Yêu trẻ trẻ đến nhà

- Mới đó mà đã tròn 17 năm chị Hà Thị Ly Thùy, giáo viên dạy môn Tiếng Anh, Trường PTDTNT THCS Lâm Bình gắn bó với mảnh đất Lâm Bình. Những chia sẻ của chị về nghề thật đáng cảm phục và trân trọng.

Nhiệt huyết tuổi 22

Tôi biết chị Thùy đã được gần 5 năm, nhưng đến tận hôm nay tôi mới hiểu hết được những vất vả, khó khăn của những ngày đầu chị gắn bó với mảnh đất Lâm Bình. Chị kể, ngày nhận công tác, ngồi sau xe máy của bố đi hết nửa ngày đường mới đến được Trường THCS Thổ Bình (Lâm Bình) (lúc đó thuộc huyện Chiêm Hóa). Cô gái 22 tuổi lần đầu tiên trải qua những cung đường gập ghềnh như thế. Đến trường đã quá trưa, tìm mãi không có quán ăn, may mắn khi biết chị là giáo viên mới đến đã có nhà nhận nấu cơm hộ. Sau bữa cơm đầu tiên ấy, chị biết, chị sẽ gắn bó với nơi này.

Chị Thùy quê ở Sơn Dương, tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội đầu năm 2004. Đến tháng 11, chị nhận công tác, nhà xa chị ở tại trường. Phòng ở của chị rộng khoảng 9 m2, kê được 1 chiếc giường 1 m, 1 bàn làm việc và bàn nấu ăn. Dù điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, nhưng tinh thần lạc quan, hết lòng với các em học sinh đã giúp chị vượt qua và luôn hoàn thành tốt công việc dạy học. Sau giờ học chính buổi sáng ở trên lớp, chị Thùy thông báo với các em học sinh nếu ai yêu thích và muốn học thêm môn Tiếng Anh thì buổi chiều có thể đến trường, chị sẽ dạy miễn phí cho các em. “Yêu trẻ, trẻ đến nhà”, vậy là cứ mỗi buổi chiều trong tuần, chị lại dạy kèm cho khoảng 30-40 em học sinh. Những kiến thức của bộ môn Tiếng Anh mới mẻ thu hút các em, những giọng đọc được chị Thùy uốn nắn ngày càng “đúng chuẩn” hơn. Dạy học cả ngày, buổi tối chị lại cặm cụi soạn giáo án cho buổi học tiếp theo. Nhiều hôm mất điện, chị lại làm bạn với chiếc đèn dầu đến tận khuya. Thế nhưng chị chưa bao giờ thấy mệt mỏi, chị luôn lạc quan, tin tưởng vào những cô cậu học trò nhỏ hôm nay sẽ làm thay đổi cuộc sống của vùng quê còn nhiều khó khăn trong tương lai.

 

Cô giáo Hà Thị Ly Thùy, giáo viên Trường PTDTNT THCS Lâm Bình (Lâm Bình)
luôn dành cho học trò những tình cảm thân thương nhất.

Xã Thổ Bình lúc đó có 10 thôn, là xã đặc biệt khó khăn. Vì vậy, để các em học sinh theo học đầy đủ cần sự cố gắng rất lớn của nhà trường, nhất là các thầy cô giáo chủ nhiệm. Chị Thùy vẫn nhớ như in những ngày phải trèo đèo, lội suối, đến những nơi xa xôi nhất của xã để vận động các em đi đến lớp. Chị tâm sự, năm chị làm giáo viên chủ nhiệm lớp 8, em Bàn Thị Nhụt, thôn Lũng Piat là học sinh thường xuyên nghỉ học. Nhà em Nhụt ở tít chân núi, bố mẹ thường xuyên ở trên rừng không về. Ở nhà chỉ có em và anh trai. Những lần chị đến, trong nhà chẳng có vật dụng gì đáng giá ngoài một cái chõng tre, 1 cái nồi và 1 cái ấm nước. Chị phải đi lại và động viên rất nhiều lần Nhụt mới đồng ý đi học. Là một người giáo viên vùng cao, mỗi ngày được điền chữ “đủ” vào góc bảng là niềm hạnh phúc không phải ai cũng có thể trải qua.

Dù công tác trong tỉnh, nhưng đường sá đi lại khó khăn nên 1-2 tháng chị Thùy mới về thăm nhà một lần. Những khi có công việc cần liên lạc, muốn gọi điện chị phải ra bưu điện xã. Vì cả xã chỉ có một nơi để liên lạc nên thường rất đông, muốn gọi phải đăng ký trước và thời gian gọi cũng bị khống chế. Dù khó khăn là vậy, nhưng tình yêu nghề, nhiệt huyết của tuổi trẻ và tình cảm của các em học sinh là động lực giúp chị gắn bó với mảnh đất này.

Cống hiến thanh xuân

Chị Thùy lập gia đình năm 2005. Chồng chị công tác tại Phòng Hình sự (Công an tỉnh). Hai anh chị mỗi người một nơi, chỉ biết động viên nhau qua những cuộc điện thoại và những cánh thư tay. Khi có con nhỏ, đường sá đi lại cũng đã thuận tiện hơn xưa, chị tranh thủ cuối tuần về với gia đình. Nhiều lúc chỉ về được một buổi tối chị cũng cố gắng để gần con. Chị Thùy may mắn có được người chồng hiểu cho công việc của mình nên cũng phần nào yên tâm công tác.

Cô giáo Hà Thị Ly Thùy hướng dẫn các em học sinh ôn tập bài ngoài giờ lên lớp.

Năm 2017, UBND tỉnh ra Quyết định 217 về chuyển giao nguyên trạng các trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo về UBND huyện quản lý. Chị Thùy được điều động công tác về Trường PTDTNT THCS Lâm Bình. Tại đây, với môi trường nội trú, các em học sinh đều là đồng bào dân tộc, ở lại trường, các thầy cô ngoài việc dạy học còn có thêm nhiệm vụ quản lý các em sinh hoạt. Khi mới về trường, điều kiện cơ sở vật chất của trường còn nhiều thiếu thốn. Các em học sinh phải đi học nhờ tại Phân hiệu Trường Tiểu học Lăng Can và ở nhờ tại khu nhà tiền chế của UBND huyện. Mỗi ngày trực nội trú, chị và các thầy cô giáo trong trường sẽ phải đánh thức các em dậy từ 5 rưỡi sáng, cho các em tập thể dục, vệ sinh cá nhân, dọn dẹp khuôn viên, phòng ở và dẫn các em di chuyển ra lớp học. Ngày 6 lượt di chuyển, 9 rưỡi tối dẫn các em học sinh quay về trường và vệ sinh cá nhân, đi ngủ.

Với môi trường mới, chị đã chủ động thích nghi, tự bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, trao đổi với đồng nghiệp để có phương pháp giảng dạy tốt nhất. Nhiều năm liền chị tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi và nhiều em đã giành giải cấp tỉnh, huyện. Hiện tại, chị là Tổ trưởng tổ ban chung, thư ký hội đồng và trưởng ban thanh tra nhân dân. Vì vậy, ngoài công việc chuyên môn, chị Thùy còn làm công tác tham mưu, tổng hợp cho Ban Giám hiệu, phụ trách đơn thư trong nhà trường. Chị Hoàng Thanh Thùy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, cô giáo Hà Thị Ly Thùy là người đã gắn bó với Lâm Bình nên hiểu tâm tư, nguyện vọng và sát sao với các em học sinh. Chị Thùy là người luôn biết cách sắp xếp để dung hòa giữa công việc và gia đình, vì vậy chị nhận được sự yêu mến từ đồng nghiệp và các em học sinh.

Chính sự ngây thơ, trong sáng, chân thành của các em học sinh vùng cao Lâm Bình đã níu thanh xuân của chị ở lại đây - chị Thùy chia sẻ. Vì thế, chị vẫn cống hiến và luôn giữ được nhiệt huyết của cô gái tuổi 22 ngày nào đối với công việc “trồng người” của mình...

Phóng sự: Thu Trang

Tin cùng chuyên mục