Huy Hoàng tiếp tục là đầu tàu, khi mở hàng huy chương và phá kỷ lục SEA Games ở nội dung 400m tự do nam. (Ảnh: Trần Hải)
Sự kế thừa của các vận động viên nam
Nếu như việc giành Huy chương Vàng được xem như thành công của các vận động viên tại SEA Games thì việc phá kỷ lục còn khẳng định sự nỗ lực không ngừng nghỉ cũng như thể hiện khả năng tuyệt vời của họ. 3 năm trước, những kỷ lục đã dần xuất hiện nhờ sự xuất sắc của các nam kình ngư. Tuy nhiên, việc "tiểu tiên cá" Ánh Viên vẫn thi đấu cực kỳ xuất sắc cũng chiếm bớt phần nào ánh hào quang của các thành viên còn lại.
Năm 2017, Ánh Viên giành tới 8 Huy chương Vàng SEA Games so với chỉ 2 tấm Huy chương Vàng của đội nam. 2 năm sau, "tiểu tiên cá" vẫn về nhất tới sáu trong tổng số 10 nội dung cô tham dự. Trong khi đó, các chàng trai cũng có được sự kế thừa bước đầu khi Huy Hoàng và Hưng Nguyên mỗi người đều giành được 2 tấm Huy chương Vàng tại SEA Games 30.
SEA Games 31 sắp diễn ra trên sân nhà, người hâm mộ đã xôn xao lo lắng khi Ánh Viên thông báo không còn góp mặt trong thành phần đội tuyển. Dẫu vậy, các tin vui đến liên tiếp từ các vận động viên nam đã bước đầu giúp khán giả xua tan nỗi nhớ Ánh Viên. Sau 4 ngày thi đấu chính thức, Việt Nam đã giành 7 tấm Huy chương Vàng và xác lập hàng loạt kỷ lục.
Những tiến bộ vượt bậc
Hưng Nguyên giành chiến thắng lịch sử ở nội dung 200 m bơi ngửa nam. (Ảnh: Trần Hải)
Đội tuyển bơi Việt Nam đã có ngày ra quân thuận lợi khi mang về 3 tấm Huy chương Vàng. Trong đó, "kình ngư" Nguyễn Huy Hoàng là người mở hàng Huy chương Vàng cho bơi Việt Nam khi về nhất nội dung 1.500m với thành tích 15 phút 0 giây 75. Tuy nhiên, đáng chú ý nhất là kỷ lục SEA Games ở nội dung 100m bơi ếch của Phạm Thanh Bảo với thành tích 1 phút 1 giây 17. Đây là cú nổ đầu tiên giúp tạo đà cho những kỷ lục bơi tiếp theo của các tuyển thủ.
Sau chiến thắng, kình ngư sinh năm 2001 khẳng định: "Dưới sự cổ vũ của khán giả, tôi vẫn không thể ngờ khi bản thân có thể phá được kỷ lục SEA Games. Tôi không biết nói gì hơn, chỉ biết sẽ cố gắng để nỗ lực hơn nữa".
Ngay sau đó, Thanh Bảo tiếp tục phá vỡ kỷ lục SEA Games ở nội dung 200m bơi ếch nam với thành tích 2 phút 12 giây 09 (kỷ lục trước đó là 2 phút 12 giây 57). Đáng tiếc, dù thi đấu vô cùng xuất sắc và so kè quyết liệt với đối thủ, Maximillian Wei Ang mới là người giành Huy chương Vàng. Thậm chí, đối thủ người Singapore còn phá sâu kỷ lục SEA Games với thành tích 2 phút 11 giây 93.
Không thua kém gì đàn anh, kình ngư 19 tuổi Trần Hưng Nguyên cũng trở thành chàng trai Việt Nam đầu tiên phá kỷ lục 400m hỗn hợp cá nhân nam. Cán đích đầu tiên sau 4 phút 18 giây 10, hơn Quang Thuấn 4 giây 3, đây là lần thứ hai liên tiếp vận động viên quê Quảng Bình phá kỷ lục Đại hội ở nội dung này. Bên cạnh đó, những nỗ lực của Nguyên cũng được đền đáp xứng đáng với tấm Huy chương Vàng ở nội dung 200 m bơi ngửa nam. Hưng Nguyên thổ lộ màn nước rút khiến anh như không thở được, nhưng nó cũng mang lại những cảm xúc đặc biệt. Bởi trước anh, chưa có bất kỳ vận động viên Việt Nam nào giành vàng ở nội dung này.
Dẫu vậy, nếu nhìn nhận một cách khắt khe hơn, muốn hướng đến những mục tiêu lớn như đấu trường ASIAD hay Olympic, thông số mà anh giành được vừa qua vẫn còn cách rất xa ba. Rõ ràng, nếu muốn tiến xa hơn trước mắt là ở đấu trường châu lục, chàng trai 19 tuổi vẫn cần quyết tâm và nỗ lực hơn nữa.
Cuối cùng, phải khẳng định, Nguyễn Huy Hoàng vẫn luôn là "đầu tàu" giúp tạo nhiệt huyết và động lực cho các em phía sau. Không chỉ là người mở hàng cho đội tuyển bơi Việt Nam, chàng trai Quảng Bình còn gây ấn tượng khi phá kỷ lục SEA Games ở nội dung 400m tự do với thành tích 3 phút 48 giây 06.
Niềm vui chiến thắng của đội tuyển bơi Việt Nam khi phá kỷ lục nội dung 4x200m nam. (Ảnh: Khiếu Minh)
Tiếp đà thăng hoa, đội tuyển bơi Việt Nam đã gây bất ngờ lớn khi phá kỷ lục SEA Games ở nội dung 4x200m tự do nam. Dù là nội dung thế mạnh của đoàn Singapore, Huy Hoàng và đồng đội đã giành thành tích 7 phút 16 giây 31, nhanh hơn kỷ lục cũ tới hơn một phút. Sau tấm Huy chương Vàng có phần may mắn ở nội dung 4x100m tự do nam, kết quả xuất sắc của các chàng trai Việt Nam cũng khiến đối thủ Schooling và các nước bạn bất ngờ. Tất cả đã dành lời khen cũng như trao nhau những cái ôm thể hiện sự tôn trọng.
Chia sẻ sau chiến thắng tuyệt vời của các học trò, huấn luyện viên Hoàng Vũ khẳng định sự xuất sắc của các vận động viên được tạo nên nhờ nền tảng đào tạo huấn luyện ngày càng được đầu tư chú trọng tốt hơn trước. Bên cạnh đó, Ban huấn luyện cũng lên kế hoạch rõ ràng, sử dụng chiến thuật hợp lý giúp toàn đội giành kết quả tốt nhất.
Điển hình như Nguyễn Huy Hoàng, việc xuất phát chậm đã nằm trong tính toán của Ban huấn luyện ở nội dung 400 m tự do. "Đó là chiến thuật dành riêng cho cá nhân tôi. Do không được mạnh như đối thủ trong những đoạn đường ban đầu, tôi chỉ cố gắng bám theo đối thủ nhanh nhất có thể, tạo đà để về sau bứt phá. Hiện tại, các cự ly sở trường của tôi đều là đường dài 800 m tới 1.500 m, nên việc xuất phát chậm không thể làm ảnh hưởng tới quá trình bơi của tôi. Điều quan trọng là cố gắng bứt phá ở đoạn cuối cùng", kình ngư sinh năm 2000 chia sẻ.
Gửi phản hồi
In bài viết