Ở nơi ấy, có đá và ngô

08:32, 12/11/2007
Hơn chục năm trước qua đây, tôi cũng có chút e dè khi thấy đường nhỏ hẹp lại quanh co, có đoạn dốc như thẳng đứng. Nay đường đã mở mang rộng rãi hơn nhiều, và lại được thấy Hà Giang đang phát triển, Hà Giang sinh sôi nảy nở, Hà Giang luôn hấp dẫn cả người vùng xa...
Từ ngày đọc Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, mỗi khi nhắc đến người Mông là tôi lại bị ám ảnh bởi cái ấn tượng rằng, chàng trai Mông là phải là người to cao, lực lưỡng. Nên hàng chục năm qua, đi từ các tỉnh Việt Bắc sang Tây Bắc, rồi vào Kỳ Sơn (Nghệ An), thậm chí tới cả một bản người Mông di cư mãi tận Plây Cu,... tôi vẫn để ý xem mẫu hình con người được Tô Hoài mô tả là chân thực đến mức độ nào. Và thú thật là tôi vẫn chưa được thỏa mãn... Vậy rồi hôm mới đây, tới xã Tả Lùng (Mèo Vạc, Hà Giang) gặp đồng chí Vàng Minh Lương, Bí thư Ðảng ủy xã, thì tôi thật sự bị thuyết phục. Chào hỏi nhau xong, tôi quay sang nói ngay với anh bạn cùng đi:

- Ðây chính là mẫu hình chàng trai Mông của Tô Hoài đấy ông ạ!

Nói không ngoa, đúng là Vàng Minh Lương to cao và lực lưỡng thật, anh cao hơn tôi đến hơn một cái đầu, áo sơ-mi ngắn tay để lộ hai bắp tay cuồn cuộn, giọng nói vừa hồ hởi vừa oang oang như mang trong đó nhiệt huyết của một người đang đứng mũi chịu sào ở một xã vùng cao còn vô vàn khó khăn. Mà khó khăn ư, không riêng ở Tả Lùng này, ai cũng biết Hà Giang là vùng đất khí hậu khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, dãy núi đá này tiếp dãy núi đá kia, vào mùa mưa thì nước tràn trề, nhưng mùa mưa qua đi thì lập tức nước trở thành "khí thở", giọt nước được ví như giọt xăng. Nước ăn còn hiếm, nói gì đến nước tưới tiêu. Theo chân Vàng Minh Lương ra thăm cái "bể treo" mới hoàn thành, nhìn nét mặt hồ hởi của anh, tôi biết là anh đang rất vui. Ở Hà Giang, "bể treo" không làm bằng i-nốc cũng không mang nhãn hiệu Tân Mỹ, Sơn Hà, mà đó là chiếc bể to chứa được vài nghìn m3 nước, dùng cho cả xã, tằn tiện cũng qua được mùa khô. Bể xây bằng xi-măng cốt thép, đặt dưới một nguồn nước từ núi cao chảy xuống, Nhà nước đầu tư cho mỗi chiếc "bể treo" này ba tỷ đồng. Ở miền xuôi, số tiền ấy có khi xây được vài cái bể to tương tự, nhưng ở Hà Giang thì khác, xa xôi như thế thì đâu chỉ có công xây dựng, phải tính đến cả công vận chuyển, rồi giá vật tư..., có thời điểm cát xây dựng giá hàng triệu đồng một mét khối.

Ðối với nước thì như vậy, với cái ăn thì trước hết ở Hà Giang nhất định phải nói đến ngô. Tôi tới đây đúng vào thời điểm ngô đang thời làm sữa, áo ngô còn non tươi, nơi nào có một rẻo đất thì ở đó có ngô. Ngô bạt ngàn dọc theo các nẻo đường quanh co lên dốc xuống đèo. Ngô trải dài trên các thung lũng. Ngô lỗ đỗ xanh đến chót vót các đỉnh núi cao. Ngô như tấm thảm xanh non vắt qua núi qua đồi. Ngô nhấp nhô chen chúc trong từng hốc đá.

Hiềm một nỗi là hình như ở đây bà con không có thói quen ăn hay bán ngô luộc (?), nên một kẻ vốn "nghiện" ngô luộc như tôi chỉ biết nhìn mà thèm. Lại nhớ đến những bắp ngô nếp luộc nóng hôi hổi tôi từng được đồng bào cho ăn hồi còn đóng quân bên Lạng Sơn. Bắp ngô nếp ngắn và nhỏ nhưng ngọt, thơm và dẻo vô cùng... Nói vậy thôi, dù sao ngô luộc vẫn là món quà ăn vặt của người miền xuôi, ăn cho vui miệng, chứ mấy khi ăn no. Ở các huyện vùng cao của Hà Giang, ngô là lương thực chủ yếu, ngô làm nên mèn mén đã trở thành truyền thống trong bữa ăn hằng ngày của người Mông, cư dân chiếm tỷ lệ cao nhất so với dân cư trong cả tỉnh.

Giống như nhà ở của nhiều tộc người ở vùng biên ải, ngôi nhà của người Mông ở Hà Giang cũng na ná như ngôi nhà của người Nùng, bốn vách chung quanh làm theo kiểu chình tường, còn mái nhà thì trước đây lợp ngói ống nay là tấm lợp phibrô xi-măng. Vào ngày trời nắng quang mây, từ núi cao nhìn xuống, khu dân cư nhà lợp phibrô xi-măng cứ loang loáng như "pin mặt trời", nghe nói để có tấm lợp như thế, công sức của Nhà nước, nhân dân đã bỏ ra không phải là ít. Nhà chình tường của cư dân Hà Giang thường khá dày, vừa ấm vào mùa đông vừa mát vào mùa hạ. Cửa ra vào thường bé xíu, nghe nói ngày trước, đề phòng trộm cướp và thổ phỉ, khuôn cửa nhỏ chính "lỗ châu mai", khi có biến là mỗi gia đình có thể cố thủ trong đó, ngôi nhà có vai trò như chiếc "lô cốt". Bây giờ những ngôi nhà như vậy vẫn là phổ biến, nhưng cuộc sống yên bình rồi, ngô và đậu tương treo đầy chung quanh, hàng dãy những bắp ngô lủng liểng ra tận phía sau nhà.

                            
                          Làm duyên xuống chợ - nét văn hóa của
                        đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang.

 Nhà Giảng Seo Mẩy ở xã Pả Vi, ngay cạnh đường, đường to rải bê-tông nhựa hẳn hoi, đủ vài làn xe chạy. Vẫn là nhà của người Mông nhưng không nằm chon von bên sườn núi mà lại nằm lọt thỏm giữa ngút ngàn một loại cỏ xanh non như mầm mía, cao gần bằng đầu người. Ðó là giống cỏ Goatêmala mới nhập, trồng để nuôi bò. Seo Mẩy đang hí húi xe lanh. Cái vòng xe lanh đặt ở đầu hồi, có đường kính tới 5 - 6 m đang cần mẫn quay đều, nó giúp Seo Mẩy làm ra thổ cẩm, từ đó mà thành váy thành khăn.
Ở Hà Giang cả tuần, đã tới nhiều bản người Mông, nhưng hầu như tôi chưa gặp một cô gái người Mông nào đeo lù cở vừa đi vừa xe lanh như ở bên Tây Bắc. Hay là ở vùng này, các chị, các cô chủ yếu xe sợi lanh bằng vòng quay như ở nhà Seo Mẩy?

Seo Mẩy chăm chú ngồi vuốt từng sợi lanh tưởng như dài mãi không dứt. Ðã hai con rồi mà chị vẫn  còn e thẹn khi có khách lạ đến nhà. Má ửng hồng, tay xe lanh hình như luống cuống. Seo Mẩy chỉ thật sự rôm rả khi tôi hỏi về cuộc sống gia đình. Hai chiếc xe máy dựng ngoài sân, chiếc ti-vi màn hình phẳng 21 inh đang loang loáng một màn múa hát, một đàn bò sáu con đang thong thả nhai cỏ trong chuồng... Rồi nữa là mấy sào đất trồng cỏ Goatêmala, là mấy nương ngô phía núi sau nhà. Có làm thì có ăn, làm có kế hoạch, có khoa học thì cái ăn càng nhiều hơn.

- Nhà mình đủ ăn rồi, mỗi năm bán bò, bán lợn được mấy chục triệu đồng mình gửi ngân hàng, vài năm nữa mình xây nhà tầng.
Seo Mẩy nói vậy và tôi tin kế hoạch của gia đình chị nhất định sẽ hoàn thành.

Nuôi bò vốn là nghề chăn nuôi có tuổi lịch sử đã khá lâu ở Mèo Vạc. Nghe kể lại rằng, ngày trước vào phiên chợ, bà con người Mông dắt bò xuống chợ chủ yếu để "khoe" với nhau, xem bò của nhà anh, bò của nhà tôi con nào hơn con nào, to béo, khỏe mạnh ra sao. Bò như là một tiêu chí để đánh giá khả năng làm ăn của từng gia đình. Dần dà về sau, bắt đầu xuất hiện việc đổi bò, nghĩa là nếu anh thích con bò của nhà tôi thì chúng ta đổi cho nhau, song anh phải "các" thêm cho tôi một cái gì đó, vì anh thích con bò của tôi cơ mà.

Kinh tế tự nhiên với quan niệm giản dị của nó về sau đã bị "biến dạng" khi xuất hiện cánh thương lái từ dưới xuôi lên và bà con cũng thấy việc bán con bò, con gà... ngoài chợ để lấy tiền mua dầu hỏa, mua muối... là chuyện bình thường.

Lại nhớ tới câu chuyện do một người bạn kể cho nghe về "cái lý của người Mông". Chuyện rằng, có hai anh ăn trộm bị mang ra xử, một anh lấy cái xe điếu và một anh lấy cái nhẫn vàng. Sau khi nghe trình bày, già bản phán quyết anh ăn trộm nhẫn vàng sẽ bị phạt nhẹ hơn, vì nhẫn vàng là thứ đắt và hiếm nên anh ta phải đi ăn cắp. Còn anh trộm xe điếu thì bị phạt nặng hơn, vì xe điếu là thứ dễ làm, ai cũng có thể làm được, vậy mà anh ta lười nhác không chịu làm, lại đi ăn cắp, nên phải phạt nặng!

Theo tôi, câu chuyện này là bằng chứng rất cụ thể chứng minh sự khác nhau trong văn hóa có ý nghĩa như thế nào. Nhiều người thường lấy giá trị thương mại để đánh giá sự vật và như thế, hẳn là cái nhẫn vàng sẽ có giá trị hơn cái xe điếu làm bằng rễ cây vầu. Nhưng nếu lấy thái độ lao động để đánh giá thì hiển nhiên cái anh chàng lười nhác đến mức có cái xe điếu cũng không chịu làm cho mình thì đúng là phải phạt nặng hơn thật.

Mỗi "cái lý" đều có căn nguyên riêng của nó, đó cũng là sản phẩm của văn hóa cộng đồng, là cách thức mỗi cộng đồng xác định để làm hình thành nên những nguyên tắc ứng xử riêng nhằm duy trì sự ổn định cuộc sống. Nên tôi rất dị ứng với những ai có xu hướng lấy nguyên tắc ứng xử của cộng đồng mình làm tiêu chí đánh giá nguyên tắc ứng xử của cộng đồng khác, tôi coi đó là thái độ thiếu văn hóa trong các tiếp xúc dân tộc.

Ði lên vùng cao, thi thoảng phải nghe cái giọng nói mang sắc thái hợm hĩnh, giễu cợt của vài ba người miền xuôi khi tiếp xúc với đồng bào dân tộc thiểu số là tôi chỉ muốn quay đi, vì xấu hổ thay cho cái sự kém văn hóa của họ. Chúng ta sống với nhau bằng tình người, bằng sự tôn trọng; xem thường văn hóa của người khác đồng nghĩa với sự không tôn trọng chính mình. Dường như đó cũng là một trong những điều cần phải được xác lập trong quan niệm sống của mỗi người chúng ta trong khi cùng nhau xây dựng và phát triển nền văn hóa mới.

Ði từ Mèo Vạc sang Ðồng Văn, đường cứ liên tục lên dốc xuống đèo, mây trắng giăng giăng. Từ trên đỉnh Mã Pí Lèng, lúc trời hửng nắng, nhìn xuống phía dưới thấy dòng sông Nho Quế bé xíu, như một dải lụa trắng ngà uốn lượn.

Ði ô-tô từ Mèo Vạc sang Ðồng Văn, người ưa ngắm cảnh mây trời sông nước sẽ thấy như bị thiệt thòi vì ngồi ở phía bên trái xe, phía ấy chỉ có ta-luy và ta-luy, chẳng thấy núi, chẳng thấy mây. Nhưng người yếu tim thì hẳn cũng không dám ngồi phía bên phải, vì luôn bắt gặp những vực sâu thăm thẳm.
Hơn chục năm trước qua đây, tôi cũng có chút e dè khi thấy đường nhỏ hẹp lại quanh co, có đoạn dốc như thẳng đứng. Nay đường được mở mang rộng rãi hơn nhiều, nhưng rồi cái "e dè" ngày trước vẫn cứ trở lại. Lại nể phục các anh lái xe đường dài, phải là người bản lĩnh lắm mới có thể hằng ngày hành trình trên những con đường mà chỉ cần lơi là tay lái một lúc thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra...

Hà Giang là vậy, giữa bao nhiêu khó khăn, nhưng Hà Giang vẫn phát triển, Hà Giang vẫn sinh sôi nảy nở, Hà Giang vẫn hấp dẫn những người vùng xa. Như hôm ở thị trấn Tam Sơn, tò mò vì nghe giọng nói là lạ mà tôi lại được làm quen với một cô gái quê ở quận 7, TP Hồ Chí Minh. Nguyễn Thu Thảo lấy chồng vài năm rồi về quê chồng sinh sống. Chồng chị ở Tam Sơn, vào nam học trung cấp, anh chị gặp nhau rồi nên vợ nên chồng. Về quê chồng chưa được bao lâu nhưng Thu Thảo đã sớm thích nghi. Chị bảo, đất nước mình đâu cũng là nhà, mỗi năm về thăm ba má một lần là sung sướng lắm rồi. Nhìn thằng cu con líu lo pha chút giọng Nam Bộ, lon ton chạy ra chạy vào, lại nghĩ tới lời cha ông rằng "đất lành chim đậu". Chú bé rồi đây sẽ lớn lên, quê bắc quê nam, và Hà Giang - TP Hồ Chí Minh dù xa mấy cũng thành gần. Ðến Hà Giang những ngày này, tôi tin Hà Giang sẽ không mãi mãi chỉ là xứ sở chỉ có đá và ngô.

Nhandan

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nơi cung cấp nguồn nhân lực kỹ thuật
(HGĐT)- Trong nhiều năm qua, đặc biệt là sau một năm, kể từ khi trở thành trường Trung cấp nghề, công tác đào tạo nghề tại nhà trường luôn nhận được sự quan tâm đầu tư về cơ sở, vật chất và đội ngũ cán bộ, giáo viên của Tổng Cục dạy nghề, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các cấp, các ngành trong tỉnh.
31/10/2007
Sống hết mình vì những điều mình mơ ước
“Không biết đến bao giờ con mới biết lo lắng cho tương lai của mình đây!”. Mẹ tôi nói vậy mỗi lần tôi trở về nhà sau những cuộc vui thâu đêm với bạn bè.
30/10/2007
Những người trẻ lao vào điểm nóng
Lễ tuyên dương điển hình tiên tiến cuộc vận động “Tuổi trẻ xung kích tình nguyện giữ gìn trật tự ATGT” được tổ chức sáng nay 25/10 tại Hà Nội.
25/10/2007
Yên Phú trên đường “lên” thị trấn
(HGĐT)- Xã Yên Phú là trung tâm chính trị, KT-VH của huyện Bắc Mê, những năm qua, Đảng ủy, chính quyền và nhân dân trong xã đã có nhiều cố gắng để khai thác, phát huy những lợi thế đó.
24/10/2007