Xử lý nghiêm việc đổ chất thải ra sông Thị Vải
Trong bốn ngày 6, 8, 10 và 15-9, đoàn kiểm tra liên ngành làm việc tại Công ty cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam (Công ty Vedan) đã phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng, trong đó có việc xây dựng hệ thống đường ống ngầm để đổ nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải.
Những sai phạm nói trên của Công ty Vedan đã vi phạm khoản 3, điều 9 và khoản 3, khoản 4, điều 15 của Nghị định số 81/2006/NÐ/CP, ngày 9-8-2006, của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Sông Thị Vải có chiều dài khoảng 76 km, tiếp giáp với các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Ðồng Nai và TP Hồ Chí Minh. Sông Thị Vải là sông nước mặn, ngắn, khá rộng và sâu, có thể coi như là một vịnh hẹp ăn sâu trong đất liền, chịu ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều rõ rệt. Lưu vực sông Thị Vải là khu vực rất hấp dẫn các nhà đầu tư do có vị trí thuận lợi, có hệ thống cảng nước sâu phát triển và là cửa ngõ giao thông thủy của vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Nước sông Thị Vải hiện đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do các chất hữu cơ, chất dinh dưỡng, chất lơ lửng, mùi hôi và vi khuẩn. Nguyên nhân chủ yếu do nước thải công nghiệp của các cơ sở và Khu công nghiệp (KCN) Nhơn Trạch 2, Nhơn Trạch 1, Gò Dầu, Nhơn Trạch 3 và Formosa, Mỹ Xuân A, Phú Mỹ 1; Công ty Vedan, Nhà máy su-pe phốt-phát Long Thành... đang hoạt động trên lưu vực không được xử lý hoặc xử lý không đạt tiêu chuẩn môi trường Việt Nam cho phép (TCVN) đã thải xuống sông Thị Vải. Ngoài ra, nước sông còn bị ảnh hưởng của các nguồn chất thải khác: sinh hoạt, nông nghiệp, vận tải thủy.
Lĩnh vực hoạt động của Công ty Vedan là sản xuất bột ngọt, tinh bột, nước đường, xút (NaOH), a-xít (HCl), Lysin (A-xít a-min), thức ăn chăn nuôi, phân bón, các sản phẩm công nghệ sinh học, vận hành cụm phát điện công suất 12 và 60 MW, bến cảng 12 nghìn tấn... ; tổng diện tích 120 ha.
Ðoàn Kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành làm việc bốn lần với Công ty Vedan (bốn ngày khác nhau: 6, 8, 10 và 15-9-2008), với sự tham gia và chứng kiến của cán bộ Cục Cảnh sát môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Ðồng Nai và đơn vị phân tích mẫu là Viện Môi trường và Tài nguyên, Ðại học quốc gia TP Hồ Chí Minh.
Cục Cảnh sát môi trường Bộ Công an đã làm việc với ông Lin Mao Fu (Lâm Mạo Phủ) chủ quản phân xưởng của Công ty Vedan. Ông Lâm Mạo Phủ đã thừa nhận: thao tác vận hành máy bơm tại bể bán âm chứa chất thải từ nhà máy sản xuất bột ngọt để xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải vào buổi sáng, có những lúc vào buổi tối, thời gian xả thải khoảng 2-3 giờ đồng hồ. Tại thành bể bán âm có một máy bơm và có một đường ống đấu nối thẳng trực tiếp ra sông Thị Vải, có thể bơm nước sông vào và có thể xả thải chưa qua xử lý ra sông. Khi xả thải thì ông Lâm Mạo Phủ đóng hai van hút nước lại và mở van xả thải ra, sau đó bật công tắc (cầu dao) điện của hộp kỹ thuật ở cầu cảng của Công ty Vedan để xả thải trực tiếp ra sông Thị Vải. Ông Lâm Mạo Phủ thừa nhận: Dưới chân bồn 15.000 m3 chất thải đó có một máy bơm áp lực đấu nối với đường ống chạy thẳng ra sông Thị Vải, khi vận hành thì đến chỗ hộp kỹ thuật và hộp công tắc vận hành nguồn điện dẫn đến máy bơm, sau đó bật công tắc vận hành tại hộp kỹ thuật để máy bơm hoạt động rồi mở van xả thải nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải tại cầu cảng của Công ty Vedan.
Ðại diện Công ty Vedan cho rằng: "Trong quá trình tăng sản lượng sản xuất thì dung lượng các thiết bị, công trình xử lý chất thải chưa tăng kịp sản lượng đã tăng. Công ty chúng tôi sẽ rà soát toàn diện các hệ thống thiết bị xử lý chất thải hiện hữu và tiến hành sớm việc cải tạo, nâng cấp và lắp đặt bổ sung hệ thống thiết bị, hệ thống xử lý chất thải để xử lý chất thải phát sinh từ quá trình sản xuất đạt tiêu chuẩn môi trường".
Từ các kết quả kiểm tra, đoàn kiểm tra đã xác định sáu hành vi vi phạm của Công ty Vedan.
Thứ nhất, Công ty Vedan đã thiết kế và lắp đặt hệ thống bơm, đường ống kỹ thuật để bơm dịch thải lỏng của Nhà máy sản xuất Lysin, Nhà máy bột ngọt và Nhà máy sản xuất PGA từ bể chứa bán âm dung tích 6.000-7.000 m3 và bồn chứa 15.000 m3 theo hệ thống đường ống (có đoạn chôn ngầm, có đoạn đi trên bề mặt đất) ra cầu cảng số hai, chảy vào hai trụ bơm được cắm sâu xuống sông Thị Vải khoảng 7-8 m và trên bề mặt cầu cảng có một miệng xả hở bằng thép đường kính 20 cm trực tiếp ra sông Thị Vải. Việc lắp đặt hệ thống xả dịch thải nêu trên của Công ty Vedan là trái với quy trình kỹ thuật xử lý chất thải (nước thải, dịch thải lỏng), không đúng với nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt và vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Thứ hai, đối với nước thải, Vedan vi phạm quy định về xả nước thải không đạt tiêu chuẩn cho phép hàng chục lần, hành vi vi phạm này được quy định tại Ðiều 10 của Nghị định số 81/2006/NÐ-CP ngày 9-8-2006 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Trong đó, nếu xử lý vi phạm hành chính, hàm lượng các thông số ô nhiễm vượt năm lần TCVN thì bị tạm thời đình chỉ hoạt động; vượt hơn 10 lần bị cấm hoạt động, buộc di dời.
Thứ ba, công ty đã tự ý đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động hai dự án đầu tư mở rộng, nâng công suất của các nhà máy, xưởng sản xuất của công ty nhưng không có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ÐTM) được phê duyệt theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường (có lập báo cáo ÐTM nhưng tại thời điểm trình phê duyệt các nhà máy đã đi vào hoạt động).
Các hành vi vi phạm nêu trên đã vi phạm khoản 3 Ðiều 9 của Nghị định số 81/2006/NÐ-CP ngày 9-8-2006 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Thứ tư, công ty không lập hồ sơ, đăng ký có phát sinh a-mi-ăng thải (là chất thải nguy hại) với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ðồng Nai. Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại số 946/SÐK-TNMT, ngày 18-12-2006 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ðồng Nai không đăng ký loại chất thải này. Trong khi đó đoàn kiểm tra đã phát hiện có phát sinh a-mi-ăng thải tại khu vực lưu giữ chất thải để ngoài trời của công ty. Việc phân loại chất thải nguy hại của công ty chưa triệt để, vẫn để lẫn lộn chất thải nguy hại với chất thải thông thường; khu vực lưu giữ chất thải nguy hại không bảo đảm an toàn, để ngoài trời, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường vào mùa mưa. Hiện tại, chất thải nguy hại của công ty do doanh nghiệp tư nhân Tân Phát Tài thu gom, vận chuyển và xử lý. Việc quản lý chất thải nguy hại của công ty không thực hiện theo bộ chứng từ chất thải nguy hại do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành. Các hành vi vi phạm nêu trên đã vi phạm khoản 3 và khoản 4 Ðiều 15 của Nghị định số 81/2006/NÐ-CP.
Thứ năm, đoàn kiểm tra đã phát hiện trong khuôn viên hoạt động của công ty có một trại chăn nuôi heo (lợn) có 208 con (trọng lượng 50 kg đến 100 kg/con), gồm 26 chuồng. Khu vực này sử dụng một giếng khoan để rửa vệ sinh chuồng, trại. Nước thải chăn nuôi được thải trực tiếp vào hệ thống mương thoát hở chảy ra ngoài môi trường không qua hệ thống xử lý. Trại chăn nuôi này không có cam kết bảo vệ môi trường theo quy định, giếng khoan khai thác không có giấy phép khai thác nước ngầm theo quy định. Ðoàn kiểm tra đã tiến hành lấy một mẫu nước thải tại mương thu nước thải tại khu vực chăn nuôi heo trước khi thải ra ngoài môi trường (có biên bản lấy mẫu kèm theo).
Thứ sáu, tại khu vực bãi chứa nguyên liệu tinh bột mì ướt ngoài trời, được che phủ bằng bạt nhưng không kín hoàn toàn, nước thải từ khu vực mủ ướt được các ống thải trực tiếp từ bãi chứa xuống mương thoát hở, chảy ra ngoài môi trường không qua xử lý (khối lượng nhỏ). Ðoàn kiểm tra đã tiến hành lấy mẫu nước thải tại mương này để phân tích theo quy định (có biên bản lấy mẫu kèm theo).
Từ những vi phạm nói trên của Công ty Vedan, đoàn thanh tra liên ngành kiến nghị: Ðình chỉ hoạt động xả dịch thải lỏng, nước thải chưa qua xử lý gây ô nhiễm môi trường; yêu cầu Công ty Vedan thực hiện đền bù thiệt hại kinh tế hành vi gây ô nhiễm môi trường, vi phạm về bảo vệ môi trường gây ra; thực hiện nghiêm chỉnh các yêu cầu về bảo vệ môi trường, khắc phục hậu quả chậm nhất là 31-12-2008. Nếu công ty không thực hiện được, sẽ yêu cầu tạm đình chỉ sản xuất. Tiếp sau việc xử lý nghiêm hành vi gây ô nhiễm môi trường nước sông Thị Vải của Công ty Vedan, chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục thanh tra, kiểm tra xử lý trên diện rộng các cơ sở đang cố tình xả nước thải chưa qua xử lý gây ô nhiễm môi trường sông Thị Vải.
Qua kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của 77 cơ sở và KCN có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao trong tổng số 271 cơ sở và KCN đang hoạt động trên lưu vực sông Thị Vải (sáu KCN và 83 cơ sở ở Bà Rịa-Vũng Tàu, bảy KCN và 175 cơ sở ở Ðồng Nai) cho thấy hầu hết các cơ sở sau khi được thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ÐTM) hoặc bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường (ÐKÐTCMT) đã không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các nội dung trong báo cáo ÐTM được phê duyệt hoặc bản ÐKÐTCMT được xác nhận. Một số dự án đầu tư trong các KCN đã được phê duyệt báo cáo ÐTM như Gò Dầu, FORMOSA thuộc KCN Nhơn Trạch 3, Vinatex Tân Tạo (KCN dệt may Nhơn Trạch),... không thực hiện đúng quy định lập bản ÐKÐTCMT trình cấp có thẩm quyền xác nhận theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và Thông tư số 490/1998/TT-BKHCNMT ngày 29-4-1998 của Bộ Khoa học - Công nghệ và Môi trường; KCN Cái Mép đã được thẩm định báo cáo ÐTM, nhưng chưa lập báo cáo ÐTM bổ sung trình cấp có thẩm quyền phê duyệt khi điều chỉnh quy hoạch (chủ đầu tư là Tổng công ty xây dựng Sài Gòn).
Trong tổng số 77 cơ sở được kiểm tra có 49 cơ sở đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng chỉ có 11 cơ sở đạt tiêu chuẩn môi trường (chiếm tỷ lệ 14%); 18/77 cơ sở có biện pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí và xử lý khí thải (chiếm 23%); 60/77 cơ sở thực hiện thu gom và xử lý chất thải rắn nhưng chỉ có 34 cơ sở thực hiện quản lý chất thải nguy hại theo quy định (chiếm 43,6%); 54/77 cơ sở thực hiện chương trình giám sát môi trường nhưng chỉ có 38 cơ sở (chiếm 48,7%) thực hiện báo cáo đúng tần suất quy định hai lần/năm, tuy nhiên báo cáo rất sơ sài và mang tính hình thức.
|
Ý kiến bạn đọc