Bén duyên nghề mộc
Xưởng mộc của anh Đặng Văn Hội ẩn dưới hàng tre râm mát ngay đầu thôn. Tranh thủ lúc nghỉ ngơi, anh Hội giới thiệu, thôn Xuân Đức được mọi người quen gọi là bản người Dao, bởi các hộ ở đây đều là dân tộc Dao. Những thế hệ trước, nếu phụ nữ Dao có nghề thổ cẩm truyền thống, thì đàn ông Dao đều ít nhiều biết sử dụng dùi đục, búa, bào, cưa… phục vụ đời sống hàng ngày. Người Dao ở đây bao đời nay vẫn ở nhà sàn nên có các đội thợ mộc chuyên đi dựng nhà sàn. Họ đều là những người thợ mộc có “hoa tay”, có uy tín được dân làng nể trọng.
Xưởng mộc của anh Đặng Văn Hội thường xuyên duy trì việc làm cho 2 đến 4 lao động nông thôn.
Sinh năm 1983, khi mới 14, 15 tuổi, anh Hội đã đam mê với nghề mộc. Cứ khi nào ở làng trên, xóm dưới có nhà đang nuôi thợ mộc làm nhà sàn gỗ anh đều tìm đến xin theo phụ, học nghề. Chính sự chăm chỉ, tính cẩn thận, ham học hỏi nên anh đã thuyết phục được các đội thợ cho theo học nghề. Ban đầu, bố mẹ phản đối khi con đang tuổi ăn học đã đi học nghề mộc.
“Lúc đó, bố mẹ mình sợ con chịu khổ, ảnh hưởng kết quả học tập. Nhưng chính sự quyết tâm, thấy mình nghiêm túc, chăm chỉ học nghề. Mỗi sáng mình dậy đi học, còn chiều mới tranh thủ theo học nghề mộc nên bố mẹ cũng sớm yên tâm và ủng hộ” - anh Hội kể lại.
Anh may mắn vì thành viên trong đội thợ mộc đều là các ông, bác, chú, người ở cùng thôn, cùng xã nên họ sẵn sàng chỉ bảo anh kiến thức, kỹ thuật cơ bản từ cách chọn gỗ, sử dụng cưa xẻ, đục, bào, thước, kỹ thuật đục, chạm trổ họa tiết trang trí… Thông thường, các đội thợ mất vài tháng liền để hoàn thiện ngôi nhà sàn. Đó là khoảng thời gian quý giá để anh Hội trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng về nghề mộc. Tuy nhiên, trước thực tế, nguồn gỗ lớn ngày càng khan hiếm, ít hộ dân có điều kiện làm nhà sàn gỗ. Các đội thợ mộc cũng dần tự tan rã do không có việc. Là người nhạy bén nên anh Hội đã sớm có tính toán xa hơn.
Tiên phong mở xưởng mộc
Anh Hội chia sẻ: “Dù đam mê, nhưng tôi không thể theo nghề thợ mộc đi dựng nhà sàn gỗ mà phải chuyển hướng mới bắt nhịp xu thế của xã hội. Qua bàn đi tính lại sự định hướng của bố mẹ, tôi đã quyết chọn theo hướng đóng đồ nội thất và các đồ dân dụng theo yêu cầu”.
Anh Đặng Văn Hội hướng dẫn người lao động sử dụng máy móc trong các công đoạn sản xuất.
Hoàn cảnh gia đình khó khăn, học xong cấp 3, sẵn có kiến thức cơ bản về nghề mộc, anh Hội là người đầu tiên trong thôn vượt lũy tre làng “khăn gói” đi học nghề ở các xưởng gỗ lớn trong tỉnh. Là người sáng dạ, với đức tính cần cù, ham học hỏi nên anh nhanh chóng nắm vững kỹ thuật, công đoạn sản xuất những sản phẩm: giường, tủ, bàn, ghế, cửa… Sau nhiều năm bươn trải, tích lũy được chút vốn, năm 2005, anh Hội về quê lập gia đình và vay mượn thêm vốn để mua máy móc, thiết bị dựng nhà mở xưởng gỗ. Thời điểm đó, anh là người Dao đầu tiên ở thôn, xã dám đầu tư mở xưởng mộc quy củ. Ban đầu, anh chủ yếu đóng các đồ như: bàn, ghế, cửa, tủ, giường… theo đơn đặt hàng của anh em họ hàng và người trong xã. Anh cũng làm thêm dịch vụ xẻ gỗ thuê để tăng thêm thu nhập. Đồng thời, tích lũy vốn mua thêm nguyên liệu gỗ để phục vụ tốt nhu cầu khách hàng.
Với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, không ngừng học hỏi để nâng cao tay nghề, anh Hội dần vượt qua khó khăn, xưởng gỗ dần đi vào hoạt động ổn định, đơn hàng ngày càng tăng. Quá trình sản xuất, anh Hội luôn cầu thị, coi trọng những ý kiến phản hồi, tận tình tư vấn để khách hàng có nhiều lựa chọn mẫu sản phẩm, chủng loại gỗ phù hợp. Trung bình mỗi tháng cơ sở sản xuất của anh làm ra hàng chục sản phẩm, như: bàn, ghế, giường, tủ, sập… Những sản phẩm mộc do anh làm ra được đông đảo khách hàng tin tưởng và không ngừng vươn ra xã, huyện và mở rộng sang huyện Yên Bình (tỉnh Yên Bái).
Tuy xưởng gỗ của anh Hội không treo biển hiệu nhưng hàng ngày đều có khách hàng đến đặt anh đóng đồ. Anh Bàn Văn Hai, ở thôn Làng Phan, xã Hùng Đức cho biết: “Hơn chục năm qua, gia đình tôi luôn tin cậy, hài lòng sử dụng các sản phẩm mộc của xưởng anh Hội. Gần đây nhất, khi xây nhà mới, tôi đã đặt hàng anh Hội thi công những hạng mục cửa gỗ, tủ bếp và rất hài lòng về chất lượng, độ thẩm mỹ cao”.
Anh Đặng Văn Hội đã đầu tư tại xưởng mộc nhiều máy móc, thiết bị hiện đại giúp nâng cao năng suất
lao động và chất lượng sản phẩm.
Công việc thuận lợi giúp anh có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Anh Hội còn đào tạo nghề và tạo việc làm cho 2 lao động thường xuyên với mức lương từ 6 đến 9 triệu đồng/tháng. Anh Hội khẳng định: “Thị hiếu của khách hàng với các sản phẩm gỗ ngày càng cao. Để nâng tầm và phát triển nghề bền vững, tôi thường xuyên tự nâng cao tay nghề, tìm tòi thay đổi mẫu mã, giữ chữ tín về thời gian giao hàng, thi công đúng hẹn, dùng gỗ đúng loại gỗ theo hợp đồng, chất lượng sản phẩm được đặt lên hàng đầu”.
Đồng chí Hoàng Văn Hưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Đức vui mừng cho biết: Anh Đặng Văn Hội, ở thôn Xuân Đức là người Dao đầu tiên trên địa bàn xã mạnh dạn đi học nghề, rồi về quê mở xưởng mộc. Gần 20 năm qua, xưởng mộc của anh luôn duy trì hoạt động hiệu quả và đã khẳng định được uy tín với khách hàng. Anh Hội là tấm gương tuổi trẻ có khát vọng, luôn nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng, giải quyết việc làm cho các lao động địa phương, góp phần chung sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Gửi phản hồi
In bài viết