Trường Cao đẳng Nghề - Kỹ thuật công nghệ Tuyên Quang hiện đang đào tạo 27 mã ngành nghề khác nhau. Trong đó, trình độ cao đẳng có 7 ngành nghề, trình độ trung cấp 13 ngành nghề, 16 ngành nghề trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên. Năm 2021, trường tổ chức tuyển sinh gần 8.500 học viên.
Sinh viên Lớp Cao đẳng điện K16 thực hành lắp mạch điện.
Theo đồng chí Lộc Văn Quang, Phó Hiệu trưởng nhà trường, trước mỗi đợt tuyển sinh, nhà trường đều tiến hành khảo sát nhu cầu thị trường lao động, nhu cầu học nghề của học sinh và người lao động từ đó lên kế hoạch tư vấn hướng nghiệp cho phù hợp. Trước đó, các tổ tư vấn tuyển sinh cũng tổ chức các buổi tư vấn học nghề trực tiếp cho phụ huynh và học sinh tại các trường THCS, THPT, thường xuyên cập nhật thông tin tuyển sinh trên Fanpage và Website của nhà trường... Thời gian qua, nhà trường đã đẩy mạnh liên kết, đào tạo, giới thiệu việc làm với nhiều công ty, khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Trong đó có nhiều doanh nghiệp hợp tác hỗ trợ sinh viên ngay từ khi thực tập và cam kết đảm bảo việc làm sau khi các em tốt nghiệp như Công ty Samsung Việt Nam, Công ty cổ phần Sông Đà, Công ty Honda Việt Nam, Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang...
Việc đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho học viên là một trong những chính sách thu hút được đông đảo học sinh, sinh viên quan tâm. Em Sớ Văn Phú, thôn Gành Nà, xã Công Đa (Yên Sơn) tâm sự, sau khi tốt nghiệp THCS, em muốn được đi học nghề để sớm tham gia thị trường lao động, tạo thu nhập cho bản thân nên em đã đăng ký lớp trung cấp Hàn tại Trường Cao đẳng Nghề - Kỹ thuật công nghệ tỉnh. Em được miễn giảm 70% học phí và được tạo điều kiện cho ở nội trú tại ký túc xá của nhà trường vì thuộc diện học viên dân tộc thiểu số.
Học viên lớp Trung cấp kỹ thuật xây dựng thực hành kỹ thuật lắp dựng cốp pha, giàn giáo.
Bên cạnh đổi mới trong công tác tuyển sinh, chất lượng đào tạo nghề cũng không ngừng được nâng cao. Nhiều ngành nghề được mở rộng quy mô đào tạo như điện công nghiệp, công nghệ ô tô, cắt gọt kim loại, Lái xe ô tô các hạng B1, B2, C, E... Một số ngành, nghề phục vụ phát triển nguồn nhân lực, phục vụ nông nghiệp công nghệ cao đã được mở ra đáp ứng xu thế phát triển của xã hội như công nghệ thông tin, sản xuất và chế biến, kinh tế dịch vụ, nông - lâm nghiệp và thủy sản... Cùng với đó, cơ sở vật chất của nhà trường cũng không ngừng được cải thiện và nâng cao với 8 xưởng thực hành, 3 thư viện, 2 phòng thí nghiệm và 2 khu vực nhà học lý thuyết với quy mô 26 phòng học. Hàng năm nhà trường nâng cấp, đổi mới các thiết bị thực hành từ cơ bản đến hiện đại, phù hợp với công nghệ và thực tế sản xuất. Qua đó, đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học của giáo viên, học viên trong trường.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hà, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề theo lộ trình xây dựng trường trọng điểm đào tạo công nhân trình độ cao, nhà trường tiếp tục triển khai thực nhiều giải pháp toàn diện. Trong đó tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực gắn với nhu cầu thị trường; chú trọng đào tạo lại và đào tạo thường xuyên đáp ứng yêu cầu thị trường lao động thời kỳ cách mạng 4.0. Đồng thời, tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng ngành nghề đào tạo đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Gửi phản hồi
In bài viết