Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác nắm tình hình nhân dân
BHG - Dự báo, nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và định hướng dư luận xã hội là một nhiệm vụ rất quan trọng hiện nay. Thời gian qua, các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên gắn bó chặt chẽ, gần gũi nắm bắt tình hình nhân dân, kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh. Qua đó, tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH ở địa phương.
Xác định công tác nắm tình hình nhân dân là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, hệ thống dân vận các cấp đã tích cực tham mưu cho cấp ủy triển khai nhiều biện pháp hiệu quả, sát với tình hình thực tiễn tại các địa phương. MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động nắm tình hình nhân dân thông qua sinh hoạt định kỳ của các chi đoàn, chi hội, cán bộ hội thường xuyên sâu sát địa bàn, qua đó kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên và nhân dân để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các giải pháp tháo gỡ vướng mắc từ cơ sở.
![]() |
Lãnh đạo huyện Hoàng Su Phì tiếp xúc, đối thoại với nhân dân. |
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Triệu Quốc Lương cho biết: Thời gian qua, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác nắm bắt tình hình dư luận xã hội thông qua nhiều hình thức đa dạng như qua các hội nghị tiếp xúc cử tri; các buổi sinh hoạt đoàn thể, họp thôn, bản, tổ dân phố; đối thoại trực tiếp với người dân; qua công tác phối hợp giám sát đột xuất, trực tiếp, thường xuyên. Đặc biệt, cán bộ Mặt trận thường xuyên sâu sát địa bàn dân cư, đội ngũ này chính là đầu mối hiệu quả để nắm bắt tình hình nhân dân và dư luận xã hội. Thông qua đó, Ủy ban MTTQ đã tổng hợp những vấn đề nhân dân quan tâm để cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng từ tỉnh đến cơ sở chú trọng giải quyết. Nhờ vậy, tình hình nhân dân trên địa bàn tỉnh luôn ổn định, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các chương trình, đề án phát triển KT-XH.
Đặc biệt, các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, chính sách liên quan đến đời sống nhân dân. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, đối thoại với nhân dân; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo... Qua đó, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh từ cơ sở, không để xảy ra điểm nóng, vụ việc phức tạp, kéo dài.
Hiện nay, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã sử dụng những tiện ích của Internet để nắm tình hình tư tưởng, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên và nhân dân như thông qua mạng xã hội Zalo, Facebook, Tiktok, trang thông tin điện tử. Đồng thời, thông qua các phương tiện này cung cấp thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, những quy định giải quyết thủ tục hành chính đến người dân. Nhờ đặc điểm thông tin nhanh chóng, thuận tiện đã góp phần giúp các cơ quan, đơn vị nắm bắt thông tin, tình hình nhân dân kịp thời, hiệu quả.
Tuy nhiên, qua thực tế, công tác dự báo, phương pháp, cách thức nắm tình hình nhân dân trên địa bàn hiện chưa thành hệ thống; một số vụ việc phức tạp chưa được giải quyết dứt điểm; công tác tiếp dân, đối thoại với công dân, lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết sớm những mâu thuẫn, bức xúc ở cơ sở có nơi thiếu linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả thấp; việc lắng nghe, trao đổi, nắm thông tin để xử lý, giải quyết những nguyện vọng chính đáng của người dân ngay từ cơ sở còn chậm... Công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng nhiều nơi chưa chặt chẽ; chất lượng phân tích, dự báo, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo còn hạn chế.
Xác định công tác nắm tình hình nhân dân là một nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng trong công tác dân vận, thiết thực phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 26, ngày 5.12.2023 về đổi mới, nâng cao chất lượng công tác nắm tình hình nhân dân ở cơ sở, giai đoạn 2023 – 2028. Trong đó yêu cầu cấp ủy, Bí thư cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải quan tâm, sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác nắm tình hình nhân dân. Xây dựng cơ chế, hệ thống nắm bắt tình hình nhân dân từng cấp. Định kỳ 6 tháng/lần tổ chức gặp gỡ, họp mặt cán bộ hưu trí, đại biểu trí thức, doanh nghiệp, đại diện đồng bào các dân tộc thiểu số, tôn giáo... để lắng nghe tâm tư, tình cảm, nguyện vọng các tầng lớp nhân dân; đồng thời giải thích rõ các vấn đề quan trọng của đất nước, của tỉnh, góp phần củng cố niềm tin và tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân.
Không ngừng đổi mới, đa dạng hóa phương thức nắm tình hình nhân dân. Các cấp chính quyền tăng cường tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Xây dựng hệ thống nắm thông tin, tình hình ở thôn, tổ dân phố dựa trên nền tảng các tổ dân vận thôn, bản theo phương châm “Hiểu từng ngõ, rõ từng nhà, rà từng đối tượng”. Làm tốt công tác phân tích tình hình, sàng lọc, phân loại ý kiến, kiến nghị của nhân dân theo từng lĩnh vực, thẩm quyền giải quyết. Chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn âm mưu, ý đồ lợi dụng tín ngưỡng, dân tộc, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới.
Bài, ảnh: YÊN HOA
Ý kiến bạn đọc