Xây dựng văn hóa Đảng

- Văn hóa thuộc về con người, của con người, do con người. Vì vậy, nói đến văn hóa Đảng chính là nói đến văn hóa của đội ngũ cán bộ, đảng viên - những người cộng sản ưu tú nhất, tiêu biểu nhất của quần chúng nhân dân lao động.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: Đảng là gì? Đảng là mỗi chúng ta, Đảng lớn lên là do mỗi chúng ta lớn lên. Đảng kết nạp những người con ưu tú, tiến bộ nhất trong quần chúng nhân dân lao động vào Đảng. Đó là những con người thấm nhuần lý luận tiên tiến của thời đại, là chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đảng viên của Đảng là những con người có trí tuệ, tài năng và đạo đức, một lòng một dạ phụng sự tổ quốc, phụng sự nhân dân, là những con người tiêu biểu cho tiến bộ xã hội, tập hợp và lãnh đạo nhân dân phấn đấu vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội.

Do đó, xây dựng văn hóa Đảng trước hết là phải xây dựng văn hóa trong mỗi tổ chức Đảng đồng thời với xây dựng đạo đức cách mạng cho mỗi cán bộ, đảng viên.

Đảng đặc biệt quan tâm xây dựng văn hóa trong Đảng, xem đây là nền tảng, là sức mạnh nội sinh bảo đảm cho việc thực hiện mục tiêu “xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”. Quan điểm của Đảng về công tác xây dựng Đảng đã có những điểm bổ sung, phát triển quan trọng.

Nội dung, yêu cầu xây dựng văn hóa trong Đảng lần đầu tiên được đề cập trong Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII (năm 1998) “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” - Nghị quyết được đánh giá mang tầm “cương lĩnh” về văn hóa của Đảng trong thời kỳ đổi mới. Nghị quyết đã chỉ rõ: Để xây dựng và phát triển văn hóa trong xã hội, trước hết cần “xây dựng văn hóa trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước như Bác Hồ đã dạy Đảng ta là đạo đức, là văn minh… Văn hóa đạo đức và lối sống lành mạnh phải được thể hiện trước hết trong mọi tổ chức Đảng, Nhà nước, đoàn thể, trong cán bộ, viên chức Nhà nước, trong từng đảng viên... Từ sự gương mẫu về mọi mặt của các tổ chức và từng cán bộ trong bộ máy đảng, nhà nước, đoàn thể mà phát huy vai trò lãnh đạo thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Trong đó, gương mẫu là một nội dung, một phương thức trọng yếu trong công việc lãnh đạo của Đảng”.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã có bước phát triển mới trong tư duy lý luận về xây dựng văn hóa trong Đảng khi xác định nhiệm vụ “xây dựng văn hóa trong chính trị” trở thành một trong sáu nhiệm vụ nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Đại hội XII, nội dung xây dựng văn hóa trong Đảng được bổ sung với nhiều điểm mới, nổi bật là đưa công tác xây dựng Đảng về đạo đức ngang tầm với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Đến Đại hội XIII, Đảng xác định xây dựng văn hóa Đảng chính là xây dựng văn hóa đạo đức trong Đảng, xây dựng đạo đức cách mạng cho cán bộ đảng viên, nhất là việc nêu cao tinh thần gương mẫu, “tự soi, tự sửa”, thường xuyên rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức trách nhiệm, trung thực, tiên phong trong mọi hoạt động và phong trào. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đây chính là cách để mỗi cán bộ đảng viên không chỉ tự hoàn thiện mình mà còn góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với niềm tin của dân tộc và sự ủy thác của nhân dân.

 Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tại Hội nghị văn hóa toàn quốc tháng 11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra yêu cầu: “Chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, về đạo đức; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để Đảng ta và hệ thống chính trị của nước ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người Việt Nam. Xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu theo tư tưởng, đạo đức, phong cách văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo của Đảng; hiệu quả quản lý của Nhà nước; sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong sự nghiệp phát triển văn hóa”.

Sau 35 năm thực hiện đường lối đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, tạo nên vị thế, cơ đồ, tiềm lực, uy tín  cho đất nước trên trường quốc tế. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” - chính là biểu hiện của việc xuống cấp về đạo đức, về văn hóa trong Đảng.

Để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, để Đảng ta thực sự “là đạo đức, là văn minh” cần quan tâm những nội dung sau:

Một là, chú trọng giáo dục trong Đảng và trong xã hội về lý tưởng và mục tiêu, sự nghiệp cách mạng mà Đảng và Nhà nước ta theo đuổi, đó là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế trong sáng, niềm tự hào dân tộc và truyền thống dân tộc, bản sắc văn hóa dân tộc, tâm hồn dân tộc Việt Nam.

Hai là, Xây dựng, củng cố, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Đó là sự đoàn kết, thống nhất có nguyên tắc, dựa trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, quan điểm, đường lối của Đảng. Đảng chỉ có sức mạnh khi mọi đảng viên và tổ chức Đảng tuân thủ nghiêm túc những nguyên tắc sinh hoạt Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ. Đoàn kết trong Đảng chính là nhân tố quan trọng để xây dựng sự đoàn kết và đồng thuận xã hội - là một trong những nội dung quan trọng trong xây dựng văn hóa Đảng.

Ba là, thực hành sâu, rộng văn hóa tự phê bình và phê bình trong Đảng. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tự soi, tự sửa. Các cấp ủy, cán bộ, đảng viên cần đề cao trách nhiệm trong thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nâng cao chất lượng công tác tự phê bình và phê bình trong Đảng. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương, để việc nêu gương trở thành hành động tự giác “văn hóa nêu gương”.

Bốn là, tăng cường xây dựng, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Cùng với tư tưởng và đời sống văn hóa thì đạo đức, lối sống là những lĩnh vực quan trọng nhất trong đời sống văn hóa, tinh thần của Đảng. Tư cách và phẩm chất (chính trị, chuyên môn, đạo đức) tạo nên cấu trúc cơ bản của một nhân cách. Giáo dục, rèn luyện nhân cách là giáo dục văn hóa mà thước đo của nó là uy tín, có tác dụng lan tỏa trong xã hội.

Năm là, việc xây dựng văn hóa Đảng phải gắn với việc xây dựng văn hóa dân tộc. Chỉ trên cơ sở phát huy những tinh hoa văn hóa dân tộc thì mới có điều kiện xây dựng văn hóa Đảng một cách vững chắc. Đó là phát huy chủ nghĩa yêu nước truyền thống, tính cộng đồng dân tộc, khát vọng độc lập tự do của dân tộc, những giá trị tư tưởng và đạo đức truyền thống của dân tộc.

Sáu là, coi trọng văn hóa trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân trong Đảng. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải thực hiện nghiêm túc việc tiếp dân định kỳ hoặc đột xuất, thực hiện có hiệu quả, thực chất Quy chế dân chủ ở cơ sở, cải cách hành chính. Nêu cao ý thức phục vụ nhân dân, làm việc với thái độ khách quan, công tâm, tập trung giải quyết lợi ích chính đáng của nhân dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân, chủ động đối thoại với nhân dân.

 TS. Giang Thị Huyền              
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Tin cùng chuyên mục