương như trên, tổng tiền lương sau khi chuyển ngạch với tổng tiền lương trước khi chuyển ngạch bằng nhau, do vậy quyền lợi của ông vẫn được đảm bảo.
Đào Kim Tuyến
(BHXH tỉnh)
Ý kiến bạn đọc