Giải quyết việc làm cho người lao động ở Hà Giang
(HGĐT)- Là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, trước mắt cũng như thời gian tới, xoá đói giảm nghèo vẫn là nhiệm vụ quan trọng của Hà Giang. Thực tế cho thấy để xoá đói giảm nghèo một cách bền vững thì vấn đề cơ bản nhất chính là tạo công ăn việc làm cho người lao động. Xác định rõ điều đó, trong những năm qua, Hà Giang đã có nhiều giải pháp nhằm từng bước giải quyết việc làm cho người lao động.
Từ năm 2002 đến nay, trung bình mỗi năm Hà Giang hỗ trợ giải quyết việc làm cho 12.331 lao động. Nhờ đó đã giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị từ 5,57% (năm 2002) xuống 4,05% (năm 2007); tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn từ 75,42% lên 81,05%... Để có được kết quả đó, Hà Giang đã chú trọng đến công tác đào tạo nghề cho người lao động. Trong 5 năm, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 26.887 người với các ngành nghề thông dụng như: kỹ thuật điện dân dụng, điện tử; kỹ thuật xây dựng, khai thác khoáng sản; kỹ thuật nông lâm nghiệp, kỹ thuật cơ khí, sữa chữa ô tô, xe máy… Tỷ lệ lao động qua đào tạo nói chung đã tăng từ 10,9% năm 2002 lên 18,2%, trong đó tỷ lệ qua đào tạo nghề đã tăng từ 6,27% năm 2002 lên trên 12 % năm 2007. Lao động được đào tạo nghề, tìm được công ăn việc làm, có thu nhập cải thiện cuộc sống gia đình. Nhiều lao động nhờ chăm chỉ làm ăn không những đã thoát được nghèo, làm giàu cho bản thân và tạo công ăn việc làm cho những lao động khác.
Bằng sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể, sự vươn lên của bản thân người lao động mà công tác giải quyết việc làm cho người lao động của tỉnh ta đã đạt được những kết quả bước đầu, góp phần không nhỏ vào công cuộc xoá đói giảm nghèo của tỉnh. Kết quả, đến hết năm 2007, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm từ 51,05% xuống còn 35,5% so với năm 2005.
Với mục tiêu đặt ra, mỗi năm giải quyết việc làm cho 12.000 lao động, xuất khẩu 1.000 lao động, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 25 % vào năm 2010… Sở LĐ-TBXH, đơn vị tham mưu cho UBND tỉnh về lĩnh vực này cho rằng: Cần tiếp tục đổi mới trong thực hiện chính sách, cơ chế góp phần phát triển KT-XH để tạo ra nhiều việc làm cho người lao động; khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư mở mang ngành nghề, thu hút lao động, đẩy mạnh XKLĐ có tay nghề cao; phát triển hệ thống dạy nghề của tỉnh với 2 cấp trình độ (sơ cấp và trung cấp). Nâng cấp Trường dạy nghề của tỉnh thành trường trung tâm dạy nghề đạt chuẩn, tiếp tục thành lập trung tâm dạy nghề tại các huyện chưa có, đa dạng hoá các loại hình đào tạo nghề phù hợp với đối tượng lao động và thị trường lao động…
Có thể nói với một lọat các giải pháp được ngành chức năng đưa ra, nếu được tổ chức một cách đồng bộ thì công tác giải quyết việc làm cho người lao động ở tỉnh ta sẽ có bước phát triển mới. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi mà nền kinh tế thế giới đang có chiều hướng suy thoái, lạm phát tăng cao thì việc giải quyết việc làm cho người lao động sẽ càng khó khăn hơn. Tạo công ăn việc làm cho người lao động ở một tỉnh còn nghèo như Hà Giang vẫn luôn là một việc làm cấp thiết, đòi hỏi sự chung sức chung lòng của toàn xã hội và quyết tâm của người lao động. Có như vậy mục tiêu giải quyết công ăn việc làm cho người lao động nhằm tích cực xoá đói giảm nghèo một cách bền vững ở Hà Giang mới đạt được kết quả như mong muốn.
Ý kiến bạn đọc