Xây nghiệp lớn từ chăn nuôi lợn

17:04, 02/07/2025

"Đời tôi gắn liền với con lợn. Nhờ nó mà tôi khấm khá, nhưng cũng có lúc điêu đứng vì nó. Cả cơ nghiệp này, từ ngôi nhà khang trang đến trang trại bề thế, đều do những chú lợn mà thành". – Anh Lương Xuân Kỳ, chủ trang trại lợn hàng đầu xã Mỹ Lâm mở lời đầy tâm sự khi chúng tôi có dịp ghé thăm. Giọng anh chất chứa cả niềm tự hào lẫn những thử thách đã qua, vẽ nên bức tranh sống động về nghị lực phi thường của người nông dân hiện đại.

Khởi nghiệp từ con số 0

Sinh năm 1985 tại thôn Đồng Bao, xã Mỹ Lâm, từ thuở nhỏ, Lương Xuân Kỳ đã chứng kiến cuộc sống nghèo khó của gia đình và bà con trong vùng. Điều đó thôi thúc anh tìm một hướng đi khác biệt sau khi tốt nghiệp cấp 3. Không đi theo lối mòn, anh chọn ngành thú y – một quyết định táo bạo nhưng đầy tính toán. "Ngay từ đầu tôi đã xác định mình sẽ làm nghề chăn nuôi. Nhưng phải có kiến thức bài bản mới có thể phát triển kinh tế bền vững được. Vì thế, tôi đã đăng ký học ngành thú y" - anh Kỳ chia sẻ về nền tảng quan trọng cho sự nghiệp sau này.

Anh Lương Xuân Kỳ
Anh Lương Xuân Kỳ.

Sau khi ra trường, anh Kỳ không vội vàng khởi nghiệp. Thay vào đó, anh chọn con đường tích lũy kinh nghiệm quý báu tại nhiều trang trại khác nhau, miệt mài học hỏi và trau dồi kiến thức, kỹ năng thực tế. Đến năm 2006, khi cảm thấy mọi thứ đã "chín", anh quyết định trở về quê hương và bắt đầu hành trình lập nghiệp của riêng mình.

Với toàn bộ số tiền lương tích cóp được sau một năm làm thuê, anh Kỳ mạnh dạn mua về con lợn giống đầu tiên. "Đó là một con lợn đực, làm giống. Nhờ con lợn ấy, gia đình đã dựng được cả cơ nghiệp như ngày hôm nay" - anh Kỳ bộc bạch với ánh mắt đầy xúc động.

Từ một con lợn giống ban đầu, anh Kỳ đã không ngừng nỗ lực, mở rộng quy mô đàn lên hàng chục, rồi hàng trăm con. Bước ngoặt lớn đến vào năm 2016, khi anh mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại quy mô lớn, chính thức đặt nền móng cho một trang trại hiện đại.

Anh Kỳ cho biết, trang trại của gia đình đang áp dụng công nghệ chuồng mát khép kín hiện đại. Đây là yếu tố then chốt giúp sức khỏe của đàn lợn luôn được đảm bảo, hạn chế tối đa dịch bệnh, đồng thời giúp lợn sinh trưởng và phát triển nhanh chóng. Với 50 con lợn nái, bình quân mỗi năm, trang trại của anh cung ứng ra thị trường gần 1.000 con lợn giống chất lượng cao và hơn 16 tấn lợn thịt thương phẩm.

Nhờ quy trình chăn nuôi bài bản và hiệu quả này, tổng doanh thu của trang trại đạt gần 10 tỷ đồng/năm, trừ hết chi phí, lợi nhuận thu về trên 1 tỷ đồng/năm. Trang trại còn tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động địa phương với mức lương bình quân 7,5 triệu đồng/tháng, góp phần ổn định đời sống cho nhiều gia đình.

Ngoài chăn nuôi, anh Kỳ còn đa dạng hóa hoạt động kinh doanh sang lĩnh vực thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi, phục vụ trực tiếp nhu cầu của bà con trong vùng. Sự linh hoạt, nhạy bén trong kinh doanh và tinh thần không ngừng học hỏi đã giúp anh Lương Xuân Kỳ khẳng định vị thế của một "ông chủ đa zi năng" – người không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương.

Những cú vượt "bão" ngoạn mục

Trò chuyện về hành trình gây dựng cơ nghiệp bạc tỷ của mình, anh Lương Xuân Kỳ nở nụ cười thật tươi khi gọi đó là những cuộc "vượt bão" ngoạn mục. Đằng sau nụ cười ấy là cả một câu chuyện về bản lĩnh, sự kiên cường và khả năng thích ứng phi thường của người nông dân thời đại số.

Anh Kỳ hồi tưởng, năm 2016 – thời điểm anh vừa dốc toàn bộ vốn liếng, thậm chí vay mượn hàng tỷ đồng để mua đất, dựng trang trại quy mô lớn. Khi giấc mơ mới chớm nở, chưa kịp thu hồi dù chỉ một chút vốn, thì cơn "bão" giá lợn giảm kỷ lục ập đến. Hàng tháng trời, giá lợn hơi lẹt đẹt dưới 20.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm anh bị ép giá xuống còn 13.000/kg lợn hơi, đẩy anh Kỳ vào thế "điêu đứng".

Anh Lương Xuân Kỳ (phải) hướng dẫn cách sử dụng thuốc thú y cho nhân viên trong trang trại.

Thời điểm đó, gia đình anh Kỳ đang nuôi khoảng 50 con lợn giống. Lợn mẹ thì cứ đẻ "sòn sòn", trong khi lợn con lại chẳng ai mua. Thế là cả nhà phải gồng gánh nuôi gần 1.000 con lợn thịt. Giá lợn xuống đáy, dù lợn nuôi đã lớn nhưng vẫn không bán được. Trung bình, mỗi con lợn xuất chuồng lỗ 2,5 triệu đồng. “Đợt đó, tôi mất vài tỷ đồng” - anh Kỳ bồi hồi kể lại, giọng vẫn chất chứa nỗi ngổn ngang của những tháng ngày gian khó.

Khi giá lợn vừa bắt đầu phục hồi, tưởng chừng có thể thở phào nhẹ nhõm, thì dịch tả lợn Châu Phi bùng phát, càn quét khắp nơi. Trang trại của anh Kỳ cũng không nằm ngoài vòng xoáy nghiệt ngã ấy. Dịch bệnh đã cướp đi một ngăn chuồng, gây thiệt hại khoảng 300 con lợn thịt. Một lần nữa, anh Kỳ lại phải đối mặt với thử thách "sống còn".

"Cũng may, sau đó do lợn khan hiếm, giá lợn thịt, lợn giống đều cao kỷ lục nên lợn của trang trại bán được giá, nhanh chóng gỡ gạc lại thiệt hại, "anh Kỳ kể, ánh mắt ánh lên niềm hy vọng. Bí quyết giúp trang trại của anh "vượt bão" thành công một phần là nhờ vào sự kiên trì, "sống chết" với nghề chăn nuôi lợn. Mặt khác, anh luôn thể hiện sự thích ứng nhanh, chịu khó học hỏi, đầu tư và ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất nông nghiệp. Đây chính là chìa khóa để trang trại của anh Kỳ đứng vững và phát triển ngay cả trong những giai đoạn cam go nhất.

Hiện tại, trang trại chính của anh Kỳ rộng 0,8 hecta, gồm 4 dãy chuồng hiện đại, chăn nuôi cả lợn thịt và lợn giống với tổng cộng 50 con lợn giống và hơn 600 con lợn thịt/năm. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Lương Xuân Kỳ còn tích cực mở rộng mô hình liên kết. Anh đang phụ trách kỹ thuật chính, con giống và bao tiêu đầu ra sản phẩm cho 5 hộ chăn nuôi khác trong và ngoài xã Mỹ Lâm. Những trang trại vệ tinh này hiện duy trì 200 con lợn nái sinh sản và hơn 1.000 con lợn thịt/lứa, góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương.

Những "cú vượt bão" của anh Kỳ không chỉ dừng lại ở thành công kinh tế, mà còn lan tỏa giá trị nhân văn, xây dựng một cộng đồng ấm no và vững mạnh. Anh Lương Xuân Kỳ không ngừng tham gia các phong trào ở địa phương, đóng góp ngày công, kinh phí làm đường giao thông nông thôn, ủng hộ người nghèo, các hộ gia đình chính sách, và hăng hái tham gia các chương trình nhân đạo, từ thiện do huyện, xã phát động.

Vừa qua, anh Lương Xuân Kỳ là 1 trong 2 cá nhân của tỉnh được Hội Nông dân tỉnh đề cử Trung ương Hội Nông dân Việt Nam biểu dương “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2025. Đây là sự ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ và những đóng góp to lớn của anh Lương Xuân Kỳ – người nông dân làm giàu từ đôi bàn tay, khối óc và trái tim vì cộng đồng.

Phóng sự: Bàn Thanh


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Người “gieo” tiếng Pà Thẻn
Điện thoại phủ sóng cả bản rồi. Internet cũng “vào” nhiều lắm. Bọn trẻ mặc quần bò, áo phông cả rồi. Chúng không nói tiếng dân tộc nữa mà nói tiếng Kinh. Chúng không hát những bài dân ca của dân tộc mình mà hát những bài nhảy nhót trong băng đĩa. Lời tâm sự của nhiều già làng trong bản khiến anh Phàn Văn Trường, thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang (Lâm Bình) trăn trở mãi. Vậy là, hành trình dạy học tiếng Pà Thẻn của anh bắt đầu với biết bao điều để nói…
25/06/2025
Thầy giáo quân hàm xanh miền cực Bắc
BHG - Với mong muốn chung tay đem cái chữ đến với các mẹ, các chị, những người phụ nữ vùng biên vốn chịu nhiều thiệt thòi, xưa nay chỉ biết cuốc nương, làm rẫy. Những người lính tại 12 đồn Biên phòng đã miệt mài, tận tâm triển khai công tác xóa mù chữ trên địa bàn, giúp người dân nâng cao trình độ nhận thức, góp phần phát triển KT - XH khu vực biên giới.
25/06/2025
Đồng hành cùng phụ nữ biên cương
BHG - Triển khai Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2021 – 2025, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trên địa bàn tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng (BĐBP) và các đơn vị đồng hành tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, bám sát cơ sở, góp phần chăm lo đời sống, nâng cao vị thế của phụ nữ vùng biên giới; đồng thời tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
25/06/2025
Adapting to severe climate change: A matter of survival for the entire planet
Amidst escalating threats to human life, the international community is stepping up cooperation to curb the effects of climate change.
25/06/2025